Nuôi tôm an toàn thu lợi lớn

VIỆT NGUYỄN 13/07/2020 11:53

Giá tôm thẻ chân trắng thương phẩm trên địa bàn tỉnh đang tăng mạnh. Ngành chức năng và các địa phương cho rằng, dù giá có tăng thì nông hộ cũng không thể ồ ạt nuôi tôm nhờ quản lý chặt chẽ quy hoạch.

Nuôi tôm an toàn đem lại hiệu quả cao cho nông hộ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nuôi tôm an toàn đem lại hiệu quả cao cho nông hộ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Hiệu quả cao

Đầu tư 4 ao nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích 5.000m2, gia đình ông Nguyễn Định Bình (thôn An Trân, xã Bình Hải, Thăng Bình) thu hoạch được 25 tấn tôm, lãi 750 triệu đồng.

Ông Bình cho biết, với tôm thương phẩm loại 60 con/kg cho lãi mỗi ký 30 nghìn đồng. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng an toàn kết hợp công nghệ sinh học Biofloc cho thấy hiệu quả như kỳ vọng. Mô hình này kiểm soát được dịch bệnh trên tôm như đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, kể cả tránh được các bệnh do nấm, tảo gây ra.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để áp dụng mô hình này, tất cả ao nuôi của ông Bình đều lót bạt, mỗi ao nuôi có hệ thống xi phông tự động, nhiều hệ thống sục khí, máy cho tôm ăn tự động.

Bên cạnh đó, ông Bình còn đầu tư hệ thống thu gom chất thải và xử lý nước, ao lắng cấp bù nước phục vụ nuôi tôm thâm canh. Ông Bình còn có các khu nuôi vi sinh, dùng hỗn hợp men vi sinh ủ với chuối, gừng, sả… tạo Biofloc đưa xuống ao nuôi theo định kỳ để phòng bệnh.

Theo ông Nguyễn Hữu Trường - Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam), diện tích nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh đến thời điểm này là 1.610/3.100ha. Sản lượng tôm thương phẩm là 7.940 tấn. Mặc dù từ đầu năm đến nay dịch bệnh diễn biến phức tạp với 195ha tôm bị chết nhưng nhìn chung, nuôi tôm đem lại hiệu quả kinh tế khá cho nông hộ. Rất đáng mừng khi giá tôm thương phẩm cao như hiện nay. Từ nay đến cuối năm, ngành thủy sản tỉnh sẽ chú trọng thực hiện chương trình quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi tôm, phát hiện, khuyến cáo sớm các vấn đề môi trường, mầm bệnh giúp người nuôi phòng ngừa và có biện pháp kỹ thuật nuôi phù hợp ứng phó. Cùng với đó, kêu gọi doanh nghiệp xúc tiến đầu tư nuôi tôm công nghiệp, công nghệ cao, an toàn sinh học.

Ở thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa (Núi Thành), cũng có nhiều nông hộ thu được hiệu quả kinh tế cao nhờ nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng an toàn.

Nuôi thâm canh trên 5 ao tôm có tổng diện tích 6.000m2, ông Đỗ Việt Hoa cho biết, lần đầu tiên thu hoạch được hơn 30 tấn tôm thương phẩm/vụ. Đặc biệt, giá tôm ông Hoa bán được chưa bao giờ đạt ngưỡng 160 nghìn đồng/kg như vụ này.

“Mô hình nuôi tôm an toàn có quy trình chặt chẽ, từ con giống tốt đến hệ thống ao nuôi bài bản, khống chế xâm hại từ bên ngoài. Đặc biệt, mô hình này áp dụng công nghệ sinh học để đảm bảo tôm thương phẩm không có dư lượng kháng sinh, phục vụ chế biến của doanh nghiệp xuất khẩu” - ông Hoa nói. 

Điểm chung của các hộ nuôi tôm thành công trong vụ vừa qua còn ở phương thức nuôi tôm 3 giai đoạn. Ông Nguyễn Thành Chung (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình) cho biết, mô hình này có nhiều ưu việt.

Ở giai đoạn 1, ông nuôi ương tôm giống trên bể nổi có đường kính 15m, cao 1,5m, chứa hơn 150m3nước và ương khoảng 60 vạn tôm giống size 12. Sau thời gian ương nuôi 15 - 20 ngày, ông chuyển sang giai đoạn 2.

Toàn bộ tôm ương được chuyển xuống ao nuôi thương phẩm ngoài trời, áp dụng nuôi theo công nghệ sinh học. Thời gian nuôi giai đoạn 2 khoảng 30 ngày, khi đó tôm đạt kích cỡ 200 con/kg, ông chuyển sang giai đoạn 3.

Ở giai đoạn nuôi thương phẩm này, mật độ nuôi tôm được “đóng khung” 200 con/m2. Quá trình này kéo dài khoảng 90 ngày là thu hoạch. Tùy theo biến động giả cả tôm thương phẩm, ông Chung chủ động thu hoạch bán tôm theo các kích cỡ khác nhau, có thể 60 con/kg hoặc 40 con/kg.

“Thông thường, tôm càng lớn bán càng được giá, tuy nhiên thời gian kéo dài, chi phí thức ăn rất tốn kém lại tiềm ẩn rủi ro. Cân nhắc lợi nhuận là bài toán chúng tôi phải giải quyết thấu đáo” - ông Chung nói.  

Quản lý chặt chẽ

Chúng tôi đặt câu hỏi với ông Nguyễn Tấn Thu - Bí thư Đảng ủy xã Bình Hải, tôm thương phẩm có giá cao như hiện nay có khiến các nông hộ lại ồ ạt phá rừng phòng hộ, chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất để nuôi tôm tràn lan như trước đây không?

Ông Thu khẳng định rất khó xảy ra, vì đầu tư nuôi tôm trên cát là quá trình dài lâu, huy động vốn cao, giá tôm sau khi đạt đỉnh có thể sẽ xuống thấp. Hơn nữa, sau khi UBND tỉnh có quy hoạch nuôi trồng thủy sản ở vùng đông, chính quyền xã đã vào cuộc rất trách nhiệm, tuyên truyền các nông hộ đừng vì lợi nhuận trước mắt mà chạy theo con tôm vô tội vạ. UBND xã Bình Hải đang quản lý chặt hiện trạng đất đai, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nên đủ sức răn đe các nông hộ khác.

“Chúng tôi khuyến khích, hỗ trợ các nông hộ đầu tư nuôi tôm bài bản, lâu dài ở những khu vực quy hoạch cho nuôi trồng thủy sản. Người dân thấy rõ tác hại của rừng phòng hộ bị chặt phá hay nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn nên không ồ ạt nuôi tôm trái phép” - ông Nguyễn Tấn Thu nói. 

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, nhiều khả năng giá tôm thẻ chân trắng thương phẩm sẽ được duy trì ở mức tốt trong thời gian đến. Bởi tôm nguyên liệu ở các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản không nhiều. Ngoài ra, các cường quốc nuôi tôm như Trung Quốc, Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan đều đang gặp khó khăn, dự đoán khả năng nguồn cung các nước này giảm ở mức từ 20% trở lên.

“Trên cơ sở quy hoạch nuôi trồng thủy sản vùng đông, ngành đã và đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương ven biển quản lý chặt, không để các trường hợp tự ý nuôi tôm làm tác hại xấu đến môi trường. Các nông hộ ít nhiều chịu thua lỗ trong nuôi tôm nên ý thức học hỏi, vận dụng các mô hình nuôi tôm tiên tiến đáng ghi nhận” - bà Phạm Thị Hoàng Tâm nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nuôi tôm an toàn thu lợi lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO