Biến động thời tiết, tôm nuôi chết hàng loạt

VIỆT NGUYỄN 22/04/2020 06:31

Do bất lợi về thời tiết, trong những ngày qua, tôm nuôi chết hàng loạt trên địa bàn tỉnh. Các ngành chức năng đưa ra nhiều giải pháp ứng phó, giúp nông hộ thích ứng.

Ông Văn Khôi cho biết, tôm chết khi còn quá nhỏ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ông Văn Khôi cho biết, tôm chết khi còn quá nhỏ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Tôm chết đột ngột

Ở vụ 1 năm 2020, nông hộ trên địa bàn xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) thả nuôi 75ha trong tổng số 90ha diện tích nuôi tôm nước lợ. Tuy nhiên, do tác động của các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, vi bào tử trùng, hầu hết tôm thẻ chân trắng chết hàng loạt. Từ đầu tháng 4 đến nay, nhiều nông hộ cải tạo ao nuôi, tiếp tục thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên tổng diện tích 6ha. Thế nhưng đến nay, tôm nuôi lại chết trên hơn 5ha diện tích.

Ông Văn Khôi (thôn Phú Quý, xã Tam Phú) cho biết, sau gần 20 ngày thả nuôi, tôm thẻ chân trắng chết đồng loạt trên 2 ao nuôi có tổng diện tích 1.500m2. Khi phát hiện tôm bị bệnh, ông Khôi chưa kịp sử dụng thuốc thì tôm chết rất nhanh. 

Ông Nguyễn Hữu Trường - Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản) cho biết, diện tích nuôi tôm nước lợ trong quý I là 1.230/3.100 ha (đạt 39,68% kế hoạch), sản lượng tôm thu hoạch khoảng 1.780/15.000 tấn (đạt 11,87% kế hoạch). Từ đầu năm đến nay, có hơn 191ha diện tích tôm nuôi bị chết.

Ông Lê Văn Tại - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Phú cho biết, thời tiết trong những ngày qua biến động phức tạp. Trời nắng gắt rồi trở lạnh đột ngột khiến môi trường nước hồ nuôi tôm thay đổi nhanh chóng. Nhiệt độ ban ngày và đêm khuya rất chênh lệch. Điều này khiến tôm rất dễ suy yếu hệ miễn dịch, nhiễm bệnh rồi chết.

“Tôi có báo cáo tình hình tôm chết ở địa phương đến ngành thủy sản của thành phố và tỉnh. Thế nhưng đến nay, UBND xã chưa nhận được thông báo tôm chết vì bệnh gì” - ông Tại nói.

Ông Trần Văn Sành - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh (Duy Xuyên) cho biết, tổng diện tích tôm nuôi chết trong vụ 1 là 16ha trong tổng số 25ha diện tích nông hộ đã thả nuôi. Từ đầu tháng 4 đến nay, nhiều nông hộ bắt đầu thả giống, nuôi tôm trở lại. Chính quyền xã sau khi nhận thông tin tôm nuôi bị chết, đang khảo sát thực tế để thống kê thiệt hại.

“Có khi cùng một khu vực với các điều kiện nuôi tôm giống hệt nhau nhưng ở ao này tôm chết nhưng ở ao khác, tôm vẫn sinh trưởng bình thường. Có thể là do thời tiết biến động mạnh, sức đề kháng của tôm yếu nên nhiễm bệnh và chết rất nhanh” - ông Trần Văn Sành nói.

Ông Trần Châu Giang - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết, tổng số diện tích tôm nuôi bị chết trên địa bàn huyện trong vụ 1 là 100/135ha. Tôm chết chủ yếu do bệnh đốm trắng tấn công. Từ đầu tháng 4 đến nay, tôm thẻ chân trắng mới được thả nuôi cũng chết hàng loạt và đang chờ kết quả xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Tìm giải pháp

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, đến thời điểm này, ngành chức năng mới chỉ có thông báo đợt 1 (từ ngày 1.4 đến 15.4) kết quả phân tích các chỉ tiêu môi trường nước và mầm bệnh tôm nuôi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã tiến hành lấy 4 mẫu nước sông, 2 mẫu nước biển, 7 mẫu nước ao nuôi tôm và 7 mẫu tôm nuôi. Qua xét nghiệm cho thấy, tôm nuôi không bị nhiễm bệnh. Về tôm chết hàng loạt trong những ngày gần đây, bà Tâm cho biết, đang lấy mẫu đợt 2, chờ xét nghiệm và sẽ cho kết quả trong những ngày sắp tới.

“Kết quả phân tích đợt 1 cho thấy, vi khuẩn Vibrio, tảo độc có mặt ở hầu hết mẫu nước kiểm tra. Có thể thời tiết diễn biến phức tạp trong những ngày gần đây khiến cho vi khuẩn Vibrio, tảo độc bùng phát, đột ngột thay đổi môi trường nước khiến tôm chết hàng loạt” - bà Tâm nói. 

Chi cục Thủy sản Quảng Nam khuyến cáo các hộ nuôi tôm, nhất thiết không được lấy nước trực tiếp từ sông vào ao nuôi tôm mà phải xử lý nguồn nước cấp thật hiệu quả, khống chế các yếu tố có hại để không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của tôm đang nuôi. Các nông hộ nên sử dụng các chế phẩm sinh học, hóa chất diệt khuẩn có trong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT để khống chế hoạt động của vi khuẩn Vibrio, tảo độc. Cùng với đó, tăng cường chạy quạt nước để tránh phân tầng nhiệt độ nước khiến tôm bị sốc dễ nhiễm bệnh. Khi trời nắng gắt hay có dông thì nông hộ nên giảm lượng thức ăn đồng thời bổ sung thêm nhiều vitamin, men vi sinh, khoáng chất để tăng kháng sinh cho tôm.

Bà Hoàng Thị Kim Yến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho rằng, điều cần kíp là chính quyền địa phương, cán bộ cơ sở cần tập trung khuyến cáo người dân nên thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi. Theo đó, tuyệt đối không xả nước ao nuôi tôm có bệnh ra ngoài môi trường khi chưa xử lý tiêu diệt mầm bệnh. Đồng thời phải thông báo cho các hộ nuôi tôm xung quanh để có các biện pháp hạn chế lây lan dịch bệnh. Đối với ao tôm bị bệnh, hộ nuôi phải cách ly tối thiểu 21 ngày sau khi xử lý mới được thả tôm giống trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Biến động thời tiết, tôm nuôi chết hàng loạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO