Tiếng hát át tiếng roi

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 23/01/2015 09:13

Nhà tù Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1862. Trải qua 113 năm tồn tại, đã có hàng chục vạn lượt cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu nước bị địch bắt giam cầm, trong đó có hàng nghìn người con ưu tú của Quảng Nam. Mặc dù bị đàn áp, đánh đập tra tấn dã man nhưng người tù vẫn một mực trung thành với Đảng, với nhân dân và đồng đội. Họ đã tổ chức nhiều hoạt động để đấu tranh chống lại các thủ đoạn thâm độc của địch.

Ông Nguyễn Ngọc Thọ, thôn Thanh Đông (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) cho biết: “Ngoài các hình thức đấu tranh như tuyệt thực dài ngày, mổ bụng, đập phá trại giam, người tù còn tổ chức các chương trình văn nghệ chào mừng các ngày lễ tết trong năm, hay mỗi khi bị địch đàn áp ở các phòng lân cận. Đây là hình thức không chỉ gây thanh thế cách mạng mà còn là lời kêu gọi bạn tù hãy can đảm và mạnh dạn lên vì còn có đồng đội, đồng chí bên mình. Các bài hát phần lớn là những tiết mục tự biên do những người tù sáng tác. Lúc đó tôi thường ngâm bài thơ “Đây là đất Côn Sơn” của bạn tù Nguyễn Hoàng Linh, quê ở phường Hòa Hương, Tam Kỳ”. Nói đến đây ông Thọ cất tiếng ngâm với chất giọng đau buồn nhưng đầy cảm xúc: “Đây Côn Sơn pha màu bằng máu/ Đất Côn Sơn năm sáu lớp xương người/ Mỗi bước đi che lấp cả cuộc đời/ Mỗi tảng đá là một linh hồn đau khổ/ Đây Côn Sơn thịt rơi, máu đổ/ Có Ma Thiên Lãnh, cầu tàu/ Nước sẽ đổi thay đầy đủ chất màu/ Uống một hớp đã làm đau cái chết/ Ma Thiên Lãnh, cầu tàu ai có biết/ Bãi Hàng Dương chết vùi bao số phận/ Hết lớp này, lớp khác chồng lên/ Mặt phẳng lỳ, không ngôi mộ nhô lên/ Không ghi nhớ cũng chẳng cần tên họ/ Lê Hồng Phong, Võ Thị Sáu danh tiếng còn đây/ Đã đau thương với kẻ thù này/ Anh em ơi! Các tù nhân còn lại trên hải đảo này/ Hãy giương lên, giương lên!”.

Ông Nguyễn Ngọc Thọ thăm lại nơi ông bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo.
Ông Nguyễn Ngọc Thọ thăm lại nơi ông bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo.

Ở nhà tù Côn Đảo, các phòng giam được cách ly bằng những mảng tường bê tông dày hơn 40cm nhưng các tù nhân đã đục thủng một lỗ nhỏ ở sát chân tường để trao đổi tin tức với nhau. Nhiều khi địch canh phòng cẩn mật, những người tù có sáng kiến dùng vật cứng gõ vào tường theo tín hiệu mã móc-xơ để bạn tù dễ nhận biết và dịch ra thành văn bản nhằm triển khai thực hiện theo sự thống nhất. Nhiều khi đang dịch mật mã thì bị phát hiện, địch vào phòng giam đàn áp, đánh đập dã man hòng bắt người tù khai nhận tổ chức. Mỗi lần như vậy, các phòng giam bên cạnh lại cất vang tiếng hát với những bài ca quen thuộc nhằm át tiếng đòn roi của địch, nhưng cái chính vẫn là tạo dựng lòng tin để bạn tù nén đau, tin tưởng ngày mai trời sẽ sáng, đất nước sẽ được thống nhất, cuộc cách mạng sẽ đi đến thắng lợi, địch sẽ hoàn toàn thất bại trước sự can đảm và hy sinh của những người tù.

Ông Nguyễn Trường Cửu, thôn Tỉnh Thủy (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) có hơn 5 năm bị địch bắt cầm tù ở Côn Đảo, tham gia nhiều cuộc đấu tranh cách mạng ở trong ngục. Bị địch dùng mọi thủ đoạn tra tấn nhưng ông vẫn hăng say tham gia chương trình văn hóa. Vốn là người có lợi thế về dân ca khu 5 nên mỗi lần tổ chức văn nghệ ông đều thể hiện những làn điệu dân ca mượt mà và sâu lắng. Ông Cửu kể: “Tôi bị địch bắt năm 1969, qua các nhà tù ở đất liền, đến đầu tháng 2.1970 bị bọn chúng đày ra Côn Đảo. Tôi được các bạn tù đưa vào đội văn nghệ và đã tham gia tổ chức thành công chương trình văn nghệ mừng xuân, mừng Đảng nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1970. Lần ấy tôi thể hiện bài “Tôi đi giữa quê hương” bằng một làn điệu dân ca khu 5, được bạn tù tán thưởng. Dù thời gian đi qua đã lâu nhưng tôi vẫn còn nhớ như in nội dung”. Trầm ngâm trong giây lát, rồi ông cất tiếng hát: “Tôi đi giữa quê hương trong một ngày đầu mưa phùn và nắng ấm/ Xuân đẹp lắm như tuổi em mười tám, đầy hoa hồng và mơ ước tương lai/ Mười mấy năm hiến dâng cuộc đời cho cách mạng/ Tôi đã vượt qua bao lần bão tố, lòng tôi bừng bừng sinh lực/ Đường tôi đi lắm gai nhọn cũng nhiều hoa/ Bên tôi có em bé, mẹ già/ Chưa được gần nhau đừng buồn em nhé/ Dù tù đày không sợ, dù chia ly chồng chất tháng năm/ Hai chúng ta vẫn mãi mãi là xuân, vẫn mãi gần nhau bên hạnh phúc/ Chưa bao giờ trời đẹp tựa sáng nay/ Xuân của đất trời, xuân của cỏ cây, xuân của quê hương, của những ngày vùng dậy/ Xuân báo hiệu một mùa hè nắng cháy, quả chín trên cành trĩu ngọt hương thơm/ Từ ở bên kia sông Lô bót địch đen ngòm, vùng giải phóng đang từng giờ mở rộng/ Trên đầu tôi cờ sao bay lồng lộng, trên vai tôi nòng súng kết đầy hoa/ Bên tôi có em bé, mẹ già/ Mới gặp nhau quen hơn tình ruột thịt/ Tuy tôi ăn đói, mặc rách song có quê hương trọn vẹn bên mình/ Tay tôi ôm ghì lấy biển rộng, trời xanh/ Nghe tiếng con ai khóc thương lừng bên má/ Mười mấy năm rồi chưa một ngày về thăm mạ, thăm em/ Chưa cùng ai ngồi tựa dưới ánh đèn/ Để ăn bánh, uống trà đón mùa xuân mới/ Có cần gì đâu em ơi! Hãy đợi anh trở về khi tất cả là xuân”.

Ông Nguyễn Trường Cửu cho biết thêm: “Những ngày mùa thu năm 1971, nhân kỷ niệm 26 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2.9 và kỷ niệm 2 năm ngày mất của Bác Hồ, tôi đã thể hiện một bài thơ cũng bằng làn điệu dân ca khu 5, mang tình cảm thiêng liêng của mình đối với Đảng kính yêu, Bác Hồ vĩ đại. Nhưng chưa thể hiện hết bài thơ thì địch đập cửa xông vào bắt tôi đưa đi biệt giam và đánh cho một trận nhừ tử. Lần đó tưởng chừng như đã xuống Hàng Dương (nghĩa trang Hàng Dương - NV) rồi, nhưng nhờ bạn tù đút cho từng miếng cháo, muỗng hồ đến 3 tháng sau mới ăn cơm được. Tôi xin hát một vài đoạn còn nhớ để mọi người cùng thưởng thức: Nghe tin Bác mất bỗng trời đổ mưa/ Gió về thổi mát vườn dừa/ Dừa chưa đón Bác, nước chưa thỏa lòng/ Miền Nam chín ước mười mong… Đau lòng con lắm Bác ơi/ Thắt lưng buộc bụng một đời vì dân/ Vì dân lội suối trèo non/ Từ hồi mười bảy tuổi nay đã tròn tám mươi/ Bác ơi cho con khóc nên lời/ Cho tim đỡ héo, cho người bớt khô/ Bác về còn lại tiền đồ/ Cho con vun đắp nấm mồ Bác thêm… Bác về nhiệm vụ vẫn còn/ Quân dân chính đảng lo tròn Bác ơi…”.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã từng được nghe nhiều người nói “tiếng hát át tiếng bom”, nhưng câu “tiếng hát át tiếng roi” thì là lần đầu tiên người viết bài này được nghe nhắc đến từ những người tù chính trị ở nhà tù Côn Đảo. Họ là những người kiên trung, bất khuất, anh dũng đấu tranh vì sự tồn vong của dân tộc, vì độc lập tự do của Tổ quốc. Dù còn hay đã mất, họ đều là những người bất tử và vẫn mãi mãi là xuân như lời bài hát mà họ đã từng thể hiện.

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếng hát át tiếng roi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO