Khó nuôi tôm ở vùng triều

VIỆT NGUYỄN 28/11/2019 11:14

Manh mún, nhỏ lẻ, được chăng hay chớ, mạnh ai nấy làm là thực trạng của nghề nuôi tôm nước lợ ở vùng triều Quảng Nam trong năm 2019 này. 

Nhiều diện tích nuôi tôm ở vùng triều ven sông bị dịch bệnh hoành hành khiến nông hộ thua lỗ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nhiều diện tích nuôi tôm ở vùng triều ven sông bị dịch bệnh hoành hành khiến nông hộ thua lỗ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Sản xuất kém hiệu quả

Xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) có 90ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng triều dọc theo sông Trường Giang. Ở cả 2 vụ nuôi tôm trong năm nay, tổng diện tích thả nuôi chỉ là 75ha, nhiều ao bỏ hoang. Đáng nói, có nhiều hộ thả nuôi 3 vụ trở lên vẫn thua lỗ. Ông Lê Văn Tại - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Phú cho rằng, ngành chức năng của thành phố đã nhận diện khó khăn của nghề nuôi tôm ở vùng triều là manh mún, nhỏ lẻ nên đã thí điểm triển khai dự án nuôi tôm VietGAP trên địa bàn xã, nếu thành công sẽ nhân rộng mô hình trong các cộng đồng nuôi tôm nhưng thất bại. Bởi vậy, nuôi tôm nước lợ hiện tại và dự kiến cả năm tới vẫn là được chăng hay chớ, mạnh ai nấy làm. Đã hết vụ nhưng vẫn có nông hộ còn nuôi tôm vào thời điểm này. Sang năm 2020, nông hộ cũng sẽ nuôi trước lịch mùa vụ vì cho là tận dụng nguồn nước sạch. 

Ông Bùi Văn Gát - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn trong năm 2019 là 1.000ha, giảm 380ha so với năm 2018. Số diện tích giảm đi chủ yếu là do nuôi tôm nước lợ ở vùng triều ven sông thất bại. Trong khi đó, ở nhiều vùng triều trên địa bàn xã Tam Nghĩa, người dân đã ồ ạt lót bạt thả nuôi tôm. Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, địa phương đã chấn chỉnh nạn nuôi tôm trên cát tràn lan vì trái quy hoạch, ô nhiễm môi trường sinh thái, nhiễm mặn nguồn nước còn nuôi tôm ở vùng triều ven sông thì khuyến khích vì nếu không cũng bỏ hoang. UBND huyện Núi Thành chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương quản lý nuôi tôm và hướng dẫn kỹ thuật, giúp nông hộ sản xuất hiệu quả. 

Ông Nguyễn Hữu Trường - Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ ở vùng triều ven sông trong năm 2019 là 1.850ha, xấp xỉ năm 2018. Sản lượng tôm thẻ chân trắng thu hoạch được ở vùng triều là 12 nghìn tấn, tương đương năm trước. Ông Trường cho biết, bệnh trên tôm nuôi vẫn hay xảy ra ở vùng triều ven sông, gây thiệt hại lớn đối với các hộ nuôi. Nguyên nhân là do hạ tầng nuôi tôm ở vùng triều quá sơ sài, thiếu kênh cấp, kênh thoát nước. Trong khi đó, do sản xuất tự phát, được chăng hay chớ nên nông hộ không đầu tư ao lắng, ao xử lý nước thải khiến các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, đường ruột diễn ra thường xuyên, phát triển thành dịch, nguy hại cho các vùng nuôi tôm ven sông. 

Khó thu hút đầu tư

Theo cơ chế khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 của UBND tỉnh, với diện tích tối thiểu từ 5ha ở vùng triều, Nhà nước sẽ hỗ trợ nông hộ, doanh nghiệp 100 triệu đồng để điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí phục vụ nuôi tôm VietGAP; hỗ trợ 500 triệu đồng để xây dựng, cải tạo đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm bơm, điện hạ thế, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống cấp thoát nước phù hợp để nuôi tôm VietGAP; hỗ trợ 30 triệu đồng để thuê tổ chức chứng nhận nuôi tôm VietGAP; hỗ trợ 30 triệu đồng để lấy mẫu giám sát dịch bệnh, cấp giấy chứng nhận vùng nuôi an toàn VietGAP.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho rằng, để tạo cú hích cho nghề nuôi tôm nước lợ ở vùng triều ven sông, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh có cơ chế khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020. Theo đó, các nông hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ nhiều mức để chỉnh trang, đầu tư lại hạ tầng nuôi tôm ở vùng triều ven sông. Hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng để đầu tư đường giao thông, 120 triệu đồng để xây dựng hệ thống điện, 150 triệu đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, 30 triệu đồng để đầu tư hệ thống nước sạch phục vụ nuôi tôm. Thế nhưng đến nay, vẫn chưa có chủ thể nuôi tôm nào lập hồ sơ, tiếp cận cơ chế, đầu tư chỉnh trang hoặc xây mới hạ tầng nuôi tôm ở vùng triều. Bởi vậy, khắp các vùng nuôi tôm ở vùng triều ven sông thuộc các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, TP.Tam Kỳ và TP.Hội An, chỗ nào hạ tầng cũng sơ sài. “Cơ chế đã được ban hành, chúng tôi đã có thông báo đến khắp các địa phương có nghề nuôi tôm để các chủ thể nuôi tôm tiếp cận, thực hiện các dự án nhưng rất khó khăn thu hút đầu tư nuôi tôm bài bản ở vùng triều vào thời điểm này” - bà Tâm nói.

Quảng Nam cũng đã khuyến khích nuôi tôm VietGAP để nâng cao giá trị kinh tế thu được qua xuất khẩu và bảo vệ môi trường. Bởi với phương thức này, môi trường nước nuôi tôm sẽ đảm bảo, cách thức chăm sóc tôm nuôi cũng theo trình tự kỹ thuật tốt, tôm thu hoạch sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm... Tuy nhiên, đến nay ở các vùng triều ven sông trên địa bàn tỉnh chưa hề được chứng nhận VietGAP trong nuôi tôm. Ông Nguyễn Hữu Trường cho biết, do chi phối bởi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, được chăng hay chớ nên người dân không mặn mà đầu tư nuôi tôm theo hướng VietGAP vì có nhiều ràng buộc phải thực hiện. “Nuôi tôm không thể cầm tay chỉ việc được, còn công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức nuôi tôm theo hướng VietGAP thì thường xuyên nhưng các chủ thể nuôi tôm chưa đón nhận. Tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ kinh phí với mức hơn 600 triệu đồng cho 1 dự án nuôi tôm VietGAP nhưng vẫn chưa thu hút được đầu tư. Mong rằng trong thời gian đến, nuôi tôm ở vùng triều ven sông sẽ thay đổi theo hướng đầu tư lớn, quy mô công nghiệp, sản xuất đạt và xuất khẩu thu lợi cao, kích thích phát triển kinh tế - xã hội” - ông Trường nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó nuôi tôm ở vùng triều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO