Khẩn trương thu hoạch tôm nuôi

NHÃ PHƯƠNG - PHI THÀNH 18/09/2020 19:47

(QNO) - Nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Duy Xuyên đang khẩn trương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ nuôi, đồng thời nhanh chóng thu hoạch để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.

Ông Trần Văn Nhứt ở thôn Vĩnh Nam (Duy Vinh, Duy Xuyên) kiểm tra, bảo quản các dụng cụ cần thiết. Ảnh: T.P
Ông Trần Văn Nhứt ở thôn Vĩnh Nam (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) kiểm tra hồ tôm để ứng phó mưa lũ. Ảnh: T.P

Gia cố bờ bao

Sáng 18.9, chúng tôi có mặt tại khu vực bãi Hà Đước thuộc 2 xã Duy Vinh và Duy Phước (Duy Xuyên) - nơi được quy hoạch, đưa vào sử dụng 38 ao nuôi tôm với tổng diện tích hơn 94.000m2 cùng nhiều ao lắng, ao thải, đường giao thông, đê bao, hệ thống điện, cấp thoát nước… Qua quan sát, người dân chủ động thu dọn một số vật dụng cần thiết, đồng thời gia cố các đê bao, hệ thống đường ống đấu nối để đưa nước vào hồ.

Bên cánh quạt tạo ô xy xé nước quay rào rạt, ông Trần Văn Nhứt (thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh) cho biết, cách đây 45 ngày, gia đình ông thả nuôi 15.000 con tôm giống trên diện tích mặt nước 3.500m2 theo hình thức lót bạt. Tôm đang sinh trưởng, phát triển tốt nhưng điều lo lắng nhất là do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5 nên mưa lớn có thể gây thiệt hại nặng.

Ông Nhứt nói: “Mặc dù tôi đã đầu tư một hệ thống đê bao khá vững chắc, tạo nên những vuông tôm kiên cố, song nếu mưa to, gió lớn những đoạn đê dễ bị sạt lở. Vì vậy, tôi khẩn trương gia cố lại, đồng thời thu dọn một số trang thiết bị để bảo quản cẩn thận”.

Ông Nguyễn Sáu - Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết, qua thống kê, toàn xã hiện còn 7ha nuôi tôm, chủ yếu theo hình thức lót bạt. “Những ngày qua, chính quyền địa phương đã đến tận những hồ tôm kiểm tra, vận động người dân gia cố bờ bao nuôi trồng thủy sản và hệ thống mương thoát nước, khắc phục các điểm có nguy cơ sạt lở để tránh thất thoát sản lượng. Đồng thời bảo quản hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nuôi tôm nhằm tránh thiệt hại về tài sản” - ông Sáu nói.

Người dân gia cố thêm bờ bao nhằm chống sạt lở các ao tôm tại khu vực Hà Đước thuộc 2 xã Duy Vinh và Duy Phước (huyện Duy Xuyên). Ảnh: T.P
Người dân gia cố thêm bờ bao nhằm chống sạt lở ao tôm. Ảnh: T.P

Theo tìm hiểu, huyện Duy Xuyên có 3 địa phương gồm Duy Thành, Duy Nghĩa, Duy Vinh phát triển mạnh nghề nuôi tôm thẻ chân trắng. Thời điểm này, ngoài việc giằng níu chòi canh ứng phó với mưa bão, nhiều hộ nuôi chuẩn bị đầy đủ chế phẩm sinh học, máy sục khí và thường xuyên theo dõi sự biến động của con nước.

Ông Trần Châu Giang - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, tính đến ngày 18.9, trên địa bàn huyện vẫn còn 11,5ha tôm nuôi, trong đó khoảng 30 - 40% đã đến kỳ thu hoạch. Nhiều hồ nuôi gần kề các con sông lớn như Bàn Thạch, Trường Giang nên tiềm ẩn rủi ro rất cao khi mưa lớn kéo dài, dẫn đến thiệt hại không nhỏ.

“Ngành nông nghiệp huyện đã khuyến cáo người dân phải chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án khi có bão, mưa lớn, nhất là đối với tôm mới xuống giống thì cần đảm bảo đủ lượng ô xy với hệ thống dàn quạt đầy đủ. Mưa lớn, chắc chắn nước sông sẽ dâng và làm thay đổi các thông số nguồn nước, vì vậy người nuôi tôm cần chú ý điều này không chỉ bây giờ mà trong cả mùa mưa lũ. Đồng thời thường xuyên kiểm tra ao nuôi để có hướng xử lý kịp thời trong những trường hợp cần thiết” - ông Giang nói.

Khẩn trương thu hoạch

Suốt mấy ngày nay, ông Nguyễn Nở (thôn Hà Mỹ, xã Duy Vinh) huy động tối đa nhân công thu hoạch sớm toàn bộ 10.000 con tôm thẻ chân trắng. Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn nhưng nhờ áp dụng bài bản quy trình kỹ thuật, lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng nên sản lượng đạt gần 2 tấn, tương đương so với các vụ nuôi khác. Với giá bán 130.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, ông Nở lãi ròng 120 triệu đồng.

Ông Nguyễn Nở nói: “Sau khi nghe thông tin hoàn lưu cơn bão số 5 có thể gây mưa lớn trên diện rộng, tôi đành phải thu hoạch sớm hơn dự kiến khoảng 2 tuần. Mặc dù ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến thị trường tiêu thụ bị thu hẹp và thời điểm thiên tai khiến giá bán có giảm hơn một chút nhưng tôi cũng rất hài lòng”.

Không riêng gì ông Nở, nhiều hộ nuôi tôm ở Duy Vinh cũng kịp thời thu hoạch, tránh được thiệt hại đáng kể do thiên tai gây ra. Tôm được đưa lên bờ là có thương lái thu mua theo phương thức “tiền tươi thóc thật”.

Thu hoạch tôm thương phẩm bán cho thương lái ngay tại ao nuôi. Ảnh: T.P
Thu hoạch tôm thương phẩm bán cho thương lái ngay tại ao nuôi. Ảnh: T.P

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp Duy Xuyên, những ngày qua, do thời tiết biến động lớn nên bà con nuôi tôm ở địa phương phải khẩn trương thu hoạch để tránh mưa lũ gây thiệt hại. Hiện giờ, giá bán tôm thương phẩm tại ao nuôi dao động 110 - 130.000 đồng/kg, có giảm so với trước nhưng cũng là điều đáng mừng trong thời điểm này.

Ông Trần Châu Giang - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên nói: “Cùng với việc khuyến cáo người dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch số diện tích tôm nuôi còn lại để hạn chế thiệt hại, ngành nông nghiệp huyện cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục siết chặt các biện pháp quản lý môi trường thả nuôi, nhất là theo dõi chất lượng nguồn nước, mực nước trong hồ cho phù hợp. Mặt khác, hướng dẫn người dân bảo quản trang thiết bị, an toàn hồ nuôi để đảm bảo tiếp tục thả nuôi vụ tới khi đủ điều kiện”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khẩn trương thu hoạch tôm nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO