Tiếng đàn Sáu Chi

PHƯƠNG GIANG - SONG ANH 16/03/2013 08:55

Gần 30 năm gắn bó với cây đàn guitar, rồi “phổ cập” guitar cho cả xóm, tiếng đàn Nguyễn Văn Chi (49 tuổi, ở thôn Xuân Hòa 1, xã Phước Ninh, Nông Sơn) dần nức tiếng khắp huyện. Gặp anh, bà con gọi bằng “nghệ danh” thân thuộc: Sáu Chi.
“Ban nhạc gia đình”

“Ngút ngàn bờ bãi bên thượng nguồn sông Thu, Nông Sơn cùng vùng quê yên bình không biết tự lúc nào đã ươm trong tôi tình yêu với tiếng đàn, với âm nhạc” - Sáu Chi chia sẻ. Thời ấy, cả Trung Phước chỉ có được vài cây đàn, nên một cây guitar là ước mơ lớn của Sáu Chi thời trai trẻ. Anh kể, thấy người khác đàn, ghiền lắm, nhưng không dám đụng vô vì sợ… đứt dây không đền được. Rồi anh cũng dành dụm đủ tiền mua một cây guitar, mày mò tự học. Khi bạn bè có dịp xuống phố hay đi làm ăn xa, anh đều nhờ tìm mua sách rồi về vùi đầu tự tập. Say mê, sẵn với năng khiếu thiên bẩm, dần dà ngón đàn của Sáu Chi trở nên điêu luyện hơn.

Truyền niềm đam mê cho cậu con trai út với cây đàn guitar. Ảnh: A.G
Truyền niềm đam mê cho cậu con trai út với cây đàn guitar. Ảnh: A.G

“Sân khấu” biểu diễn lang thang trong xóm theo kiểu góp vui, tiếng đàn guitar Sáu Chi trở thành trung tâm của nhiều cuộc vui xóm làng. “Trong làng cũng có người này người kia biết chơi, nhưng phần lớn bà con xóm làng quý tui vì cái tánh. Tánh tui hòa nhã, dễ gần, lúc đánh guitar thì gần như nhập tâm, lại không nề hà chuyện ăn uống, quà cáp, chủ yếu là đam mê thôi” - anh cười. Đam mê, như anh tâm sự, nên mỗi dịp gặp một tay trống, tay đàn là lại có thêm một người bạn. Hễ có dịp là băng đò lội sông đến với nhau, đàn hát suốt đêm. Tất bật với ruộng đồng, cơm áo mưu sinh, chơi đàn chỉ là một niềm đam mê, không phải lúc nào cũng có điều kiện giao lưu nhưng mỗi lần gặp mặt là lại như sống một đời sống khác, làm một con người khác.

Dần dà, “ban nhạc” toàn những nghệ sĩ làng ấy được mọi người biết đến, rồi xuất hiện trong những dịp văn nghệ, lễ lạt. Họ được nhiều nơi nằng nặc mời về mỗi khi có hội hay dịp trọng đại nào đó. Hai người em của Sáu Chi cũng bắt đầu tập tành chơi guitar, organ, thêm tay trống nữa là đủ một “ban nhạc gia đình” như anh gọi vui. Nghề chơi nhạc đi đó đi đây, lại không có lịch cố định, nhiều khi khó sắp xếp chuyện nhà và công việc đồng áng. Vì thế, không ít lần ban nhạc… thiếu người do anh em không tham dự, nhưng Sáu Chi vẫn duy trì, vẫn hết mình bằng niềm đam mê. Hợp rồi tan, rồi lại lập một ban khác, để phục vụ đám cưới, văn nghệ. “Nhiều khi thù lao một ngày đi về, sau khi trừ lại cho việc thuê người làm đồng, cũng chẳng dư dả được bao nhiêu. Nhưng ở quê, cái tình vẫn quý hơn cả. Người ta quý mình, lặn lội tới nhà mình mời, không nhận lời cũng không được” - anh nói.

Bây giờ, Sáu Chi đã trở thành “thương hiệu” ở cả huyện. Đi chơi nhạc nhiều hơn, thường xuyên hơn, nhưng anh vẫn giản dị, hòa nhã, về với làng vẫn nhiệt tình góp vui trong xóm. Căn nhà nhỏ của anh ở đầu xóm, tiếng guitar vẫn vang lên mỗi khi anh ở nhà.

Đàn cha, duyên con

“Cây đàn nhỏ ni mang lại cho tui nhiều thứ, trong đó có… một đứa con rể”, anh với lấy cây đàn, khoe. Nói đoạn, anh đứng dậy lục tìm xấp ảnh đứa cháu, hồ hởi : “Cháu ngoại tui đó, quốc tịch Thái Lan, khoảng tháng nữa là hai mẹ con nó về thăm ông bà ngoại”.

Chuyện xảy ra đã lâu, nhưng mỗi lần kể lại, anh vẫn rưng rưng. Gần 5 năm trước, vay được 20 triệu đồng, anh dắt díu cả nhà ra Hòa Khánh mở quán nhậu vỉa hè, vốn liếng chỉ là mái bạt xập xệ và mớ bàn ghế nhựa. Từ quê ra phố, cuộc mưu sinh nhọc nhằn không thay đổi được cuộc sống của gia đình, bán buôn tất bật, bon chen nhưng anh vẫn không rời cây đàn guitar. Mỗi lúc rảnh hay vắng khách, anh lại với lấy đàn. Rồi một nhóm khách đi ngang dãy quán vỉa hè. “Hồi đó không ai dám ra mời, mấy quán bên cạnh cũng dè dặt tại vì mấy thanh niên đó để tóc dài, mặt quần đùi, nhìn hơi bặm trợn. Tui đang chơi đàn, họ thấy rồi xì xầm, rẽ vô quán. Nhìn cũng ớn, nhưng mà khách vô thì đâu dám đuổi, rồi mới biết họ là người Thái”, anh nhớ lại. May nhờ có người phiên dịch, sau một hồi Sáu Chi mới biết họ là những kiến trúc sư đang tham gia xây dựng công trình trên đỉnh Bà Nà. Khách ưa ông chủ quán nghệ sĩ, thi thoảng cuối tuần lại xuống ghé quán anh, phần vì tiếng đàn, phần vì… cô con gái. Dần dà, một chàng kiến trúc sư trong nhóm để ý cô con gái anh, mày mò tự học tiếng Việt, làm quen, và cô gái cũng phải lòng lúc nào không hay.

“Hồi đó tui cấm dữ lắm, nghĩ cảnh con gái mình lấy chồng ở tuốt Thái Lan, khác biệt văn hóa, ngôn ngữ, rồi biết bao lâu mới về, rứa là không cho. Được thời gian, phần vì bán buôn ế ẩm, phần vì chuyện con gái nữa, tui dẹp quán, quyết dắt díu vợ con về quê. Rứa mà hai đứa nó vẫn liên lạc, rồi thằng rể lặn lội lên tới nhà mấy lần. Thấy hai đứa nó thương nhau quá, tui gả với yêu cầu làm đám cưới theo đúng phong tục của ông bà mình” - anh chia sẻ. Bây giờ, đứa cháu ngoại đã chập chững tập đi, còn con gái anh thì theo chồng sang định cư hẳn ở Thái Lan, gần tháng nữa cả gia đình mới về lại Việt Nam thăm ông bà ngoại.

Con gái lấy chồng xa, hai vợ chồng anh ở nhà với cậu con trai út, cũng là một tay guitar xịn trong xóm. Cây đàn guitar cũng theo anh “phổ cập” cho cả xóm, thành ra bây giờ chỉ cần đem cây đàn guitar ghé vào đầu làng cuối xóm, kiểu gì cũng có một tay đệm guitar phục vụ. Anh vẫn đi đánh nhạc mỗi khi có người mời, không ngại đường xa, không ngại mức thù lao chỉ vừa đủ trang trải cho gia đình, với nghệ danh thân thuộc: Sáu Chi.

 PHƯƠNG GIANG - SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếng đàn Sáu Chi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO