Gỡ khó cho ngư dân

VIỆT NGUYỄN 26/05/2020 13:20

Nhận diện các khó khăn mà ngư dân đang gặp phải là sản lượng khai thác hải sản đạt thấp, giá bán hải sản giảm..., ngành chức năng đang triển khai các giải pháp để giúp ngư dân tháo gỡ khó khăn.

Hải sản được tàu cá đánh bắt bán ra với giá thấp. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Hải sản được tàu cá đánh bắt bán ra với giá thấp. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nhiều khó khăn

Ngư dân Phan Một (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) - thuyền trưởng tàu cá QNa-91998 có công suất 700CV vừa cập bờ bán hải sản sau 17 ngày bám biển ở ngư trường Hoàng Sa với nghề lưới vây. Với 10 tấn cá nục, cá ngừ, ông Một chỉ bán được hơn 150 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí sản xuất đã chiếm đến 140 triệu đồng nên 15 ngư dân tham gia chuyến biển không thu được bao nhiêu.

“Tàu cá của chúng tôi có đầy đủ máy định vị, định dạng, máy dò cá ngang, máy dò cá đứng, hệ thống tời có thể kéo đến 30 tấn cá nhưng trữ lượng hải sản ít ỏi quá nên sản lượng chuyến biển đạt thấp. Mọi khi chúng tôi bán được 25 nghìn đồng/kg cá thì nay chỉ bán được 15 nghìn đồng/kg cá, giảm quá nhiều” - ông Một nói.

Chủ cơ sở mua bán hải sản ở thôn An Hải Đông (xã Tam Quang) ông Phạm Tấn Vũ cho biết, đến nay xuất khẩu thủy sản vẫn còn gặp khó nên hải sản thay vì cung cấp đến các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu, chủ yếu chỉ cung cấp cho thị trường nội địa. Hải sản có giá trị thấp khi không phục vụ cho xuất khẩu nên cơ sở bán ra thị trường nội địa với giá không cao. Do cung cầu quy định nên cơ sở bắt buộc phải mua hải sản của ngư dân với giá thấp.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, trong nhiều năm qua, phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu hải sản và Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) để điều tra, đánh giá nguồn lợi hải sản ở các vùng biển, nhất là các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Theo đó, qua các năm, hải sản ngày càng có dấu hiệu giảm sút về trữ lượng lẫn chất lượng. Các loại hải sản chủ yếu hoạt động ở tầng mặt nước như cá cơm, cá chỉ vàng, ruốc, sản lượng giảm sút, giá trị lại không cao. Trong bối cảnh biến đổi khó lường của thời tiết và nguồn lợi thủy sản, hoạt động dự báo ngư trường trong thời gian đến dự đoán cũng rất khó khăn. Chi cục  tiếp tục hoàn thiện, nâng cao độ chính xác của công tác điều tra, đánh giá nguồn lợi, có dự báo thiết thực, hỗ trợ ngư dân sản xuất trên biển hiệu quả hơn.

Theo Sở NN&PTNT, hiện nay, ngư dân trên địa bàn vẫn còn gặp khó khăn bởi ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Thị trường tiêu thụ hải sản bị gián đoạn do chưa xuất khẩu được, kéo theo giá hải sản khai thác bị giảm sâu đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất của ngư dân. Ngoài ra, tình hình an ninh trật tự trên biển tiếp tục diễn biến phức tạp với hoạt động ngăn cấm khai thác của tàu Trung Quốc. Cường lực khai thác hải sản vượt quá khả năng cho phép đã khiến cho chuyến biển của ngư dân thu được giá trị kinh tế thấp.

Đồng bộ giải pháp

Sở NN&PTNT cho biết, đang tăng cường công tác quản lý tàu cá; quản lý ngư trường, nguồn lợi trên địa bàn; xác minh những tàu cá đã hết hạn giấy phép, hết hạn đăng kiểm để xóa đăng ký đối với các tàu không còn khả năng sản xuất; công khai hạn ngạch giấy phép khai thác hải sản để ngư dân cập nhật, đăng ký đóng mới tàu cá. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng không cho tàu cá ra khơi khi chưa trang bị, vận hành thiết bị giám sát hành trình tàu cá.

Đang vụ cá chính, ngư dân trên địa bàn tỉnh miệt mài vươn khơi nhưng giá trị kinh tế mỗi chuyến biển thường không cao. Ngành chức năng đang nỗ lực tìm giải pháp hỗ trợ ngư dân vượt khó. Bà Phạm Thị Hoàng Tâm cho rằng, rất cần thiết tạo chuỗi liên kết hải sản. Theo đó, khảo sát, tìm hiểu thực tế hoạt động của mô hình này ở các địa phương trên phạm vi cả nước để xây dựng cơ chế, vận hành tại Quảng Nam. Điều cốt yếu là xâu chuỗi quá trình từ cung cấp dịch vụ hậu cần đến khai thác trên biển, bảo quản hải sản, chế biến hải sản, cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước.

“Tổ chức hoạt động của chuỗi liên kết, đảm bảo các mắt xích trong chuỗi vận hành theo đúng cơ chế thị trường, hài hòa lợi ích giữa các khâu. Ngăn chặn hình thức đầu tư tài chính với lãi suất cao thông qua hình thức bao tiêu sản phẩm (hình thức đầu nậu - PV), qua đó được dịp hạ cấp, ép giá gây bất lợi cho ngư dân” - bà Tâm nói.

Xây dựng thương hiệu và tiêu thụ hải sản sau khai thác đang là vấn đề đặt ra ở Quảng Nam. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, rất khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở, tổ hợp tác, hợp tác xã chế biến hải sản bằng các hình thức đóng hộp, chế biến sẵn, nước mắm, phơi khô. Ngành chức năng khuyến khích ngư dân giảm thời gian thực hiện chuyến biển để bảo quản hải sản được tốt hơn. Các tàu cá cần liên kết, bán hải sản và thu mua dầu, nhu yếu phẩm ngay trên biển để giảm chi phí sản xuất.

“Ngư dân cần chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng uy tín, thương hiệu đối với hải sản sau khai thác. Đó là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất đề hải sản xâm nhập vào các thị trường xuất khẩu khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... Chúng tôi xây dựng, phát triển năng lực nghiên cứu thị trường, có cơ sở dữ liệu chính thống về thị trường để hỗ trợ ngư dân và doanh nghiệp xuất khẩu hải sản hiệu quả” - ông Ngô Tấn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gỡ khó cho ngư dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO