Cần giảm cường lực khai thác hải sản

VIỆT NGUYỄN 17/03/2020 15:00

Trữ lượng hải sản ở các vùng biển đang giảm khiến sản lượng hải sản ngư dân đánh bắt được giảm theo. Vì thế, giảm cường lực khai thác hải sản là vấn đề đang được đặt ra cấp thiết.

Nhiều ngư dân cho biết trữ lượng hải sản gần đây suy giảm nghiêm trọng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nhiều ngư dân cho biết trữ lượng hải sản gần đây suy giảm nghiêm trọng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Khai thác quá mức

Ông Trần Văn Nhân (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu vỏ thép hành nghề lưới chụp cho biết, quá trình khai thác hải sản đang đối diện với rất nhiều khó khăn, sản lượng mực xà giảm sút. Trong khi đó, do tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu mực xà sang Trung Quốc bị ách tắc nên rớt giá thê thảm.

“Mực xà có trữ lượng rất lớn trên các vùng biển xa lẫn tuyến lộng. Vì thế, tôi chuyển từ nghề lưới vây sang lưới chụp. Vậy nhưng, những chuyến biển vừa qua chỉ thu được vài tấn mực, chỉ bằng 1/4 trước đây. Nguồn lợi cá nục, cá ngừ đã giảm mạnh trước đây nay đến lượt mực xà cũng giảm” - ông Nhân nói. Mất mùa, mất giá đang khiến ông Nhân như ngồi trên lửa bởi thu nhập không đảm bảo, lao động vốn đã thiếu nay càng khó giữ chân họ. 

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trữ lượng hải sản ở các vùng biển nước ta ước tính vào khoảng 4,7 triệu tấn. Thế nhưng, mỗi năm Việt Nam đang khai thác khoảng 3,1 - 3,2 triệu tấn là quá mức, quá giới hạn cho phép. Nhận thức của người dân về bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi hải sản chưa cao. Tình trạng ngư dân sử dụng các nghề, ngư cụ có tính tận diệt nguồn lợi như chất nổ, xung điện, lưới kéo đơn, lưới kéo đôi, đánh bắt cá con, sản xuất ở vùng biển ven bờ, nhất là trong các khu bảo tồn biển vẫn tiếp diễn. Nguồn lợi hải sản suy giảm về trữ lượng, sản lượng, kích thước, thành phần loài. Để phát triển bền vững nghề cá, cả nước cần vào cuộc đồng bộ, quyết tâm, song hành với ngành nông nghiệp.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, cường lực khai thác hải sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh đang quá mức, đáng báo động. Vì thế, Quảng Nam cần hạn chế dần khai thác hải sản ven bờ. Theo đó, khuyến khích ngư dân chuyển nghề từ sản xuất ven bờ sang xa bờ hoặc lên bờ chuyển đổi sinh kế. Đối với nghề cá xa bờ, cả nước cũng như Quảng Nam không khuyến khích tăng thêm đội tàu vì đã quá nhiều. 

Giảm cường lực

Giảm cường lực khai thác hải sản là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, tập trung 6 nội dung, giải pháp về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ; phát triển kinh tế biển, ven biển; ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu... Căn cứ vào đó, các địa phương cần xây dựng, vận hành các mô hình khai thác hải sản hợp lý, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nghề cá, phù hợp với điều kiện của môi trường, nguồn lợi thủy sản; nâng cao mức sống cho cộng đồng ngư dân, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, hải đảo của Tổ quốc...

Ông Ngô Tấn đề xuất Bộ NN&PTNT tăng cường khảo sát, đánh giá ngư trường đánh bắt hải sản ở các vùng biển xa, dự báo chính xác tình hình nguồn lợi, trữ lượng hải sản, qua đó hướng dẫn ngư dân sản xuất thuận lợi, đánh bắt hải sản vừa phải, không vượt quá giới hạn.

“Bộ NN&PTNT cần có bản tin hải sản ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa thường xuyên, chính xác, đặc biệt là dự báo các loài hải sản quý hiếm. Thông tin trên vừa giúp ngư dân nâng cao giá trị hải sản sau đánh bắt vừa khắc phục tình trạng chỉ “quen” đánh bắt cá nục, cá ngừ làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi. Tầm quan trọng của các thông tin trên còn nằm ở chỗ giúp ngư dân không liều lĩnh ra ngoài vùng biển Việt Nam sản xuất. Nguy hại của tình trạng “thẻ vàng” thủy sản mà Ủy ban châu Âu phạt nước ta rành rành ra đó” - ông Ngô Tấn nói.

Bộ NN&PTNT cho rằng, để có giải pháp cho việc bảo tồn nguồn lợi hải sản cần có sự tham gia của các bên liên quan, bao gồm cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương, lực lượng chấp pháp trên biển, bà con ngư dân, các nhà khoa học. Trước mắt và lâu dài là giảm cường lực khai thác hải sản. Cần tăng cường kiểm tra giám sát của các lực lượng chấp pháp trên biển, khi phát hiện ngư dân sản xuất không đúng quy định thì xử phạt, răn đe, dần đưa họ vào nền nếp, quy chuẩn. 

Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho rằng, có rất nhiều thách thức trong quá trình thực hiện quản lý bền vững nguồn lợi hải sản, trong đó tư tưởng, nhận thức của ngư dân là vấn đề cốt lõi. Khi sử dụng kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, các ngư cụ bị cấm như điện, chất nổ, ngư dân đều biết tác hại sẽ khiến suy giảm nguồn lợi. Tuy nhiên, với tư tưởng “nếu mình không đánh bắt thì người khác cũng đánh bắt”, vì lợi ích trước mắt mà đa số sẵn sàng khai thác tận diệt. Theo đó, không chỉ sinh kế của chính họ gặp khó trong nay mai mà còn hủy hoại nguồn lợi, ảnh hưởng xấu đến cả tương lai của cộng đồng ngư dân khác. Điều quan trọng là các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giúp ngư dân hướng đến sản xuất lâu dài, xóa đi tâm lý chạy theo sản lượng khai thác càng nhiều càng tốt, thay vào đó là đánh bắt hải sản chọn lọc, chuyển phát triển nghề cá từ bề rộng sang chiều sâu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần giảm cường lực khai thác hải sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO