Nước sông lên nhanh, hộ nuôi cá lồng bè thấp thỏm

VIỆT NGUYỄN 08/10/2020 14:03

(QNO) - Mực nước lên nhanh ở các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh đang khiến các nông hộ nuôi cá trong lồng bè thấp thỏm vì lượng cá không nhỏ đã thất thoát ra ngoài.

Các hộ nuôi cá trong lồng bè ở sông Tam Kỳ đoạn chảy qua thôn Tân Phú, xã Tam Phú neo cột các lồng bè nuôi cá để tránh bị cuốn trôi. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Các hộ nuôi cá trong lồng bè ở sông Tam Kỳ đoạn chảy qua thôn Tân Phú, xã Tam Phú neo cột lồng bè để tránh bị cuốn trôi. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Mưa lớn trong nhiều ngày liền khiến mực nước ở các sông lên nhanh nên từ chiều hôm qua (7.10), hầu hết hộ nuôi cá trong lồng bè ở sông Tam Kỳ - đoạn chảy qua thôn Tân Phú (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) đồng loạt di dời các lồng bè nuôi cá vào sát bờ, chèn chống, neo cột cẩn thận.

Ông Trương Công Dũ - chủ hộ nuôi cá trong lồng bè ở thôn Tân Phú cho biết, hiện có 2 bè nuôi cá với gần 10 tấn cá sặc, cá điêu hồng, cá ba sa có thời gian sinh trưởng đã gần 11 tháng tuổi. Cá đã đến thời điểm thu hoạch để bán thương phẩm nhưng vì giá cá quá thấp nên chưa thể bán.

“Tư thương chỉ mua các loại cá với giá 42 nghìn đồng/kg, quá thấp. Chúng tôi tính toán trung bình để nuôi được 1kg cá thì chi phí đã ngót nghét 48 nghìn đồng nên không thể bán lỗ được. Lượng cá lớn đã thất thoát ra ngoài, mong mưa qua nhanh, không phát sinh lũ lụt” - ông Dũ nói. 

Tuy đã kéo các lồng bè nuôi cá vào sát bờ, neo cột cẩn thận nhưng các hộ nuôi ở sông Cổ Cò đoạn qua phường Cửa Đại (TP.Hội An) vẫn luôn thấp thỏm âu lo. “Cá khó thở vì thiếu ô xy, nếu để lâu thì rất nguy. Lượng cá không nhỏ đã nhảy qua lưới rào quanh lồng, thất thoát ra ngoài. Nguồn nước ô nhiễm do bùn, rác quá nhiều có thể sẽ khiến cá suy giảm hệ miễn dịch, nếu không đủ sức đề kháng, cá sẽ không tồn tại được” - ông Thái Vũ - hộ nuôi cá ở khối phố Phước Trạch (phường Cửa Đại) nói.

Theo quan sát của chúng tôi, chỉ riêng ở khu vực phường Cửa Đại còn hàng trăm lồng bè nuôi cá của hàng chục hộ nuôi. Tổng lượng cá hiện có theo tính toán của các nông hộ là hơn 800 tấn cá chẽm, cá điêu hồng, cá dìa, cá nâu.

“Lượng cá đã thất thoát là không nhỏ, chỉ mong mưa lũ chấm dứt để chúng tôi kéo các lồng bè nuôi cá ra vùng sông nước rộng lớn. Không thể bán cá trước mùa mưa lũ được vì cá chậm phát triển, thời gian sinh trưởng của cá cần đến hơn 10 tháng mới bán được” - ông Ngô Minh Trưởng - chủ hộ hiện có 10 tấn cá sặc, cá điêu hồng đang nuôi ở khối phố Phước Trạch nói.

Nước sông lên nhanh khiến ông Trương Công Dũ (bên phải) thấp thỏm lo âu. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nước sông lên nhanh khiến ông Trương Công Dũ (bên phải) thấp thỏm lo âu. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Ông Lê Văn Tại - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Phú cho biết, đã khuyến cáo các nông hộ nuôi cá trong lồng bè nên thu hoạch, bán cá trước ngày 30.9 để hạn chế cá chết hoặc thất thoát ra ngoài do mưa lũ, thế nhưng vì nhiều nguyên nhân, các hộ nuôi cá không thực hiện các khuyến cáo.

“Do nuôi cá ở trình độ chưa cao nên các nông hộ cần đến hơn 10 tháng tuổi mới thu hoạch được cá để bán thương phẩm. Một số hộ nuôi cá lại chấp nhận rủi ro để chờ bán cá vào dịp cuối năm, dịp tết để thu lợi lớn” - ông Tại nói.

Ông Lê Công Sỹ - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết, luôn tuyên truyền, vận động người dân nuôi cá an toàn, không nên chạy theo lợi nhuận mà nuôi cá mùa mưa lũ vì rủi ro cao, rất dễ mất trắng cá đang nuôi. “Thời tiết đang diễn biến phức tạp, mưa có thể kéo dài gây lũ lụt. Chúng tôi yêu cầu các hộ nuôi cá phải bắt buộc lên bờ nếu lũ lụt xảy ra” - ông Sỹ nói.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, ở các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 500 lồng bè nuôi cá, trong đó Tam Kỳ hơn 50 lồng, Hội An 400 lồng và Núi Thành 100 lồng.

“Người nuôi cá cần chăm sóc cá tốt, tránh cá bị sốc môi trường, thất thoát ra ngoài hay bị nước cuốn trôi. Tuy vậy, an toàn cho chính người nuôi cá vẫn quan trọng hơn, nông hộ không nên vật lộn với nước lên nhanh mà gặp rủi ro” - bà Tâm nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nước sông lên nhanh, hộ nuôi cá lồng bè thấp thỏm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO