Không thực hiện kê khai nuôi thủy sản: Người dân thiệt thòi, Nhà nước khó quản lý

VIỆT NGUYỄN 22/02/2021 07:15

Tôm nuôi chết hàng loạt trên địa bàn tỉnh dù vụ 1 mới bắt đầu. Đáng nói hơn, do không kê khai nuôi thủy sản nên người nuôi không được xem xét hỗ trợ, còn ngành chức năng gặp khó về quản lý.

Không kê khai nuôi thủy sản nên nông hộ nuôi cá trong lồng bè trên địa bàn tỉnh không được hỗ trợ khi cá chết do thiên tai hoặc dịch bệnh. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Không kê khai nuôi thủy sản nên nông hộ nuôi cá trong lồng bè trên địa bàn tỉnh không được hỗ trợ khi cá chết do thiên tai hoặc dịch bệnh. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Tôm chết ở nhiều vùng nuôi

Dọc theo sông Trường Giang qua TP.Tam Kỳ đoạn từ xã Tam Thăng đến Tam Phú, đang diễn ra tình trạng tôm nuôi chết hàng loạt. Ông Nguyễn Bách Thự (thôn Kim Đới, xã Tam Thăng) cho biết, từ tháng 1.2021 ông bắt đầu thả giống tôm thẻ chân trắng trên 3 ao nuôi có diện tích hơn 2.000m2. Khi tôm đang sinh trưởng tốt thì không may gặp bất lợi về thời tiết dẫn đến chết hàng loạt.

“Từ khi phát hiện tôm có dấu hiệu bất thường đến lúc chết diễn ra chỉ vài giờ đồng hồ, chúng tôi không kịp xoay xở. Ban đầu, tôm ngoi lên mặt nước để thở, sau đó lờ đờ rồi dạt vào bờ, chết không lâu sau đó” - ông Thự cho hay.

Ông Trần Hoàng Trưởng (thôn Phú Quý, xã Tam Phú) cho biết, trước khi bước vào vụ 1 nuôi tôm nước lợ năm 2021, gia đình ông đã cải tạo ao nuôi bằng cách lọc chất bẩn, phơi ao trong vòng một tuần, tiếp tục dùng Chlorin để lọc nước, tránh nguồn bệnh có trong ao khi thả nuôi tôm giống.

Ông Trưởng đã chọn lựa nhiều nhà cung cấp tôm giống ở các tỉnh miền Trung để mua giống tôm thẻ chân trắng của tập đoàn Việt Úc về nuôi với mật độ 100 con/m2. Ông cũng đã mua thức ăn, kháng sinh, vitamin, khoáng chất của doanh nghiệp trên phục vụ nuôi tôm. Bên 4 ao nuôi có tổng diện tích gần 3.000m2 , ông Trưởng đã dựng chòi canh để túc trực 24/24 giờ chăm sóc tôm nuôi. Nhưng khi được hỏi “có làm ao chứa lắng để cấp nước vào ao nuôi tôm khi cần thiết không?” thì ông Trưởng cho biết quỹ đất không nhiều nên không đầu tư.

“Tôi không có giàn lưới che mưa nắng và hạn chế mầm bệnh do chim cò mang đến nên có thể lỗ hổng này đã khiến tôm chết do lây dịch bệnh” - ông Trưởng nói.

Tôm chết hàng loạt. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Tôm chết hàng loạt. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Theo ông Mai Huy Chương - cán bộ phụ trách nông nghiệp UBND xã Tam Thăng, đã có 46ha diện tích nuôi tôm được các hộ dân trên địa bàn thả nuôi từ đầu vụ đến nay. Trong số đó, tôm nuôi đã chết ở 8ha diện tích. “Chúng tôi đã thống kê bước đầu thiệt hại về tôm chết để báo cáo với các cơ quan cấp trên” - ông Chương cho biết.

Trong khi đó, theo khảo sát của chúng tôi, tôm nuôi cũng đã chết ở các huyện Thăng Bình, Núi Thành, Duy Xuyên. Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết: “Chi cục chưa có thống kê cụ thể diện tích tôm chết, cũng chưa rõ tôm chết do bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, đường ruột hay chỉ là các bệnh thường gặp hoặc do có tác động xấu của thời tiết biến động”.

Không kê khai nuôi thủy sản

Không kê khai nuôi thủy sản, nên hộ nuôi cá trong lồng bè không được hỗ trợ

Trong các đợt bão lụt năm 2020, hàng nghìn lồng bè nuôi thủy sản của người dân trên địa bàn tỉnh bị cuốn trôi, các loại cá nuôi như điêu hồng, chẽm, dìa, trê, cá lọc đã mất trắng hoặc chết hàng loạt khi môi trường nước bị biến động đột ngột, nhất là các khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My), hồ thủy lợi Khe Tân (Đại Lộc), dọc sông Cổ Cò (Hội An), sông Trường Giang (Tam Kỳ, Núi Thành)... Tuy nhiên, do không KKNTS nên hộ nuôi thua lỗ mà không được Nhà nước hỗ trợ để tái đầu tư.

Ông Khương Đình Thương - cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết: “Hộ nuôi gà, vịt, heo trên địa bàn đều được Nhà nước hỗ trợ khi không may bị chết do dịch bệnh, thiên tai nhưng chưa có nông hộ nuôi cá trong lồng bè được hỗ trợ do không KKNTS. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền cho các hộ nuôi cá trong lồng bè thực hiện đúng các hướng dẫn để được hỗ trợ khi bị thiệt hại”

Sở dĩ cán bộ thủy sản cơ sở lẫn ngành chức năng cấp tỉnh lúng túng về số liệu diện tích và sản lượng tôm nuôi bị chết là do các hộ nuôi tôm không kê khai nuôi thủy sản (KKNTS), phải rà soát, dò tìm từng khu vực, từng hộ nuôi tôm bị thiệt hại. Trong khi đó, do không KKNTS nên Sở NN&PTNT không có cơ sở nào để đề xuất, tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ cho các hộ có tôm nuôi bị chết.

Nhiều hộ cho biết, họ không KKNTS vì thủ tục rườm rà, nhiều nội dung, ngoài diện tích nuôi còn phải có nguồn gốc xuất xứ của giống thủy sản, cụ thể, chi tiết diễn biến quá trình nuôi...

“Tôi nuôi tôm mấy chục năm nay chưa bao giờ biết sẽ được Nhà nước hỗ trợ khi không may tôm chết do thiên tai và dịch bệnh. Chúng tôi chỉ biết nuôi tôm đạt là có thu nhập cao còn tôm chết thì chấp nhận thua lỗ” - ông Mạc Văn Thúy (hộ nuôi tôm ở thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, Núi Thành) nói.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm cho biết, khi gửi thông báo hướng dẫn lịch mùa vụ nuôi tôm nước lợ năm 2021 từ cuối năm 2020, chi cục đã kèm theo mẫu KKNTS để các hộ dân ghi, gửi chính quyền cấp xã ký rồi chuyển về Chi cục Thủy sản. Thế nhưng, đến nay, mẫu KKNTS chưa được hộ nuôi lẫn chính quyền cấp xã triển khai.

“Nuôi tôm nước lợ nói riêng, nuôi thủy sản nói chung ở Quảng Nam vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát nên người dân lơ là, không KKNTS. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, vận động ở cơ sở còn yếu nên người dân chưa thấy ý nghĩa, trách nhiệm, quyền lợi của việc thực hiện KKNTS. Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên địa bàn tỉnh để thực hiện chặt chẽ KKNTS” - bà Tâm nói.

Theo Luật Thủy sản, KKNTS là bắt buộc để hướng đến nghề nuôi thủy sản chuyên nghiệp, hiện đại, quy mô lớn, nâng cao giá trị kinh tế. Bởi vậy, các hộ nuôi thủy sản, chính quyền cơ sở, ngành thủy sản cần phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả KKNTS trong thời gian đến, từng bước giải quyết các vướng mắc nuôi thủy sản manh mún, khắc phục tình trạng được chăng hay chớ tồn tại dai dẳng trong nhiều năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không thực hiện kê khai nuôi thủy sản: Người dân thiệt thòi, Nhà nước khó quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO