Nuôi tôm nước lợ năm 2021: Quản lý chặt, chú trọng an toàn

VIỆT NGUYỄN 22/01/2021 07:08

Ở các vùng cao triều trên địa bàn tỉnh, người dân đã thả giống nuôi tôm nước lợ, bước vào vụ 1 năm 2021.

Người nuôi tôm nước lợ Quảng Nam đã bước vào vụ 1 năm 2021. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Người nuôi tôm nước lợ Quảng Nam đã bước vào vụ 1 năm 2021. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Vào vụ mới

Theo lịch mùa vụ nuôi tôm nước lợ năm 2021, nuôi tôm ở vùng cao triều bắt đầu từ ngày 15.1, nuôi tôm ở vùng triều ven sông bắt đầu từ tháng 2. Ngành chức năng khuyến cáo, đối với những ao không đảm bảo điều kiện nuôi thâm canh hoặc nuôi tôm kém hiệu quả thì nên nuôi ghép với các đối tượng khác như cua - tôm - rong, tôm - cá, cá - rong - tôm..., hoặc chuyển hẳn sang nuôi cua, cá nước lợ (chẽm, dìa, hồng, đối mục, măng). Vào thời điểm giao mùa (giữa tháng 4 và tháng 5), điều kiện môi trường biến động lớn, tôm dễ bị bệnh nên các hộ cần chăm sóc, quản lý chặt môi trường ao nuôi.

Ông Nguyễn Cao Trình (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, Núi Thành) cho biết, đã chọn mua 500 nghìn con giống tôm thẻ chân trắng của Công ty Việt Úc để nuôi trên 2 ao có diện tích gần 5.000m2 trước đó đã được lót bạt, cải tạo kỹ càng.

“Nuôi tôm thẻ chân trắng nhiều rủi ro nên tôi chú trọng tính an toàn, từ con giống cho đến thức ăn, quy trình nuôi, chăm sóc, nhất là bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất, men vi sinh để kích thích tiêu hóa, phát triển tốt đường ruột giúp tôm sinh trưởng, phát triển ổn định” - ông Trình nói.

UBND huyện Núi Thành cho biết, để vụ nuôi mới đạt kết quả cao, huyện đã chỉ đạo các địa phương triển khai theo lịch mùa vụ nuôi tôm nước lợ được Sở NN&PTNT ban hành. Theo đó, hướng dẫn các hộ nuôi tôm với mật độ phù hợp, chỉ nuôi tôm với mật độ cao nếu các yếu tố hạ tầng, thủy lợi, nguồn nước đầu tư đồng bộ, kiên cố. Ngoài ra, địa phương chú trọng kiện toàn các tổ, đội phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi; công tác quy hoạch vùng nuôi cũng được triển khai sớm để hạn chế tình trạng người dân ồ ạt nuôi tôm ở các diện tích rừng phòng hộ, vườn nhà.

Ở xã Cẩm Thanh (TP.Hội An), để bước vào vụ mới, người dân đã bắt tay nạo vét kênh mương ở các vùng nuôi tôm bị mưa lũ bồi lấp. Chính quyền địa phương khuyến khích, hỗ trợ người dân xây dựng thêm các tổ quản lý nuôi tôm cộng đồng để tiếp sức lẫn nhau cũng như phòng tránh, hạn chế xả thải nguồn nước ô nhiễm ra bên ngoài.

Là địa phương có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn nên huyện Thăng Bình cũng đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho vụ 1 nuôi tôm nước lợ năm nay. Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện tốt quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh cũng như hướng dẫn người dân chủ động ứng phó với các tình huống xấu xảy ra trong nuôi tôm. Công tác quản lý về giống, vật tư, thức ăn, thuốc thú y nuôi tôm cũng đã được địa phương lên kế hoạch thực hiện.

Đảm bảo an toàn

Trước khi bước vào vụ 1, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản hướng dẫn các địa phương thực hiện đăng ký bản kê khai nuôi tôm, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống trên địa bàn tỉnh. Chi cục Chăn nuôi - thú y chủ động xây dựng và triển khai phương án phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2021, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc, hóa chất dùng trong nuôi tôm, hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh thực hiện kiểm dịch tôm giống trước khi xuất bán ngoài tỉnh. Ngành thủy sản còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình nuôi tôm an toàn dịch bệnh, hướng dẫn người nuôi ứng dụng kỹ thuật mới.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tập trung tháo gỡ, giải quyết những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ dân đẩy mạnh phát triển nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm công nghệ cao để nâng cao giá trị kinh tế thu được, hướng đến chế biến, xuất khẩu tôm”.

Theo Chi cục Thủy sản, giải pháp quan trọng để thúc đẩy nghề nuôi tôm nước lợ Quảng Nam phát triển bền vững là khuyến khích, hỗ trợ người dân đầu tư ao chứa lắng để xử lý nguồn nước nước sạch, đảm bảo các điều kiện thuận lợi về môi trường cho tôm phát triển tốt; đầu tư ao xử lý nước thải trước khi xả ra bên ngoài. Tôm giống được thả nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch và phải được mua từ các cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.

Tôm giống được thả nuôi đúng lịch mùa vụ, có mật độ, kích cỡ đúng theo quy trình đã được hướng dẫn. Nguy cơ xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 được dự báo sẽ tiếp tục xuất hiện sớm và gay gắt, ảnh hưởng rất xấu đến nuôi tôm nước lợ. Bởi vậy, các địa phương cần căn cứ vào khung lịch mùa vụ chung và tình hình thực tế ở từng địa bàn để triển khai nuôi tôm nước lợ vụ 1 được tốt, nhất là bố trí nguồn lực, quan trắc, cảnh báo môi trường, đề ra các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả cho tôm nuôi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nuôi tôm nước lợ năm 2021: Quản lý chặt, chú trọng an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO