Chính sách hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép: Ngư dân khó tiếp cận

VIỆT NGUYỄN 01/10/2020 11:19

Nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tiếp cận được nguồn kinh phí hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản do khó thực hiện các thủ tục theo quy định.

Ngư dân Nguyễn Văn Hùng cho biết tàu vỏ thép đã xuống cấp, rất cần được hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng để vươn khơi sản xuất. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngư dân Nguyễn Văn Hùng cho biết tàu vỏ thép đã xuống cấp, rất cần được hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng để vươn khơi sản xuất. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Khó thực hiện các quy định

Nhiều chủ “tàu 67” gặp khó khăn vì không đủ vốn duy tu, bảo dưỡng khiến con tàu ngày càng xuống cấp nghiêm trọng hơn. Ngư dân Nguyễn Văn Nghị (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu vỏ thép QNa-91439 cho biết, đã nhiều lần thực hiện các hồ sơ, thủ tục theo hướng dẫn của ngành thủy sản nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí duy tu, bảo dưỡng “tàu 67”.

Tương tự, ngư dân Nguyễn Văn Hùng (thôn Thanh Long, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu vỏ thép QNa-91039 cho biết, những chuyến gần đây thu nhập thấp nên không có kinh phí hàng trăm triệu đồng để duy tu, bảo dưỡng tàu. 

Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, đã thông tin cụ thể hướng dẫn quy trình hỗ trợ chi phí duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép của Sở NN&PTNT đến các địa phương có nghề cá để ngư dân nắm rõ. Cụ thể, về mức hỗ trợ là không quá 1% giá trị con “tàu 67” có công suất máy từ 400CV trở lên. Điều kiện là các chủ tàu khai thác hải sản hoặc thực hiện dịch vụ hậu cần ở các vùng biển xa không vi phạm các quy định pháp luật về thủy sản và các quy định khác liên quan. Ngư dân thực hiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ gồm đơn đề nghị; bản sao các giấy phép nghề cá; hợp đồng kinh tế, biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng về duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép và hóa đơn, chứng từ liên quan.

“Vướng mắc trong giải quyết hỗ trợ kinh phí duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép là khó thực hiện đúng các quy định về định mức duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép. Dù Bộ NN&PTNT đã có thông tư hướng dẫn việc này nhưng căn cứ vào đó lại không trùng khớp. Các cơ quan của tỉnh rất muốn hỗ trợ ngư dân nhưng về pháp lý còn chưa thỏa đáng nên... chờ sửa đổi” - ông Định nói.

Thủ tục cần thông thoáng

Hầu hết “tàu 67” trong số 32 tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh được BIDV chi nhánh Quảng Nam cho vay với mức 95% giá trị con tàu. Bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam cho rằng, chính sách hỗ trợ ngư dân duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép chưa thực sự đi vào đời sống là rất bất cập. Khác với tàu vỏ gỗ, tàu vỏ thép xuống cấp nhanh, hư hỏng nặng nề nếu không duy tu, bảo dưỡng định kỳ. Trong khi đó, hàng loạt tàu vỏ thép nằm bờ nhiều năm nay, không sửa chữa nên giá trị xuống thấp, khả năng đánh bắt hải sản ngày càng giảm sút. Do đó, BIDV chi nhánh Quảng Nam đã nhiều lần gửi văn bản đến các ngành chức năng, đề xuất giải quyết các vướng mắc.

Theo quy định, để duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép, các phương tiên này bắt buộc phải được đăng kiểm tại Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) nên rất khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng, khi cơ chế hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép được khơi thông, thuận tiện thì nên mở rộng phạm vi hỗ trợ duy tu bảo dưỡng cho các tàu vỏ composite trên địa bàn tỉnh vì cùng là “tàu 67”, vật liệu mới, thiết kế tương tự, công năng sử dụng giống nhau.

Ông Ngô Văn Định cho rằng Bộ NN&PTNT nên tổ chức hội nghị, hội thảo hay tọa đàm với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, ngư dân để tháo gỡ các khó khăn nói trên. Theo đó, nên chăng Bộ NN&PTNT sửa đổi các quy định hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép theo cơ chế 1 lần sau đầu tư với sự tinh giản các thủ tục, hồ sơ, đặc biệt là các quy định không sát thực tiễn của định mức kinh tế, kỹ thuật duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chính sách hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép: Ngư dân khó tiếp cận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO