Hôm rằm tháng Chạp vừa rồi, lên xã Điện Trung của thị xã Điện Bàn, nhìn những bãi biền tít tắp màu xanh của nhiều loại rau đậu mà Tư tôi thấy sướng con mắt. Chỉ tay về phía 8 sào đậu phụng tươi non, anh Sáu Nam Hà hồ hởi: “Hồi trước, do nước tưới quá bấp bênh nên việc sản xuất những loại cây trồng cạn của nhà nông quê tui gặp muôn vàn khó khăn, giá trị kinh tế mang lại rất thấp. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhờ sự quan tâm đầu tư của ngành liên quan và chính quyền các cấp nên bài toán khó về thủy lợi đã được hóa giải bằng việc kéo hệ thống điện ra các cánh đồng rồi khoan giếng, lắp đặt máy bơm, đường ống dẫn nước ngay trên những chân ruộng. Từ khi nước tưới hoàn toàn chủ động, quá trình canh tác của nông dân trong vùng diễn ra hết sức thuận lợi. Bây giờ, ở nơi đây, hộ nào cũng thực hiện hiệu quả mô hình luân canh, xen canh, gối vụ nhiều loại cây công nghiệp ngắn ngày với phương châm không cho đất nghỉ. Nói chú mi mừng, năm 2015, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình tui lãi ròng 55 triệu đồng từ việc trồng luân phiên cây ớt, đậu phụng, bắp lai trên 8 sào đất ni”.Theo tìm hiểu của Tư Ruộng, mỗi vụ nông dân trên địa bàn xã Điện Trung tổ chức sản xuất khoảng 175ha đất màu. Những năm qua, nhờ chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi nên đến thời điểm này toàn bộ diện tích vừa nêu đã đảm bảo nguồn nước tưới. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ tích cực của ngành nông nghiệp thị xã Điện Bàn và chính quyền cơ sở, bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng rộng rãi các gói kỹ thuật mới vào quá trình canh tác nên hiện giờ địa phương đã hình thành được rất nhiều mô hình chuyên canh, luân canh các loại rau, đậu, củ, quả theo hướng hàng hóa tập trung. Bình quân hằng năm 1ha đất sản xuất theo phương thức này cho nhà nông mức thu nhập 110 - 150 triệu đồng.Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho hay, những năm qua, nhất là từ khi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chính quyền thị xã đã ưu tiên lồng ghép nhiều kênh vốn để giúp các địa phương đầu tư cho công tác thủy lợi hóa đất màu. Ông Chơi nói: “Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2011 - 2015, bằng nhiều nguồn vốn huy động, Điện Bàn đã bỏ ra gần 6,3 tỷ đồng thi công hàng loạt công trình thủy lợi hóa đất màu. Qua khảo sát mới đây cho thấy, trong tổng số 3.800ha đất màu tại các xã, phường trên địa bàn thì đến thời điểm này đã có ít nhất 80% diện tích chủ động nước tưới. Điều đáng mừng là, hiện giờ toàn thị xã đã hình thành được hàng nghìn mô hình sản xuất cây trồng cạn theo hướng hàng hóa tập trung với diện tích 2.500ha đất. Bình quân mỗi năm 1ha mang lại cho nhà nông mức thu nhập 90 - 150 triệu đồng, thậm chí có nhiều vùng đạt 180 - 220 triệu đồng/ha/năm”. Theo ông Chơi, trong năm 2016 này Điện Bàn sẽ tiếp tục chi hơn 1 tỷ đồng để kéo 1.500m đường dây điện trung và hạ thế nhằm thủy lợi hóa thêm 240ha đất màu.TƯ RUỘNG