Toàn tỉnh có 210 sản phẩm các loại đạt chuẩn OCOP

NHÃ PHƯƠNG 28/12/2020 10:55

(QNO) - Sáng nay 28.12, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm (2018 - 2020) thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP trên phạm vi toàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị diễn ra sáng nay 28.12.   Ảnh: VĂN SỰ
Quang cảnh hội nghị diễn ra sáng nay 28.12. Ảnh: VĂN SỰ

Báo cáo tại hội nghị, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, từ năm 2018 đến nay, Quảng Nam huy động hơn 281 tỷ đồng thực hiện Chương trình OCOP, trong đó chủ yếu là hỗ trợ các chủ thể đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở sản xuất - kinh doanh, mua sắm trang thiết bị máy móc, thiết lập bao bì, nhãn mác và đăng ký thương hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, công bố chất lượng sản phẩm theo quy định.

“Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều phần việc, 3 năm qua toàn tỉnh có 210 sản phẩm các loại thuộc nhiều nhóm ngành hàng của 189 chủ thể gồm 65 hợp tác xã, 30 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 6 tổ hợp tác, 88 hộ cá thể được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 23 sản phẩm 4 sao, 186 sản phẩm 3 sao” - ông Ngô Tấn nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhìn nhận, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ngành, địa phương và sự hưởng ứng, vào cuộc tích cực của nhân dân, Chương trình OCOP của Quảng Nam bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ; số lượng chủ thể đăng ký tham gia chương trình năm sau luôn cao hơn năm trước.

Thời gian qua, nhiều chủ thể tích cực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu các sản phẩm đạt chuẩn OCOP.   Ảnh: VĂN SỰ
Thời gian qua, nhiều chủ thể tích cực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Ảnh: VĂN SỰ

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc triển khai chương trình vẫn còn những mặt tồn tại, khó khăn cần được khắc phục, rút kinh nghiệm để tổ chức thực hiện tốt hơn trong giai đoạn tới. Trong đó, cần tập trung thảo luận để khắc phục một số mặt còn hạn chế, như số chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận là hộ gia đình sản xuất - kinh doanh chiếm tỷ lệ cao (hơn 40%) trong tổng số chủ thể tham gia; các doanh nghiệp, hợp tác xã có phát triển số lượng nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Các chủ thể này quy mô sản xuất còn nhỏ, năng lực quản trị, tư duy thị trường còn nhiều hạn chế, thiếu hoặc không có bộ phận, đội ngũ nhân viên quảng bá, tiếp thị, marketing chuyên nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, rất nhiều sản phẩm được công nhận hạng 3 sao là những sản phẩm thực phẩm tươi sống, chưa qua sơ chế biến; chưa phải là sản phẩm đặc trưng, thế mạnh, nổi trội, trên thị trường loại sản phẩm này có khá nhiều; nhiều sản phẩm sơ chế đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Nhiều sản phẩm sau khi được công nhận hạng 3 sao nhưng chủ thể thiếu đầu tư nâng cấp.

“Thời gian qua, công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của cơ quan nhà nước bước đầu có sự quan tâm nhưng chưa đi vào chiều sâu nên người tiêu dùng chưa biết nhiều đến sản phẩm OCOP, thương hiệu OCOP. Cơ chế, chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP chưa đủ mạnh để khuyến khích, tạo điều kiện để tiêu thụ sản phẩm. Thương mại điện tử chưa được đẩy mạnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Toàn tỉnh có 210 sản phẩm các loại đạt chuẩn OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO