Nhạc sĩ Ngọc Phước vừa có buổi giới thiệu những ca khúc của mình, với chủ đề “Tiếng chuông”, tại Sài Gòn vào tối 30.9 ở Góc nhạc Zen Vegetarian (Bắc Hải - Tân Bình - TP.Hồ Chí Minh). Một đêm mưa lớn được xem là “đỉnh lũ triều cường” nước ngập cao nhất từ trước đến nay nhưng vẫn ấm áp, chân tình bởi nhạc hay và khán phòng đầy khán giả.
Đêm nhạc “Tiếng chuông” ở Sài Gòn của nhạc sĩ Ngọc Phước. Ảnh: N.H.H.M |
Thật bất ngờ mưa lại ập xuống thình lình không kịp trở tay dù trước đó một ngày nắng đẹp. Và cũng vì ngày nắng đẹp đó nên lòng mới hẹn lòng cùng một số anh em đi dự đêm nhạc “Tiếng chuông” của chàng nhạc sĩ quê Đại Lộc.
Công bằng mà nói, so với chất lượng của CD “Ngược dòng” do nhạc sĩ Duy Cường hòa âm phối khí thì đêm nhạc “Tiếng chuông” không gây ấn tượng cho tôi. Bởi những ca khúc của Ngọc Phước được hát lại trong tình trạng sân khấu chưa đúng chuẩn và ca sĩ nghiệp dư hơn. Lại “nổi trôi” khách quan giữa đêm mưa to, gió bão. Nói như thế không phải đánh giá thấp nhạc sĩ mà tôi đã đề cao cả về motif và giai điệu. Nhạc Ngọc Phước cần được chuẩn bị công phu và đầu tư nhiều hơn. Phải nghe được các bè chìm nổi, huyên áo của tiếng đại hồ cầm khi trầm uất, lúc vi vu trong bản phối của Duy Cường mới thấy độ sang trọng cũng như thừa mứa mức tẻ nhạt khi nghe lạc quẻ tiếng guitar thô hòa quyện khập khiễng tiếng kèn rồ như chỉ lấp vội vào khoảng trống của đêm.
Các ca sĩ Thanh Thảo, Huyền Trân, Tuyết Nhung, Phan Đạt Viên, Duy Dũng và chính nhạc sĩ Ngọc Phước đã trình bày 14 ca khúc của anh. Đáng chú ý là các ca khúc phổ thơ Về làm trẻ thơ (thơ Nguyễn Ly Uyên), Khoảng trống (thơ Huỳnh Minh Tâm), Mùa sưa em (thơ Nguyễn Tấn Đạt). Càng lúc nhạc Ngọc Phước càng đi sâu vào thiền ca, đối thoại với chính mình, lòng mình, với thiên nhiên nhiều hơn là nhịp sống tuôn chảy bên ngoài. Như kẻ tha hương chợt nhận ra cuộc kiếm tìm giữa chốn nhân gian này “không duyên” hay “vô duyên” với bản thể mình. Chỉ có “ta khóc tràn lan” và “ô hay quê nhà đây rồi” (Ngược dòng) mới thực sự là cuộc trở về cho tâm thức và nghệ thuật của chính mình. Hình ảnh cũng như hai chữ “tiếng chuông” âm vọng, lặp đi lặp lại trong âm nhạc anh mỗi lúc một dày và đầy. Tiếng chuông quê kiểng, dân dã cũng như tiếng chuông thức tỉnh, loang lổ sự đổ vỡ…
Ca sĩ Duy Dũng (Hội An) là người chiếm được tình cảm của khán giả đêm nhạc vì sự chân tình, nghệ sĩ cũng như nội lực đã chinh phục sân khấu bằng chính tiếng hát của anh. Bài hát Theo gió bay đi do anh trình bày nhận được nhiều hoa trong tiếng vỗ tay. Quán quân của “Tiếng hát mãi xanh” này vẫn giữ được lửa phong độ hút khán giả. Huyền Trân có tạo được phong cách nhưng xem ra cô đảm nhận bài hát Ngược dòng là quá sức mình. Thật đáng tiếc khi phải hát trên nền bản nhạc phối sẵn vốn rất công phu, thể thức mà chất lượng âm thanh khá tệ - thậm chí đang hát bỗng ò è, nhí nhóe rồi tắt phụt - của khán phòng. Nếu Tuyết Nhung là một nốt lặng thì Phan Lạc Viên là một dấu reo khi anh đã thành công với bài Khoảng trống thể hiện được thần thái nghệ sĩ. Và có thể xem là ấn tượng với những bài hát do chính nhạc sĩ, tác giả tự trình bày. Tâm tình, ru hồn được nhiều người nghe hơn khi anh biết điểm yếu mạnh, đậm nhạt trong biên độ bài hát lòng mình.
Khép lại đêm nhạc Tiếng chuông hình như đã có những tri âm đồng vọng. Đó là gương mặt của chàng trai trẻ chịu khó đem “chuông đi đánh xứ lạ” để gửi gắm tiếng lòng trong những sáng tác âm nhạc của mình. Tôi chia sẻ niềm vui cùng anh, nhạc sĩ Ngọc Phước. Không dễ có một đêm nhạc nhiều cảm xúc, nhiều khán giả giữa một đêm tràn đầy gió mưa Sài Gòn như thế. Và càng lắng đọng khi tiếng chuông đi qua cơ hồ còn lại rong khoảng lặng những tiếng vang dìu dịu…
NGUYỄN HỮU HỒNG MINH