Thanh toán không dùng tiền mặt: Chuyển biến rõ nét

VIỆT NGUYỄN 23/02/2021 09:42

Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến, đem lại thuận tiện cho doanh nghiệp, người dân, ngành ngân hàng và các cơ quan, ban ngành của tỉnh.

Doanh nghiệp dùng máy POS để tiện lợi cho thanh toán qua thẻ ngân hàng của người dân. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Doanh nghiệp dùng máy POS để tiện lợi cho thanh toán qua thẻ ngân hàng của người dân. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

An toàn, tiện lợi

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, yêu cầu hạn chế tụ tập đông người đã khiến hình thức TTKDTM ngày càng phổ biến hơn. Trước đó, ngày 8.5.2018, với Quyết định 1457 của UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, để thanh toán viện phí, bệnh nhân chỉ cần quét mã QR bằng ứng dụng của các ngân hàng liên kết với bệnh viện chứ không cần phải xếp hàng đợi đến lượt thanh toán bằng tiền mặt. Bệnh viện đã giúp người bệnh thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tiếp trên nền tảng thiết bị di động thông minh, thậm chí có thể nhờ người thân thanh toán viện phí từ xa. Đến nay, số bệnh nhân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt chiếm hơn 35% trên tổng số giao dịch thanh toán viện phí của Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam.

Ông Lê Tấn Phát - giám đốc một công ty trên địa bàn TP.Tam Kỳ cho rằng, TTKDTM giảm sức ép, bị động cho doanh nghiệp và người lao động. Khi đến thời điểm thanh toán lương cho công nhân, không mang theo lượng lớn tiền mặt sẽ giúp doanh nghiệp giảm rủi ro, đảm bảo an toàn. Người lao động khi được thanh toán qua thẻ ngân hàng sẽ không phải khư khư giữ tiền mặt mà có thể rút tiền, chuyển khoản thông qua các hệ thống ATM, điện thoại thông minh bất cứ lúc nào.

Chị Phan Thảo Như (phường Cẩm Nam, TP.Hội An) làm việc cho một công ty nước ngoài ở TP.Đà Nẵng cho rằng, công việc quá bận rộn rồi phải lo toan nhiều việc nhà, nên không thể thanh toán tiền nước, tiền điện, các dịch vụ khác bằng tiền mặt được. Cứ đến hạn, ngân hàng sẽ chuyển các khoản thanh toán đó, tiết kiệm được thời gian, công sức, an toàn, thuận lợi.

Nhiều nhà hàng, khách sạn, thậm chí quán cà phê, quán ăn trên địa bàn tỉnh sử dụng các dịch vụ thanh toán qua thẻ ngân hàng, ví điện tử. Với TTKDTM, khách hàng thường xuyên nhận ưu đãi từ ngân hàng, các nhà cung cấp dịch vụ, được giảm giá, tặng quà, thưởng điểm, hoàn tiền… giúp tiết kiệm một khoản kha khá.

Cách đây chưa lâu, Vietcombank chi nhánh Quảng Nam đã phối hợp với Trung tâm Hành chính công tỉnh, Sở TT-TT tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai TTKDTM tại Cổng dịch vụ công quốc gia. Vietcombank chi nhánh Quảng Nam là ngân hàng đầu tiên trên địa bàn tỉnh kết nối thành công trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính.

Ông Võ Văn Đức - Giám đốc Vietcombank chi nhánh Quảng Nam khẳng định: “Ngân hàng cam kết nỗ lực không ngừng để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tốt nhất đến với các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp và người dân, nhất là TTKDTM”.

Xu thế tất yếu

Hoạt động thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công được đẩy mạnh, đáp ứng được nhu cầu thu, chi ngân sách của người dân và doanh nghiệp được nhanh chóng, kịp thời. Kết quả năm 2020, thực hiện thu ngân sách nhà nước qua ngân hàng đạt tỷ lệ 98%, nộp thuế điện tử của doanh nghiệp đạt 98%, thanh toán tiền điện qua ngân hàng và các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán khác chiếm 90% trong tổng doanh thu tiền điện, thanh toán tiền nước qua ngân hàng chiếm tỷ lệ 65%, thanh toán tiền học phí là 10%, chi trả an sinh xã hội là 30%.

Một lợi ích dễ nhận thấy của việc TTKDTM là Nhà nước sẽ giảm được chi phí quản lý, in ấn, kiểm đếm, bảo quản và vận chuyển tiền mặt. Phương thức TTKDTM được sử dụng rộng rãi trong nhân dân thì số tiền mà ngân sách tiết kiệm được là rất lớn. Cùng với đó, khi được số hóa, các giao dịch sẽ minh bạch hơn. Hiện nay, đã có hơn 500 dịch vụ công được số hóa trên hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia giúp người dân thực hiện các dịch vụ tại bất kỳ đâu và thanh toán phí, lệ phí và đóng thuế bằng hình thức thanh toán điện tử.

Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, TTKDTM là tất yếu trong bối cảnh cách mạng 4.0 và kinh tế số ngày càng phát triển vượt bậc. Tín hiệu rất đáng mừng là tăng trưởng TTKDTM đạt tốc độ ấn tượng với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt yêu cầu trong năm 2020.

Trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh Covid-19, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại. Các dịch vụ Internet banking, Mobile banking được chú trọng phát triển đã góp phần hạn chế giao dịch tại quầy và thói quen sử dụng tiền mặt của khách hàng, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 298 máy ATM, 2.338 máy POS (thiết bị phục vụ thanh toán qua thẻ ngân hàng). Tổng giá trị giao dịch qua các kênh điện tử trên toàn tỉnh đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng. Trong đó, giá trị thanh toán qua kênh ATM đạt hơn 102 nghìn tỷ đồng, qua POS đạt hơn 409 tỷ đồng, qua kênh Internet banking đạt gần 282 nghìn tỷ đồng, qua kênh Mobile banking là hơn 960 nghìn tỷ đồng và qua các kênh khác đạt hơn 8,5 nghìn tỷ đồng.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, những tính năng nổi trội của thẻ tín dụng nội địa và quốc tế tiếp tục được chứng thực tại Quảng Nam trong năm qua. Đây là giải pháp sẵn sàng cho những trường hợp khẩn cấp, chi tiêu trước, trả tiền sau với thời gian miễn lãi lên đến 55 ngày, tùy theo quy định riêng của từng tổ chức tín dụng. Trong năm 2020, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã phát hành hơn 285.736 thẻ tín dụng nội địa và 23.377 thẻ tín dụng quốc tế, góp phần thực hiện tốt hoạt động TTKDTM và hạn chế nạn tín dụng đen.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thanh toán không dùng tiền mặt: Chuyển biến rõ nét
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO