Lòng thật yên khi chỉ cần đến ngay đầu hẻm, đã vang lên da diết những âm thanh cũ, có lẽ khởi đi từ máy hát với tuổi đời ngang ngửa một con phố vừa đổi tên… chừng hơn 40 năm. Và bước chân có muốn vội cũng chẳng được, khi lẫn trong không gian là dùng dằng hương café, từ cái tên gọi hàng quán quá sức thân thương: tiệm – cà – phê.
Tĩnh lặng bên trong quán nhỏ. |
Tiệm cà phê còn được gọi bằng tên Le Fe Café, có lẽ chẳng còn lạ mấy với người ở khắp nơi, năm đôi ba lần tìm đến Hội An. Con hẻm nhỏ chỉ vừa vặn hai chiếc xe máy ngược chiều, nhưng lại chất chứa nhiều thú vị của một vùng trú ẩn toàn cư dân gốc. May mắn trong vài sáng cuối tuần, ở ngôi nhà đối diện, có cụ ông tóc bạc như sương giăng ngồi chiêu trà trầm ngâm, kệ phía đầu hẻm người ta í ới nào bánh mỳ giò chả… Hay trong những ngày lễ Phật, ngang qua vuông cửa gỗ cũ kỹ, là cụ bà sang trọng trong chiếc áo dài kiểu cũ, tóc vấn cao và lưng cố rướn cho thẳng thớm. Nhiều hình ảnh xoay trong sớm mai nắng giăng qua kẽ lá, dạ lý rơi vãi xuống sân những cánh hoa mỏng. Đời sống phố cũ cứ chen lấn dịu dàng vào góc quán nhỏ, người ngồi đấy nhấp ngụm café để ngẫm ngợi hay tìm nhớ chút ký ức xưa.
Buổi mai, buổi trưa, buổi chiều và cả ban đêm, quán cứ yên tĩnh theo cách của riêng mình. Có người bạn lâu thật lâu mới bước ra khỏi vùng cư trú, một chiều mưa giăng cùng ngồi ở quán, nói rằng bây giờ ngồi đây, như kiểu đang ngồi nơi vùng ở cũ, mà chắc quán xá ở các phố thị bây giờ khó lòng tìm thấy. Tôi muốn nhắc chuyện rằng đôi khi đời sống có những khoảng lặng thật gần mình đó, nhưng có lẽ để cảm nhận được nó thì cần có những không gian gợi nhắc mình. Như tiệm cà phê ở hẻm nhỏ phố Hội, bây giờ mình ngồi. Và rồi thì những Duy Trác, Thái Thanh, Sĩ Phú, Vũ Khanh… cứ thay nhau nói hộ lòng mình, từ chiếc máy hát chạy bằng đĩa than, ngó chừng đã từ rất lâu, rất lâu. Khách cà phê, hình như chia thành nhiều lớp người. Nhưng ấn tượng nhất, có lẽ vào những buổi chiều tà, khi mặt trời còn buông chùng chưa kịp tắt, và nắng thì nhạt vàng lửng lơ vài tia trên đầu, quán vài ba khách, ngồi đúng một kiểu: tay chống cằm, dáng bất động dõi mắt ra khung cửa nhỏ. Như kiểu những con người này có lẽ đang nắm giữ nhiều lắm những câu chuyện xưa nay của phố nhỏ, và không chừng trong lặng thinh này họ đang cố để thấu đạt nó.
Có một khoảnh sân nối giữa gian dưới và gian giữa ngôi nhà, như bao kiến trúc của những ngôi nhà cổ phố Hội, được gọi là giếng trời. Giếng trời dùng để lấy ánh sáng, để cả gian nhà không bị chìm trong cảm giác âm u, tịch mịch. Và có lẽ ở đây, cũng là để cho mùi cà phê thơm lừng đượm trong gió, nhưng cũng vừa đủ, để người không bị vây chặt hay ám ảnh bởi làn khói có hương này. Thêm một chỗ yên ả để người đến phố Hội không chê trách thành phố ký ức này, bởi xét cho cùng, thì đời sống vận hành theo những quy luật riêng, không chịu mất mát sao biết đến thành tựu. Và đừng bắt thành phố phải gánh lấy những trách nhiệm quá lớn, khi nó đầu tiên phải là nơi sinh sống của hàng vạn con người. Chỉ cần những không gian gợi nhắc ký ức như tiệm cà phê, vẫn còn ở yên đó…
LÊ QUÂN