Lỗ hổng kiểm soát tàu cá

VIỆT NGUYỄN 09/12/2020 10:45

Nhiều tàu cá trên địa bàn tỉnh không đảm bảo các thủ tục, giấy tờ nhưng vẫn ra khơi sản xuất. Trong khi đó, các ngành chức năng chưa thể đảm bảo việc quản lý, kiểm soát tàu cá.  

Quảng Nam còn nhiều tàu cá không có đầy đủ giấy tờ hợp pháp khi đi biển. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Quảng Nam còn nhiều tàu cá không có đầy đủ giấy tờ hợp pháp khi đi biển. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Bất cập

Theo Luật Thủy sản, để được ra khơi sản xuất, các tàu cá bắt buộc phải có giấy phép khai thác thủy sản được Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) cấp. Thế nhưng, nhiều tàu hành nghề giã cào vẫn đi biển khai thác hải sản mà không có giấy phép.

Ngư dân Ngô Thế Lục (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, Núi Thành) - chủ tàu giã cào QNa-01434 có công suất 75CV cho biết, tàu cá được mua về từ tỉnh Quảng Ngãi, sản xuất gần 3 năm nay mà không có giấy phép. “Ngành chức năng không cấp giấy phép cho tàu cá hành nghề giã cào nên đành chịu. Sản xuất ven bờ, tôi hay đi biển vào thời điểm đêm nên ít bị phát hiện” - ông Lục nói. 

Nhiều ngư dân theo các nghề pha xúc ở các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Núi Thành cũng đi biển mà không có giấy phép khai thác hải sản. Nguyên nhân là do các tàu cá loại này có chiều dài 6m, trước đây được tỉnh phân cấp quản lý, cấp phép về các huyện. Do thiếu cán bộ, bất cập quản lý nên công tác cấp giấy phép cho tàu cá ở cấp huyện bị buông lỏng, bỏ bê. Con số rất đáng báo động theo thống kê của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh có đến 1.338 tàu thuyền có chiều dài 6 - 12m nhưng mới chỉ có hơn 20 tàu thuyền được cấp giấy phép khai thác hải sản. Đối với các tàu cá lớn hơn, hoạt động ở tuyến lộng và xa bờ cũng còn nhiều bất cập. Cụ thể, 697 tàu cá có chiều dài 12 - 15m khai thác hải sản ở vùng lộng nhưng mới chỉ có hơn 200 tàu cá được cấp giấy phép. Với 748 tàu cá có chiều dài 15 - 24m đánh bắt hải sản ở vùng biển xa bờ nhưng đến nay mới chỉ có hơn 500 tàu cá có giấy phép. 

Ông Trần Quang Kiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, ngoài giấy phép khai thác hải sản, nhiều chủ tàu cá khi ra khơi sản xuất không có các loại giấy tờ khác theo quy định như giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và nhất là bằng thuyền trưởng, máy trưởng. “Rất đáng lo ngại với các tàu cá sản xuất mà không có giấy tờ hợp pháp. Hầu hết tàu cá đó đều chưa thực hiện đăng kiểm, không biết có đảm bảo an toàn kỹ thuật hay không. Thực tế cho thấy, các tai nạn đáng tiếc xảy đến với tàu cá là do không được đăng kiểm, không duy tu bảo dưỡng định kỳ” - ông Kiến nói.

Không dễ kiểm soát

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, không dễ thống kê, phân biệt trong số các tàu cá không có giấy phép, những tàu nào nằm bờ và những tàu nào vẫn đi biển. Bởi có thực tế là hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều tàu cá do hiệu quả kinh tế thấp, không tiếp tục tham gia khai thác hải sản nên chưa có nhu cầu xin giấy phép mới. Một số tàu cá khác đã xả bản do cũ nát hoặc bán đi nơi khác nhưng chưa xóa đăng ký nên chưa thể thống kê số lượng cụ thể là bao nhiêu. Nhưng loại trừ các trường hợp đó, ngành chức năng rất khó khống chế và không biết đích xác bao nhiêu tàu cá ra khơi mà không có giấy phép.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều khu vực thuộc bãi ngang ven biển, tàu cá khi ra khơi không thực hiện các thủ tục xuất bến đối với lực lượng biên phòng nên trong số các tàu cá đang hoạt động trên biển, rất khó kiểm soát tàu cá nào có đủ giấy tờ hợp lệ và tàu cá nào sản xuất chui.

Ông Trần Quang Kiến cho rằng, để có chuyển biến về việc nghiêm túc thực hiện các quy định về giấy tờ, thủ tục, đưa khai thác hải sản vào nền nếp, rất cần ý thức tự giác của ngư dân. Nhưng điều này không dễ bởi về bản chất, hiện tại nghề cá Quảng Nam vẫn là nghề cá nhân dân, dự kiến cần hàng chục năm nữa mới có thể vận động thành nghề cá có trách nhiệm như kỳ vọng.

“Không thực hiện đầy đủ giấy phép khai thác hải sản chủ yếu nhất thuộc về các nghề bị cấm hoặc hạn chế khai thác. Ngư dân theo những nghề này luôn được vận động chuyển đổi nghề, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật đối với nghề cá nhưng do nguồn lực yếu, thiếu cầu tiến nên vẫn giậm chân tại chỗ trong thời gian qua” - ông Kiến nói.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm cho biết thêm, sẽ phối hợp với các ngành chức năng như biên phòng, cảnh sát giao thông đường thủy hay thanh tra thủy sản tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại 2 cửa biển chính là An Hòa - Núi Thành và Cửa Đại - Hội An để xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm giấy phép. Cùng với đó, Chi cục Thủy sản sẽ chủ động tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát trên biển để kiểm tra xử lý các tàu cá, phạt nặng các tàu cá đang sản xuất mà không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn. 

Ngư dân Quảng Nam đi biển sản xuất mà không có các giấy phép đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Thủy sản và các khuyến cáo về gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu. Bởi vậy, trong thời gian đến, ngành thủy sản cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, các địa phương có nghề cá, rà soát, thống kê nắm rõ số lượng tàu không có đầy đủ giấy phép để có hướng xử lý thỏa đáng, đưa nghề cá phát triển bền vững như kỳ vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lỗ hổng kiểm soát tàu cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO