Hiện đại hóa nghề cá bằng công nghệ mới

VIỆT NGUYỄN 20/05/2021 06:17

Vì mục tiêu phát triển bền vững, hiện đại theo Chiến lược biển của tỉnh, ứng dụng công nghệ mới trong khai thác hải sản và quản lý nghề cá là rất cấp thiết hiện nay.

Ứng dụng công nghệ mới đem lại hiệu quả khai thác hải sản trong tỉnh. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ứng dụng công nghệ mới đem lại hiệu quả khai thác hải sản trong tỉnh. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

 Đầu tư cho khai thác

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã nghiên cứu, chuyển giao, hỗ trợ ngư dân trang bị máy móc, thiết bị hiện đại và mang lại kết quả bước đầu khả quan. Đèn led khi thử nghiệm thay thế đèn cao áp truyền thống trên tàu cá QNa-90190 của ngư dân Trần Công Thảo (thôn Đông Tuần, xã đảo Tam Hải, Núi Thành) đã giúp giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Anh Thảo cho biết, công nghệ mới đã giảm chi phí nhiều chuyến biển hơn 20%, tăng doanh thu lên hơn 20%. Hơn nữa khi tàu lưới vây sử dụng đèn led sẽ giảm được hao mòn và kéo dài thời gian sử dụng máy phát điện.

Qua quá trình tích lũy vốn liếng, học hỏi kinh nghiệm, đến nay, nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng, đầu tư hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu Polyurethane (PU) trên tàu cá hành nghề lưới vây, lưới chụp. Công nghệ mới này giúp ngư dân nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau khai thác.

Ngư dân Nguyễn Minh Thiện (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu lưới vây QNa-98456 cho biết: “Mỗi chuyến biển của tôi kéo dài gần cả tháng trời nên trước đây khi chưa đầu tư hầm bảo quản PU, cá, mực không được tươi, bị tư thương ép giá khi bán hải sản. Nhờ đầu tư công nghệ bảo quản hải sản tiên tiến, khả năng giữ nhiệt tốt, đá lâu tan, mức độ hao hụt giảm từ 25% xuống chỉ còn dưới 5%”.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Quảng Nam không đặt ra mục tiêu tăng sản lượng hải sản khai thác được mà chú trọng tăng hiệu quả bảo quản, sơ chế, chế biến để tăng giá trị hải sản thành phẩm, hướng đến thị trường xuất khẩu, tăng lợi nhuận. Bởi vậy, một mặt sẽ giúp ngư dân tiếp tục tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ hiện có, mặt khác nghiên cứu, đề xuất tỉnh, Trung ương có cơ chế, chính sách mới để hỗ trợ thiết thực ngư dân đầu tư máy móc, công nghệ mới.

Cùng với đó, tuyên truyền, khuyến khích ngư dân đầu tư máy định vị, định dạng, liên lạc tầm xa, tầm trung, tầm ngắn, thiết bị liên lạc có gắn thiết bị định vị vệ tinh GPS... để chủ động kết nối với các cơ quan khi không may xảy ra sự cố, ứng cứu, cứu hộ, cứu nạn được nhanh chóng, hạn chế thiệt hại về người và tàu cá.

Quản lý bằng công nghệ mới

Bộ NN&PTNT đang tập trung triển khai dự án thông tin quản lý nghề cá giai đoạn II để hoàn thiện hệ thống thông tin giám sát nghề cá, đảm bảo 100% tàu cá hoạt động ở vùng biển khơi được theo dõi, giám sát; bắt buộc 100% tàu cá hoạt động xa bờ phải lắp thiết bị giám sát hành trình để kiểm soát, đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển, không vi phạm vùng biển các nước khác; đồng thời, nghiên cứu, tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về nghề cá phù hợp với thực tiễn.

Trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực thực hiện những khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về giảm thiểu tình trạng khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) thì việc Quảng Nam ứng dụng công nghệ mới để quản lý nghề cá, qua đó minh bạch hóa nghề cá, truy xuất nguồn gốc hải sản được xem là giải pháp hữu hiệu.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, đến nay, 625 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Trạm bờ thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị vệ tinh đã được nâng cấp, hoàn thiện. Nhờ đó, thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin vị trí hoạt động của các tàu cá xa bờ để có cơ sở xác nhận nguồn gốc hải sản; phát hiện, cảnh báo tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài và phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho hay qua quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã cho thấy cả những cơ hội và thách thức trong áp dụng công nghệ mới phục vụ giám sát hành trình, phân tích dữ liệu tàu cá và truy xuất nguồn gốc hải sản.

Một trong những thách thức đó là năng lực khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu giám sát tàu cá còn hạn chế. Trong khi đó, vẫn còn tình trạng mất tín hiệu, mất kết nối của tàu cá đang hoạt động trên các vùng biển xa với trạm bờ do nguyên nhân khách quan và cả cố tình ngắt kết nối của chủ tàu hoặc thuyền trưởng.

Để giải quyết khó khăn trong phân tích dữ liệu tàu cá từ thiết bị giám sát hành trình đòi hỏi phải có công nghệ nối điểm để vẽ lại hành trình của tàu cá trong thời gian mất kết nối giữa tàu cá trên biển và trạm bờ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiện đại hóa nghề cá bằng công nghệ mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO