Người lữ khách đi xa, để lại những dấu chân; nhà văn, đi, để lại những câu chuyện. Với Chế Diễm Trâm trong “Thương thiệt thương thà” (NXB Hội nhà văn - 2022) như là những lời thầm thĩ cùng với người đồng hành.
Đi và nhặt chuyện
Một miền Trung dằng dặc, một Nha Trang đậm nét, những dấu ấn Chăm trải dài… Tất thảy gói trong tập tùy bút - bút ký gọn gàng. Mở sách và không cưỡng được bèn chọn ngay “Mì Quảng và Mì Quảng Quảng” xem tác giả viết gì?
Thì ra trong muôn vàn biến tấu của mì Quảng, đã để lại dấu ấn một mì Quảng “khác” tại Nha Trang: “Cọng nhỏ như sợi phở khô nhưng mà màu vàng, sau khi trụng với ít giá sống cho mềm, chan nước hầm xương có giã ít đậu phụng trăng trắng như sữa loãng, trên có lớp váng màu gạch phi bằng hạt màu điều...
Trên đó là một khoanh giò nạc vừa vừa thôi để không ngấy, cũng tùy người nếu không thích giò thì sẽ thay bằng ít lát thịt đùi mong mỏng, một vài miếng chả cá chiên có, hấp có, cắt xeo xéo hình quân cờ, ai thích nữa thì thêm một cuốn chả lụa.
Trên rắc một ít đậu phụng rang giã dập dập, vài khoanh hành tây, ít hành lá ngò rí xắt mảnh… mì chan nước, chan ngập nước như phở, chỉ khác nhau là chan tràn trề hay là chan “hà tiện” một chút để còn thòm thèm… Và theo họ, dân Nha Trang, chắc cú là: Mì Quảng Nha Trang… ngon hơn mì xứ Quảng!” (Mì Quảng và Mì Quảng Quảng).
Đậm ấn tượng trong trong tập sách có lẽ là bút ký về Alexandre Yersin lưu lại suốt những năm tháng ông gắn bó cùng đất nước Việt, cùng sự phát triển của khoa học và y học nước nhà. Những địa danh quen thuộc Hòn Bà, Suối Cát, Suối Dầu… Những dấu ấn của nhà khoa học gắn với cây quinqiuna (canh ki na) cùng nhiều loại cây/ cây dược liệu khác được di thực từ nước ngoài về trồng ở Nha Trang và phụ cận…
Với việc chiết xuất ra ký ninh và công trình điều chế thuốc điều trị sốt rét của ông, nhờ đó cứu được mạng sống của bao nhiêu người… Tất thảy, dường như còn lưu lại khắp nơi trên Hòn Bà, một thắng cảnh nổi tiếng của Nha Trang.
Lưu lại cả di nguyện của A. Yersin sau khi qua đời: “Hãy giữ tôi ở lại Nha Trang, xin đừng ai mang thi hài tôi đi nơi khác” và “bậc vĩ nhân đã dược người dân Khánh Hòa an táng ở Suối Dầu, mặt úp xuống, đầu quay về Nha Trang, chân hướng về Hòn Bà để mãi mãi ông được ôm trọn mảnh đất quê hương này” (Theo dấu người đi mở đất).
Và nhiều nơi khác nữa, Bình Ba, Mũi Đôi, Lý Sơn.. Ở đó, một chi tiết bất chợt khiến tôi nhớ một truyện ngắn đã viết khá lâu “Đêm của bướm”. Là bất chợt gặp lại những xác bướm ma, “những con bướm xòe hết hai cánh ra chắc hơn bàn tay của một người đàn ông” bẹp dí sau một đêm sương lạnh nằm rải rác một cung đường ở Bà Nà…
Tâm thức cội nguồn
Ẩm thực của người Chăm, tưởng bình dân nhưng thực rất cầu kỳ. Câu chuyện mắm nêm là một ví dụ. “Người Kinh Trung Bộ ăn mắm nêm thường thêm vào ớt, tỏi, đường, thơm (dứa) cho dịu mùi và độ mặn.
Còn người Chăm khi ăn mắm nêm lại giã trái me sống và sả cho nhuyễn trộn vào cùng với ớt, đường. Cũng có khi người Chăm thêm vô chén mắm vài ba củ hành tím để tăng độ thơm của mắm…
Người Chăm hay ăn mắm nêm với mấy loại rau rừng, như lá dong, chồi cây dẹp, đọt chùm ruột, đọt xoài… để có đủ vị chua, chát, ngọt hòa quyện với vị mặn và mùi thơm của mắm” (Mắm nêm). Nghe thiệt đã, chớ tưởng mắm nêm coi bộ “bình dân” mà vội chê!
Phần cuối, “và cuối cùng, những gì từng được tiếp xúc hoặc tự tìm về với văn hóa Chăm của một sinh linh pha trộn ít nhiều dòng máu Chăm trong huyết quản Việt. Tháp Chăm, gốm Chăm, giếng Chăm, áo dài Chăm, Tết Chăm… đặc biệt, một cái họ rất Chăm - họ Chế - trong nhãn giới của một kẻ dợm bước tìm về nguồn” (Lời ngỏ).
Đó là tháp Chăm. Tác giả thống kê có đến 24 cụm tháp rải rác từ nhóm tháp Liễu Đôi (Thừa Thiên Huế), đến Mỹ Sơn, Đồng Dương (Quảng Nam), Po Inư Nưgar (Khánh Hòa)…, đến tận Po Sah Inư (Bình Thuận) hay Yang Prong (Đắc Lắc).
Là những sản phẩm gốm Chăm ở làng Bàu Trúc (Ninh Phước, Ninh Thuận). Là những giếng Chăm rải rác từ Xó La (Lý Sơn), giếng Bá Lễ (Hội An), giếng Xóm Cấm (Cù Lao Chàm) đến hai giếng cổ ở làng Thành Tín (Ninh Thuận)…
Là những nét tinh tế, kỳ diệu trên các trang phục Chăm. Và, cuối cùng, những lễ hội làm nên bản sắc Chăm, làm nên sự kết nối của văn hóa Chăm qua nhiều thế hệ: Rija Nưgar (Lễ hội Xứ sở), Lễ hội Katê, Lễ chay - tháng Ramưwan…
Dọc đường thương nhớ còn lưu lại bao điều. Chắc chắn sẽ còn lưu lại rất lâu…