Trên địa bàn huyện Thăng Bình có 76 mô hình “Tiếng mõ an ninh” được thành lập và hoạt động hiệu quả, góp phần cùng chính quyền địa phương giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Bình Dương là xã có các tuyến đường giáp ranh với 2 xã Duy Nghĩa và Duy Hải của huyện Duy Xuyên. Trước đây, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn có những diễn biến phức tạp, vì thế Ban công an xã đã tham mưu cho UBND xã thành lập các mô hình tự quản về an ninh trật tự. Đó là các mô hình “Tái hòa nhập cộng đồng dành cho các đối tượng có tiền án tiền sự, nghiện hút”, “Tự quản an ninh của thôn Cây Mộc”, và mới đây nhất là mô hình “Tiếng mõ an ninh”. Ông Trần Văn Tùng - Trưởng Công an xã Bình Dương cho hay, với các mô hình đã ra mắt, bước đầu hoạt động có hiệu quả. “Các tuyến đường trong tổ tự quản thường nằm song song với nhau, một khi có động là đối tượng có thể nhanh chân tẩu thoát ra khỏi địa bàn xã. Do vậy, địa phương đã tìm cách khép chặt các tuyến đường đó lại bằng cách liên kết chặt chẽ của các tổ. Nhờ đó, lực lượng dân phòng đã xử lý được nhiều tình huống phát sinh, khắc phục dần tình trạng mất an ninh, đưa sinh hoạt trên địa bàn đi vào nền nếp” - ông Tùng nói.
Theo quy chế hoạt động của mô hình “Tiếng mõ an ninh” được xây dựng ở các địa phương hiện nay, mỗi gia đình trong khu dân cư tự trang bị một cái mõ tre, gậy, dây và đèn pin. Mõ được treo ở những nơi thuận tiện nhất để dễ dàng thao tác khi có vụ việc xảy ra. Bà con trong khu dân cư giao ước, khi có một gia đình gõ mõ báo động, lập tức tiếng mõ của các gia đình khác cũng vang lên. Ngay sau đó tổ tự quản cử người chốt chặn ở cổng ra vào khu dân cư, không cho đối tượng tẩu thoát ra ngoài, những người còn lại cùng nhân dân truy bắt tội phạm. Ngoài ra, bà con trong khu dân cư cũng quy ước số lượng tiếng mõ được gõ để mọi người biết cùng chung tay cứu hộ, cứu nạn trong những tình huống lũ lụt, hỏa hoạn xảy ra. Sau khi xử lý xong vụ việc, Tổ trưởng tổ tự quản có trách nhiệm đánh mõ 3 hồi dài để tập hợp bà con lại để đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm. Cách thức sử dụng mô hình rất đơn giản nhưng lại huy động được tối đa sức mạnh đoàn kết của công đồng trong việc khống chế các vi phạm.
Theo Trung tá Nguyễn Đình Đức - Đội trưởng Đội xây dựng phong trào (Công an huyện Thăng Bình), thực tế cho thấy hoạt động của mô hình tiếng mõ an ninh đã hạn chế tình trạng mất an ninh trật tự, ổn định đời sống ở làng mạc, thôn quê, giúp bà con yên tâm xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh. Huyện Thăng Bình hiện có 76 mô hình tiếng mõ an ninh hoạt động hiệu quả. “Các địa phương khác nên chú trọng tuyên truyền để huy động sức mạnh của toàn thể nhân dân tham gia, phòng chống tội phạm, xây dựng đời sống thôn quê ngày càng văn hóa, văn minh hơn” - Trung tá Đức nói. Có thể nói, đây là mô hình giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm dễ thực hiện, huy động kịp thời quần chúng nhân dân trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Duy trì và phát huy được hiệu quả của mô hình này là điều cần thiết, tạo ổn định sinh hoạt cho khu vực nông thôn Thăng Bình.
VIỆT QUANG - THÀNH CHÂU