(QNO) - Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 12.4.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Tiên Phước đã và đang huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác chuyển đổi số.
Thời gian qua, huyện Tiên Phước đã chủ động rà soát hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo công tác triển khai xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Hiện nay, tại các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn đang vận hành 421 máy vi tính, 30 máy scan, băng thông internet trung bình tại UBND các xã trên địa bàn huyện là 100Mbps/xã, có 85/85 thôn/khối phố trên địa bàn huyện có sóng 3G/4G, 15/15 trạm y tế xã, thị trấn và 43/43 trường học trên địa bàn huyện có internet cáp quang. Hiện có 108/108 lãnh đạo tại các cơ quan, đơn vị và 15/15 xã có sử dụng chữ ký số chuyên dùng.
Huyện Tiên Phước đã chọn thí điểm 2 xã Tiên Châu, Tiên Cảnh làm chuyển đổi số cấp xã. Hiện nay 2 xã đã thành lập BCĐ Chuyển đổi số của xã, phối hợp với VNPT khảo sát hiện trạng hạ tầng viễn thông, hiện trạng sử dụng các dịch vụ viễn thông, y tế, giáo dục, sản phẩm du lịch, nông nghiệp và sản phẩm đặc trưng trên địa bàn xã và tổ chức tập huấn về tiếp cận, kỹ năng chuyển đổi số cho CBCC, các thôn trưởng, cán bộ, giáo viên trường mẫu giáo của xã.
Ông Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Tiên Châu cho biết: “Từ khi bắt tay vào triển khai chuyển đổi số, việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân rất nhanh. Trước đây, khi thực hiện một TTHC mất rất nhiều thời gian, còn bây giờ chỉ giải quyết xong TTHC trong vòng một giờ hoặc chỉ với một buổi/ngày, tạo thuận lợi cho người dân, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho họ”.
Đến nay, việc ứng dụng CNTT tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Tiên Phước đã được đồng bộ hóa nâng cao hiệu quả, hiệu suất làm việc, nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian cũng như phục vụ tốt cho công việc quản lý, điều hành. Hiện có 100% các cơ quan, đơn vị có sử dụng chữ ký số chuyên dùng. 100% cán bộ, công chức, viên chức tại các phòng, ban ở huyện và các xã, thị trấn đã được cấp tài khoản Q-office, địa chỉ mail công vụ.
Huyện đã vận động các doanh nghiệp, hộ dân ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên môi trường mạng, đăng sản phẩm đặc trưng để chào bán trên các sàn thương mại điện tử, trên các mạng xã hội; ứng dụng rộng rãi các hình thức thanh toán điện tử để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Các cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành đang được triển khai ứng dụng trên địa bàn huyện, như phần mềm quản lý trẻ em; phần mềm hộ nghèo; phần mềm cung cầu lao động; phần mềm bảo trợ xã hội; phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức; phần mềm VN Edu; sổ liên lạc điện tử; cơ sở dữ liệu ngành, phổ cập giáo dục... Việc ứng dụng các phần mềm trong công việc đã góp phần triển khai công việc nhanh, hiệu quả và tiết kiệm thời gian, kinh phí.
Cùng với đó, huyện đã và đang triển khai dịch vụ công của tỉnh, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, bưu chính công ích trên địa bàn huyện nhằm đáp ứng nhu cầu của cá nhân và doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cũng như tăng cường công tác cải cách hành chính của đơn vị.
Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, cho biết thêm: “Qua một năm triển khai, người dân đã nhận lại rất nhiều lợi ích. Triển khai chuyển đổi số, người dân ngồi nhà vẫn có thể giải quyết được các TTHC hoặc có thể tìm hiểu, nắm bắt được tất cả các thông tin có liên quan thông qua các app dùng chung mà tỉnh đã đưa vào sử dụng".
“Từ khi triển khai thực hiện chuyển đổi số đồng bộ đến người dân, và người dân đóng vai trò là chủ thể trong việc số hóa các dữ liệu liên quan, từ đó tạo thuận lợi trong việc quản lý, vận hành, khai thác. Đặc biệt là kết nối giao thương nông - lâm - thủy sản của bà con đến với các siêu thị và sàn thương mại điện tử được thuận lợi nhất”.
Thời gian tới, Tiên Phước tiếp tục chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước; sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý, điều hành, tác nghiệp trong quá trình tiếp nhận, theo dõi và giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính. Ưu tiên chuyển đổi số để mang lại nhiều lợi ích trong công tác quản lý nhà nước; trong phát triển ngành, lĩnh vực và đời sống kinh tế - xã hội của người dân, doanh nghiệp.