Phát triển bền vững nghề nuôi tôm

VIỆT NGUYỄN 20/07/2021 07:15

Triển khai Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quảng Nam nhận diện những điểm mạnh, yếu, áp dụng đồng bộ các giải pháp để phát triển bền vững nghề nuôi tôm.

Quảng Nam chưa xây dựng được chuỗi an toàn thực phẩm trong nuôi tôm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Quảng Nam chưa xây dựng được chuỗi an toàn thực phẩm trong nuôi tôm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Chưa đáp ứng kỳ vọng

Năm 2020 và ước tính hết năm 2021, diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh xấp xỉ 3.000ha, trong đó, thâm canh nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao nuôi lót bạt, vùng cao triều là 800ha, còn lại là nuôi tôm ở vùng triều ven sông. Sản lượng tôm nuôi đạt 14.000 - 16.000 tấn/năm, đem lại giá trị 1.400 - 1.600 tỷ đồng.

Điểm mạnh của nghề nuôi tôm Quảng Nam là đã bước đầu hình thành mô hình nuôi tôm công nghiệp áp dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, điểm yếu khó khắc phục là hạ tầng các vùng nuôi chưa đảm bảo, thủy lợi dùng chung với các ngành nông nghiệp khác, thiếu ao chứa lắng, ao xử lý nước thải nên dịch bệnh xảy ra liên tiếp lại ô nhiễm môi trường.

 Tại hội nghị bàn giải pháp phát triển ngành tôm và triển khai Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 do Bộ NN&PTNT tổ chức trực tuyến ngày 16.7, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia được kiềm chế sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ tôm tăng mạnh, đặc biệt là các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Trong đó, VASEP dự báo xuất khẩu tôm từ nay đến cuối năm sẽ gia tăng trở lại, cán mốc trên 4 tỷ USD trong năm nay.

Theo Luật Thủy sản, chủ thể nuôi tôm (nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp) bắt buộc phải thực hiện thủ tục để được ngành chức năng cấp giấy xác nhận nuôi tôm nhưng đến nay việc này còn bỏ ngỏ. Nguyên nhân là các chủ thể nuôi tôm lơ là hoặc chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi nuôi tôm.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, mức phạt các chủ thể nuôi tôm không có giấy xác nhận nuôi tôm ở mức 10 - 15 triệu đồng là quá cao, chưa thể áp dụng. Theo đó, đề xuất Bộ NN&PTNT xem xét, tham mưu Chính phủ điều chỉnh mức xử phạt thấp hơn để có tính khả thi, dễ thực hiện.

 Đến thời điểm này, toàn tỉnh vẫn chưa xây dựng được chuỗi an toàn thực phẩm trong nuôi tôm. Do vậy, tôm thương phẩm được nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu bán ở thị trường nội địa. Một vấn đề đáng lo là chất lượng tôm giống.

Tôm nuôi được người nuôi mua về từ các tỉnh, thành phía Nam không rõ xuất xứ, chưa qua kiểm dịch. Vùng nuôi tôm quảng canh chưa áp dụng công nghệ mới, năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao.

Đến nay, toàn tỉnh vẫn còn nhiều cơ sở nuôi tôm nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung dẫn đến khó khăn trong kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Các cơ sở nuôi tôm nhỏ lẻ thiếu vốn sản xuất, phải mua chịu vật tư đầu vào, chịu lãi suất cao và ít có cơ hội lựa chọn các sản phẩm có chất lượng, lệ thuộc vào đại lý.

Đầu tư lớn hơn

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, định hướng phát triển nghề nuôi tôm Quảng Nam trong thời gian đến là hình thành, nhân rộng các vùng nuôi tôm công nghiệp áp dụng công nghệ cao, nuôi tôm thâm canh để nâng cao sản lượng, năng suất, giá trị.

Quảng Nam khuyến khích nuôi tôm VietGAP, nuôi tôm hữu cơ để đảm bảo sản phẩm sạch, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của thị trường trong và ngoài nước. Theo đó, đến năm 2030, diện tích nuôi tôm nước lợ là 2.800ha, trong đó nuôi tôm công nghệ cao khoảng 1.500ha; sản lượng nuôi tôm sẽ đạt 21.000 tấn/năm.

Quảng Nam đang kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực đầu tư nuôi tôm thương phẩm ứng dụng công nghệ cao tại 2 huyện Thăng Bình và Núi Thành. Quảng Nam khuyến khích mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bằng hình thức lót bạt trên cát, vùng cao triều đi đôi với kiểm soát tốt dịch bệnh nhằm gia tăng sản lượng, hiệu quả kinh tế mang lại. Đối với các vùng nuôi tôm nhỏ lẻ ở Hội An, Tam Kỳ, Duy Xuyên, người nuôi cần nâng cấp công trình, có những đột phá về giải pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ, con giống.

Ông Ngô Tấn cho rằng, trên cơ sở định hướng phát triển nghề nuôi tôm đến năm 2030, UBND tỉnh cần giao Sở NN&PTNT thực hiện đề án cụ thể để thu hút đầu tư lớn, nhất là có các cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp để tích tụ tập trung ruộng đất được khởi sắc hơn. Bộ NN&PTNT có các chương trình cụ thể để tạo cú hích phát triển ngành tôm, đặc biệt có hình thức hỗ trợ thiết thực để đầu tư mới hoặc nâng cấp hạ tầng nuôi tôm.

“Hiện nay giá thành sản xuất nuôi tôm quá cao do giá bán các loại vật tư nuôi tôm, con giống cao. Bộ NN&PTNT cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra, thanh tra, kiểm soát cơ cấu hình thành giá bán đầu vào nuôi tôm, có biện pháp phù hợp để giảm giá” - ông Ngô Tấn nói.

Ông Trần Công Thành - chủ doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm trên diện tích 36ha ở xã Tam Hòa (Núi Thành) cho biết rất phấn khởi với các định hướng, giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi tôm của tỉnh.

Quảng Nam cần thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, thông tin kịp thời, giúp người nuôi tôm có kế hoạch sản xuất phù hợp. Ngành nông nghiệp cần kiểm soát tốt hơn kháng sinh, chất lượng, an toàn thực phẩm đối với tôm nguyên liệu để các sản phẩm từ con tôm Quảng Nam vươn xa thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, áp dụng, từng bước nhân rộng các quy trình nuôi tôm hiệu quả, thân thiện với môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển bền vững nghề nuôi tôm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO