Tích tụ đất đai để sản xuất lớn

VIỆT NGUYỄN 18/12/2018 02:08

(QNO) - Quảng Nam đang tập trung huy động các nguồn lực, đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh tích tụ ruộng đất phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn, tăng giá trị kinh tế thu được trên một đơn vị diện tích đất đai.

Sản xuất lúa hàng hóa ở huyện Thăng Bình. Ảnh: QUANG VIỆT
Sản xuất lúa hàng hóa ở huyện Thăng Bình. Ảnh: QUANG VIỆT

Còn hạn chế

Thời gian qua, các địa phương của tỉnh và ngành nông nghiệp triển khai thực hiện dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp. Tuy đạt được những kết quả tốt, góp phần làm giảm bớt tình trạng phân tán, manh mún ruộng đất nhưng về cơ bản, chưa phải là tích tụ đất đai, chưa hình thành vùng sản xuất nông nghiệp lớn, áp dụng công nghệ cao. Tại huyện Thăng Bình, một số mô hình liên doanh, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) hoặc nông dân cho HTX thuê đất để sản xuất nông sản hàng hoá đã thu được hiệu quả bước đầu ở các xã Bình Đào, Bình Tú. Tuy nhiên, theo ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình, các mô hình này vẫn còn chưa đạt được kỳ vọng, hiệu quả sản xuất có được nâng lên nhưng chỉ trong phạm vi hẹp. Hơn nữa, chưa thu hút được các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dẫn đến chưa nâng cao được giá trị sản lượng hàng hoá trên một đơn vị diện tích.

Tích tụ đất đai là chủ trương lớn, xuyên suốt từ Trung ương đến tỉnh, huyện, cơ sở. Đây là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã nhấn mạnh: “có chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để sản xuất hàng hoá chất lượng cao”. Tỉnh ủy Quảng Nam đã xác định, giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn là phải “xây dựng các mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất để xây dựng cánh đồng lớn và vùng sản xuất chuyên canh tập trung, gắn với phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản”.

Quảng Nam cần tích tụ đất đai sản xuất hàng hóa lớn. Ảnh: QUANG VIỆT
Quảng Nam cần tích tụ đất đai sản xuất hàng hóa lớn. Ảnh: QUANG VIỆT

Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, tích tụ đất đai, chuyển đổi từ “tiểu điền” sang “đại điền” là việc làm mới, đáng tiếc là có bộ phận cán bộ, nhân dân coi đó là quay lại hình thức “địa chủ” như trước cách mạng. Một số nông dân chưa yên tâm khi cho thuê đất, vì sợ mất đất. Vì vậy, triển khai công tác tích tụ đất đai phục vụ sản xuất hàng hóa, phải được thực hiện một cách tích cực, quyết liệt, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải vào cuộc đồng bộ, tập trung tuyên truyền để mọi người, nhất là nông dân hiểu. “Tích tụ ruộng đất là để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến, hiện đại từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ, tạo ra giá trị lợi nhuận cao trên đất được tích tụ” - ông Muộn nói.

Giải pháp thiết thực

Ông Lê Muộn cho biết thêm, qua nhiều đợt khảo sát ở các tỉnh Hà Nam, Hà Tĩnh và khu vực phía nam, ngành tham mưu UBND tỉnh triển khai các mô hình tích tụ đất đai có hiệu quả, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích tích tụ đất đai phù hợp và kỳ vọng áp dụng thuận lợi với các điều kiện cụ thể ở các địa bàn của tỉnh. Cùng với đó, nghiên cứu về thời gian thuê đất, giá thuê đất sao cho người đứng ra tích tụ đất đai sản xuất nông, lâm, thủy sản hàng hóa được thuận lợi và người cho thuê đất được lợi nhiều hơn so với việc canh tác đơn lẻ, manh mún như hiện tại.

Theo Sở NN&PTNT, trước hết cần phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, tích tụ đất đai để phát triển các khu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, khu nông nghiệp sạch, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, ở đồng bằng cần ưu tiên chọn một số vùng, địa phương ven đô, suy giảm thâm canh, quảng canh, nơi ruộng đất bị bỏ hoang hoặc nơi đã thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, đã sơ khởi thực hiện liên doanh, liên kết sản xuất hàng hóa. Ở khu vực miền núi, cần ưu tiên quy hoạch diện tích trồng rừng gỗ lớn, chế biến gỗ, trồng cây dược liệu để tích tụ đất đai. “Quảng Nam cần khuyến khích quy hoạch các vùng, điểm tích tụ có diện tích lớn để đảm bảo trồng rừng gỗ lớn, trồng cây dược liệu, trồng cây nông nghiệp và phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hiệu quả” - ông Lê Muộn nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, cần nhân rộng các mô hình tích tụ đất đai hiệu quả trong thời gian qua; đồng thời tập trung nghiên cứu, thí điểm các mô hình tích tụ đất đai mới có khả thi cao. Về điều này, ở huyện Thăng Bình đã tổ chức sơ kết các mô hình thí điểm tích tụ đất đai, rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng trên địa bàn 22 xã, thị trấn. Địa phương đã nghiên cứu, xây dựng đề án tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp hàng hóa với các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, lộ trình thực hiện khá bài bản. Về hình thức tích tụ đất đai, UBND tỉnh thống nhất tổ chức thực hiện theo hướng HTX thuê đất của dân, sau đó liên kết với doanh nghiệp để sản xuất hoặc các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuê đất của dân để trực tiếp sản xuất. UBND tỉnh cũng đang khuyến khích hình thức hộ gia đình có đủ điều kiện, nguồn lực thuê đất của các hộ dân khác để tổ chức sản xuất liền vùng, liền thửa. Ngoài ra, còn có hình thức khuyến khích người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất, hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định, để thực hiện tích tụ đất đai.

VIỆT NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tích tụ đất đai để sản xuất lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO