Tiếng gọi nơi hoang dã

C.B.L 16/03/2018 08:37

Cá thể rùa biển nặng 25kg sau khi mắc lưới của một ngư dân đã được Ban Quản lý bảo tồn biển Cù Lao Chàm tiếp nhận, thả về đại dương. Một ngư dân khác ở Quỳnh Lưu cũng bàn giao cá thể rùa 5,5kg để Chi cục Thủy sản Nghệ An thả về biển. Ở xã vùng cao A Ting (Đông Giang, Quảng Nam), một người dân tốt bụng phát hiện một cá thể voọc chà vá chân nâu đã chủ động bàn giao để các cán bộ kiểm lâm đưa về nuôi tạm tại Trạm kiểm lâm Dốc Kiền; khi sức khỏe con vật khá hơn, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam gửi văn bản đề nghị Trung tâm cứu hộ linh trưởng Vườn quốc gia Cúc Phương tiếp nhận…

Những thông tin đăng tải “dồn dập” chủ đề thả động vật hoang dã về thiên nhiên trên Báo Quảng Nam và các báo Môi trường & cuộc sống, Tiền Phong… trong những ngày qua không chỉ là bản tin thời sự, mà độc giả còn “đọc” được nhiều thông điệp khác. Đó là sự giao hòa con người - thiên nhiên, và đặc biệt hơn, không phải loài vật quý hiếm nào cũng bị… giết thịt, làm mồi nhậu.

Trang mạng xã hội Facebook hồi cuối năm 2015 từng nóng bởi bức ảnh một cán bộ khuyến nông - khuyến lâm Tây Giang kéo căng một con chồn bay (thuộc nhóm động vật nguy cấp quý hiếm) và lý giải rằng chụp hình để… lưu giữ, sau này có dịp sẽ tuyên truyền về việc không nên săn bắt động vật hoang dã (!). Cũng trong năm 2015, chính quyền xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên) xử phạt 6 triệu đồng đối với 4 người tham gia giết hại 2 rồi chụp ảnh đăng Facebook, cho dù những chú chồn này thường xuyên lẻn xuống tấn công trại nuôi vịt của họ… Chính vì vậy, tin tức về các đợt thả động vật về với thiên nhiên đã âm thầm quảng bá cho một nếp sống văn hóa mới, làm nên những câu chuyện xúc động và có ý nghĩa thức tỉnh mạnh mẽ còn hơn vạn câu khẩu hiệu suông kiểu như “hãy bảo vệ thiên nhiên”.

Vì sao? Khi vẫn còn hàng đoàn người đang lùng sục, giăng bẫy khắp hang cùng ngõ hẻm để truy bắt vật lạ mang về xẻ thịt, khi giới yêu động vật vẫn đang khản cổ kêu gọi bảo vệ sự đa dạng sinh học…, thì chỉ cần một chút tâm hướng thiện trỗi dậy, nhiều người dân sẵn lòng cứu các loài quý hiếm và trả chúng về với thiên nhiên.

Giới chuyên môn đã phải vất vả để “hồi sinh” bãi đẻ trứng cho rùa biển ở Cù Lao Chàm, thậm chí đi hàng ngàn cây số để mang trứng rùa về ấp. Khi rùa đủ sức ra biển, chính các chuyên gia và ngư dân làm “lễ” thả và chờ ngày chúng trưởng thành, quay lại nơi chốn cũ đẻ trứng như tập tính muôn đời. Đã đến lúc con người lắng nghe kỹ hơn những tiếng gọi nơi hoang dã, để “hoang dã” trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của chúng ta.

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếng gọi nơi hoang dã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO