Tuổi 90, bà vẫn muốn ở nhà mình để ngày ngày lo hương khói tổ tiên. Các con biết thế nên thôi năn nỉ mẹ rời ngôi nhà thân thuộc đến ở với chúng. Cô Hai và cô Ba có chồng làng bên thay nhau về chăm mẹ, ngày nghỉ thì cậu Bốn và cậu Út lại đưa vợ con trên phố về quê. Ngôi nhà nép dưới bóng xoài, nhìn ra đồng lúa, thoảng hương cau hương ổi ấy, nhờ vậy, luôn có tiếng nói cười.
Một đời dành dụm cộng với ưu đãi dành cho người già và gia đình chính sách khiến bà không khó về tiền bạc. Các con thường bảo, mẹ thích gì cứ tiêu, đừng tiết kiệm. Nhưng bà dè dặt, không tiêu hoang, tiền được xếp từ mệnh giá nhỏ đến to, để trong bao ny lon có dây chun ràng mấy bận, lại cẩn thận cài ghim ngang túi áo.
Đã có lần cô bán cá chạy xe qua ngõ, không đủ kiên nhẫn chờ bà mở túi tiền, liền chịu mất mối. Rút kinh nghiệm, mỗi khi định mua gì, bà lại chiết ra ít tiền để riêng trong bao gối.
Các con tùy tiện hạ giá khi mua đồ cho mẹ. Con cua trăm rưỡi thì nói ba chục ngàn đồng, cái bánh bao mẹ xuýt xoa khen ngon và rẻ vì con bảo chỉ có hai ngàn đồng, lạng tôm trên chợ hai chục ngàn đồng nhưng về nhà chỉ còn nửa tiền. Thế nhưng mẹ vẫn chê “mua nhiều quá”.
Con gái còn biến của biếu thành đồ thừa để không bị la là phung phí: “Con lỡ mua bộ đồ màu đà, mặc thấy già quá nhưng chắc hợp với mẹ”. Hay “Giường nhà con toàn mét tư, mét tám nhưng thằng cả ngu ngơ, mua chiếu trúc mét hai nên hụt đầu hụt đuôi; sẵn đây con thay chiếc chiếu cũ cho mẹ”.
Hiếm bậc cao niên minh mẫn như bà, cả những chuyện xưa xa vẫn được bà kể rành mạch chi tiết, ngồi nhà nhưng vẫn biết heo hàng xóm vừa đẻ mười con, lịch gieo sạ vụ này sớm hơn năm trước hay dưa gang đang được giá như tôm tươi. Nghe ai khen tinh tường, bà chẳng vui, còn khoát tay, ra vẻ không thích.
Con gặng hỏi, mẹ giãi bày: “Già mà lú lẫn, con cháu mới làm ăn phát đạt; tuổi cả đống mà cái gì cũng nhớ thì khác nào khôn hết phần con cháu”. Cậu Út cười phá lên, ôm lấy mẹ: “Người xưa đưa ra quan niệm ấy để động viên những đứa con vất vả nuôi dưỡng cha mẹ lẩm cẩm lúc về già đấy ạ. Cứ sáng suốt như mẹ của con, ai chẳng mong”. Vừa nói, cậu vừa giơ ngón tay cái để tái khẳng định lời mình. Con rạng rỡ khiến mẹ vui lây.
Khi vào độ gần đất xa trời, người ta thường buông bỏ tiền bạc. Cũng phải thôi, tuổi ấy lắm lúc muốn tiêu cũng chẳng được, thậm chí coi tiền không hơn tờ giấy là mấy. Bà thì khác, vẫn nhớ từng khoản thu chi, cộng trừ chính xác, ai vay tiền cụ mà chờ chủ nợ quên thì còn lâu.
Mỗi tháng, bà đưa tiền cho con gái mua sắm, còn thì cất lại, thỉnh thoảng đem ra đếm. Cậu Út tươi cười bảo, đếm tiền cũng là cách rèn trí nhớ. Cô Hai dài giọng: “Chẳng tiêu chi mà vẫn thích tiền, đếm khô cả nước miếng”. Tầm nửa năm hoặc lâu hơn, bà lại nhờ con gái đem tiền gửi tiết kiệm hoặc mua vàng; đổ ba phân vàng nhưng cũng nghe ngóng trên ti vi, chờ giá vàng quay đầu đi xuống.
Người thân hay bạn của con đến thăm chơi rồi biếu tiền, bà luôn từ chối hoặc lánh đi. Con thắc mắc, mẹ trải lòng: “Của biếu là của lo, trong khi mẹ không có điều kiện đáp lại, áy náy lắm”. Bà nhớ từng món quà bà con hàng xóm cho mình lúc ốm đau, có khi chỉ mấy trái cam hoặc hộp sữa, lại nhắc con đừng quên. Khi bà con lân cận gặp xui rủi hay có chuyện buồn, bà lại lọ mọ chống gậy đến chia sẻ, nếu ở xa thì bảo con thay mình làm điều tương tự.
Mỗi bận về thăm nhà, hai con trai không chỉ gửi tiền để các chị thêm vào chăm lo cho mẹ mà còn biếu riêng cụ chút ít. Của con (dù là cậu Bốn hay cậu Út), bà cũng chẳng từ chối bao giờ, dù chỉ vài lời khách sáo lấy lệ.
Thậm chí thấy con sắp về lại trên phố nhưng chưa gọi riêng ra và mở túi, bà còn khơi gợi xa xôi, rằng tháng này nhiều đám hiếu hỉ quá, rằng sắp tới chạp mả và khánh thành nhà thờ họ bên ngoại rồi. Trong khi hai cậu tươi cười mở ví thì hai chị quay đi, vẻ không hài lòng.
Các em vừa quay lưng, cô Hai hỏi khẽ: “Mẹ có tiêu gì đâu mà cần tiền thế?”. Cô Ba chen vào: “Các cậu ấy là công chức thu nhập thấp, chẳng bổng lộc, lại bao khoản chi tiêu, ở thành phố đến cọng rau cũng phải mua, thế mà mẹ chẳng hiểu…”.
Đáp lại là giọng ráo hoảnh, lạnh lùng: “Bọn hắn sẵn tiền càng hay nhậu, tốn của hại người, chứ quý gì”. Bà bảo, những lần lên phố với con cháu, thấy con tuần nào cũng nhậu, thế thì tiền đâu cho phỉ. Bà than giữa trời, công chức nhưng chẳng lo làm, toàn thấy ăn uống.
Cô Hai phì cười, cãi lại: “Các cậu ấy làm ở công sở, mẹ biết sao được. Còn về nhà không ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi thì làm gì?”. Bà lảng đi bằng cách ta thán việc lãng phí điện của dâu con: “Nhà chúng nó cứ sáng trưng mọi chỗ, máy lạnh và máy quạt chạy vù vù đêm ngày, ti vi không xem cũng mở suốt, xót cả ruột!”.
Nhà bà thì đừng hòng. Trước khi xỏ dép bước ra sân là quay lại tắt đèn, tắt quạt; chỉ cần một bóng neon là đủ sáng cả nhà trên nhà dưới. Xem ti vi buổi tối thì chỉ bật cái đèn ngủ mờ mờ hoặc nhờ ánh sáng từ màn hình. Con đem về bình đun nước siêu tốc và bếp điện, bảo là tiện lắm nhưng mẹ chẳng thèm đụng bởi con mới dùng mấy bữa mà tiền điện đã vọt lên trên trăm ngàn đồng một tháng. Bà hoảng, dẹp ngay mấy thứ hiện đại - hại điện.
Chuyện điện đóm khiến mẹ và con gái cự nự, bất bình. Cô Hai bảo “chẳng tốn bao nhiêu đâu” nhưng mẹ vẻ như không tin. Thẽ thọt ngọt ngào không được, con sỗ sàng: “Sống dầu đèn chết kèn trống mà điện lúc nào cũng tù mù như đom đóm đực, chịu sao thấu!?”. Mẹ vỗ về bằng cái lý rất chi thực tế: “Cứ thấy đèn sáng là đám thiêu thân và muỗi bay vô đầy nhà…”. Hoặc: “Trời nóng, nhìn ánh điện càng nóng thêm”. Con im nhưng ấm ức.
Cô Hai nhăn nhó, thổ lộ bực tức với cậu Út. Em lặng một lúc, chắc nghĩ mưu rồi quay qua chị, tươi cười: “Thôi, để em trả tiền điện cho”. Chị đắn đo: “Sức mấy mẹ chịu”. Cậu nheo mắt, ghé tai chị thầm thì: “Em đã có cách”.
Cậu bước lên nhà trên, nhìn mẹ, giả vẻ nghiêm túc: “Con có tin vui đây, ngành điện vừa quyết định cho những người 90 tuổi thuộc diện chính sách như mẹ được dùng điện miễn phí”.
Bà hoài nghi: “Nhiều người cùng cảnh như mình, sao không được?”. Con vẫn quyết nói dối đến cùng: “Mẹ có con làm trong ngành điện, phải được ưu tiên chứ”. Bà dửng dưng, chẳng tỏ vui mừng. Con gái hớn hở chen vào: “Đấy, mẹ nghe chưa, từ nay cứ dùng điện thoải mái”.
Nhưng tình hình ánh sáng nhà này vẫn không được cải thiện. Trước khi quay lưng, dù từ nhà trên xuống nhà dưới, bà cũng không quên tắt đèn, tắt quạt, tắt cả ti vi; lại hay nhắc con làm điều tương tự.
Nghe mẹ càm ràm vì để đèn sáng không phải lúc, con xoa dịu: “Điện miễn phí mà mẹ”. Bà nhìn con, chê trách: “Mình không trả tiền thì phải có ai đó chịu thay. Tiền của ai cũng quý chứ”. Vừa nói bà vừa với tay tắt cái quạt trên tường, khi thấy rèm cửa bay bay trong gió.
Mới đó mà giờ bà đã không thể ra khỏi nhà, cứ thích nằm, lại hay kêu mệt. Bà gọi bốn con về, căn dặn, cứ nhớ đâu nói đấy. Bà bảo, dù các con không ở quê nhưng hãy giữ nhà này thờ cúng tổ tiên; rằng hãy dùng tiền mẹ dành dụm lâu nay tu bổ mồ mả gia tiên, đừng xây mộ cha mẹ to đẹp hơn tiền nhân để khỏi lỗi đạo với bề trên; nhớ đền ơn đáp nghĩa bà con gia tộc và láng giềng đã giúp đỡ trong lúc hiếu sự.
Bà dừng lời, lần vào bao gối lấy hai túi vải nhỏ màu đỏ; lúc lâu mới cất giọng rời rạc, buồn buồn: “Khi các cháu ngoại có vợ có chồng, mẹ đã cho quà rồi. Các cháu nội thì còn nhỏ, mẹ chắc chẳng sống tới ngày chúng thành hôn nên dành sẵn cho mỗi đứa ba phân vàng đây…”. Bàn tay run run đặt cái túi nhỏ màu đỏ vào tay con. Hai cậu nhận quà mà quay đi, đưa tay lên khóe mắt, hai con gái cúi xuống, cố nén tiếng nấc đang muốn bật ra.
Chờ các con nguôi xúc động, bà mở túi áo lấy hai cái bịch ny lon màu đen được gấp gọn, đưa cho hai con trai: “Tiền hai đứa cho mẹ được dồn cả vào đây. Mẹ chẳng tiêu chi nhưng cứ giữ để các con khỏi phung phí. Giờ mẹ muốn cất giùm tiền cho con cũng không được nữa rồi…”.
Các con đứng lặng, khóc. Cô Hai bất chợt ôm mẹ, thảng thốt: “Con từng nghĩ sai về mẹ, mẹ ơi!”. Mẹ gạt nước mắt, nắm chặt tay con.