Thương mại lấy lại đà tăng trưởng

VIỆT NGUYỄN 18/12/2020 07:58

Dịch Covid-19 khiến hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh trầm lắng trong thời gian qua. Gần đây, không khí mua sắm nhộn nhịp trở lại do thu nhập của người dân dần ổn định hơn và cuối năm là thời điểm “bùng nổ” của thị trường.

Sức mua tăng lên, thương mại đang lấy lại đà tăng trưởng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Sức mua tăng lên, thương mại đang lấy lại đà tăng trưởng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Sức mua tăng lên

Theo Bộ Công Thương, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, sức mua trên thị trường sẽ tăng từ 15 - 20%, trong đó tập trung chủ yếu vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Sức mua tăng do thu nhập của người dân tăng ở thời điểm cuối năm khi dịch bệnh, thiên tai được khắc phục. Về giá cả, do nguồn hàng đã được các doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch chuẩn bị nên ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

Ở chợ Tam Kỳ, không khí mua sắm nhộn nhịp diễn ra mỗi ngày. Bà Phạm Thu Hoài - tiểu thương buôn bán các mặt hàng thiết yếu ở chợ cho biết, đã bước vào đợt cao điểm buôn bán của năm nên người dân tất bật đi mua sắm. “Với đà này, không chỉ tôi mà các tiểu thương buôn bán các ngành hàng khác ở chợ Tam Kỳ cũng có nguồn thu khá để đón tết” - bà Hoài nói.

Theo quan sát của chúng tôi, các mặt hàng thời trang như giày dép, quần áo bán khá chạy ở chợ Hà Lam (Thăng Bình) trong những ngày qua. Tương tự, các mặt hàng hải sản, trái cây, rau quả, thịt gà, thịt heo cũng rôm rả người mua, kẻ bán ở đây. Nhiều tiểu thương ở chợ Hà Lam (Thăng Bình) cho rằng, đời sống của người dân ngày càng tăng cao nên bắt buộc phải buôn bán các mặt hàng chất lượng, có hạn sử dụng rõ ràng, mẫu mã, bao bì cũng phải bắt mắt. Ở các chợ dọc quốc lộ 1 như Nam Phước (Duy Xuyên) hay Vĩnh Điện (Điện Bàn), không khí giao thương cũng sầm uất.

Năm nào cũng vậy, đến dịp cuối năm là các chương trình khuyến mãi sôi động. Nhiều mặt hàng như thời trang, mỹ phẩm được các doanh nghiệp, đại lý “xả hàng” bằng cách giảm giá.

Chia sẻ về kinh nghiệm “săn” hàng trực tuyến dịp cuối năm, chị Phan Hoài Trang (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cho biết, thay vì chen chúc tại những cửa hàng, siêu thị chật kín người, chị chọn những “khung giờ vàng” để mua sắm hàng hóa với các chương trình siêu khuyến mãi ở các kênh trực tuyến. Thanh toán qua ví điện tử được chị Trang sử dụng để tiết kiệm 10% chi phí cho mỗi hóa đơn. Những chương trình giảm giá “khủng” giúp người tiêu dùng giảm chi phí trong bối cảnh thu nhập giảm sút do tác động của đại dịch Covid-19. Khuyến mãi ở các sàn giao dịch điện tử với đa dạng mặt hàng, từ đồ gia dụng, đồ công nghệ, thiết bị nhà bếp đến các thiết bị văn phòng phẩm, sách, mỹ phẩm...

 

Một trong những kênh bán lẻ mạnh nhất trên địa bàn tỉnh là Co.opMart Tam Kỳ cũng đang áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, nhờ đó sức mua của người dân tăng cao. Nhiều mặt hàng giảm giá 10 - 30%, nhất là hàng tiêu dùng, thực phẩm thiết yếu như thịt heo, thịt bò, sữa, dầu ăn, nước mắm, chăn ga gối nệm…

Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương cho biết, dự tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm 2020 đạt 51.419 tỷ đồng, đạt 83,05% so với kế hoạch năm, giảm 10% so với cùng kỳ. Trong khi doanh thu dịch vụ ước đạt 17.749 tỷ đồng, giảm 42,4% so với năm 2019 thì ngược lại tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 41.200 tỷ đồng, tăng 4,52% so với năm 2019.

Ổn định thị trường, giá cả

Ông Phạm Phú Hòe - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình cho rằng, rất mừng là sau 2 đợt Covid-19 và bão lũ hoành hành, sức mua của người tiêu dùng trên địa bàn đã tăng lên. Ngành đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành của huyện và tỉnh để tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, nhất là hàng hóa OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cũng như tổ chức các hội chợ thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn dịp cuối năm, giáp tết để cung cấp đến người tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm sạch, an toàn.

Ông Hòe cho biết, chưa thể dự báo sức mua sắm của người dân trên địa bàn vào dịp cuối năm. Còn về giá cả hàng hóa thì dự báo sẽ ổn định. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, các doanh nghiệp bán lẻ đã lên kế hoạch khuyến mại, giảm giá, do đó giá cả dự báo sẽ không có biến động lớn. Tại các chợ dân sinh, vào những ngày cận tết, do nhu cầu thực phẩm tăng mạnh nên giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống thường có biến động tăng nhưng không cao.

Theo ông Nguyễn Thanh Quang, trên địa bàn tỉnh có 159 chợ, 2 siêu thị (Co.op Mart Tam Kỳ và siêu thị Panko), 1 trung tâm thương mại tại phường Phước Hòa (Tam Kỳ) nên đủ cung ứng hàng hóa cho người dân dịp cuối năm, tết đến. Ngành công thương đang theo dõi tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, nếu có yếu tố bất thường sẽ đề xuất UBND tỉnh giải pháp ổn định thị trường.

Ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và tết, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, bảo đảm ổn định thị trường. Lực lượng quản lý thị trưởng ở 18 huyện, thị xã, thành phố đang tập trung kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, trong đó tập trung kiểm tra chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đường phố…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thương mại lấy lại đà tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO