Thời tiết nắng nóng kéo dài liên tục khiến cho số lượng bệnh nhi ngày càng tăng. Để hạn chế bệnh có thể lây nhiễm trong điều kiện thời tiết không ổn định, các bậc phụ huynh cần phải chủ động tiêm phòng cho trẻ, nhất là những dịch bệnh dễ lây lan.
Trong những ngày gần đây, tại Bệnh viện Nhi Quảng Nam, người dân liên tục đưa con em đến khám và nhập viện điều trị vì các chứng cảm sốt, cúm, tiêu chảy. Gần một tuần nay, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Hải, trú tại xã Tam Đại, Phú Ninh phải thay phiên nhau túc trực tại bệnh viện để chăm con bị sốt, tiêu chảy. “Cứ đến giai đoạn giao mùa, nhất là vào mùa nắng nóng bọn trẻ rất dễ bị đau. Dù đã có kinh nghiệm để bảo vệ con vào những thời điểm như thế này nhưng vẫn không tránh được, có lẽ do cháu bị lây bệnh khi đi học ở trường” - anh Hải chia sẻ.
Chủ động tiêm phòng là cách tốt nhất để tránh tình trạng trẻ dễ mắc bệnh ở giai đoạn giao mùa hay nắng nóng như hiện nay. |
Tại bệnh viện, trong các bệnh thường gặp thì phần lớn trẻ mắc các bệnh như viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi và hen. “Tình trạng trẻ mắc bệnh có chiều hướng gia tăng trong thời tiết giao mùa, bình quân tăng 130 - 160% so với bình thường với độ tuổi 0 - 3 là chủ yếu. So với người lớn, trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên chưa kịp thích nghi với sự thay đổi của môi trường, thân nhiệt mất ổn định, khả năng đề kháng suy giảm dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh gia tăng, nhất là nhóm bệnh về đường hô hấp. Rất nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp rất nặng” - bác sĩ Nguyễn Đình Thoại - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh, nói.
Một trong những giải pháp được các bác sĩ khuyến cáo để phòng tránh bệnh cho trẻ em chính là cần phải chủ động tiêm phòng đúng thời gian, đúng cách cho trẻ. “Việc tiêm phòng đầy đủ, đúng liều lượng sẽ giúp trẻ tăng khả năng miễn dịch, chống chọi với những loại bệnh có thể bùng phát theo mùa. Nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa chủ động trong trường hợp này” - bác sĩ Nguyễn Đình Thoại khuyến cáo. Theo ông Trần Văn Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế - dự phòng tỉnh, tỷ lệ trẻ được tiêm phòng ở trong toàn tỉnh đã đạt được 98,8%. Tuy nhiên, chỉ có 8 loại vắc xin miễn phí được hỗ trợ cho các cháu, còn lại vẫn phải tiêm theo dịch vụ. “Những loại vắc xin các bệnh như: thủy đậu, viêm phổi, viêm màng não, tiêu chảy, viêm não Nhật Bản B... là những loại mà Việt Nam ta chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng có giá thành đắt nên vẫn chưa thể hỗ trợ miễn phí. Mà những loại bệnh này lại dễ mắc phải trong giai đoạn giao mùa. Nên nếu có điều kiện thì nên cho trẻ được tiêm phòng những loại này để đảm bảo sức khỏe cho trẻ” - ông Hoàn cho hay.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng nên tìm hiểu thông tin cụ thể để có cách tiêm phòng hiệu quả cho trẻ em. Theo đó, phải tiêm phòng đúng thời gian, đúng độ tuổi thì vắc xin mới có thể phát huy hiệu quả tối đa. Như viêm não Nhật Bản B thì từ 9 tháng tuổi đến 5 - 6 tuổi thì tiêm là phù hợp; tiêu chảy thì từ tháng thứ 6 trở đi là có thể tiêm được, vì giai đoạn này trẻ thường gặp phải căn bệnh này... “Nhiều loại vi rút vốn dĩ đã có sẵn ở trong người, chỉ chờ đến khi có điều kiện là cơ thể yếu, suy nhược thì phát bệnh. Chính vì vậy, cần tiêm phòng để phòng chống bệnh. Các bậc phụ huynh cần phải chú ý đến thời gian tiêm phòng cho con của mình, đảm bảo đúng thời gian (2 tháng tuổi là bắt đầu tiêm phòng) để tránh những bệnh không đáng có” - ông Hoàn khuyến cáo.
Chị Trần Thị Diện, trú tại khối phố Mỹ Thạch Đông, phường Tân Thạnh, TP. Tam Kỳ cho biết, việc tiêm phòng cho đứa con 2 tuổi cũng không được đều đặn, đúng lịch. Chị Điệu chia sẻ: “Do đến ngày tiêm phòng thì cháu lại sốt nhẹ hay cảm cúm nên đành phải dời lại vào tháng sau mới tiêm, thậm chí là 2 tháng. Còn những loại vắc xin ngoài thì chỉ mới tiêm những mũi về viêm não mà thôi. Tôi cũng không biết là tổng cộng nên tiêm cho con những loại gì, thời gian nào và ở đâu”. Đó cũng là tâm lý chung của các bậc phụ huynh hiện nay là chưa biết nên tiêm phòng cho con thế nào cho phù hợp ngoài những loại đã được miễn phí, có lịch sẵn ở các trạm y tế xã, phường. “Hiện nay, ở trung tâm có sẵn tất cả những loại vắc xin cần thiết cho trẻ. Bất cứ lúc nào thấy sức khỏe của trẻ phù hợp thì có thể tiêm phòng để phòng tránh bệnh. Có nhiều người chủ quan với các loại bệnh như thủy đậu hay quai bị... vì cho rằng nguy cơ tiềm ẩn ít. Nhưng càng chủ quan thì càng dễ để lại di chứng cho trẻ. Nên tránh được chừng nào thì tốt chừng đó” - ông Hoàn thông tin thêm.
NGUYỄN DƯƠNG