Tiếng thở dài trên non...

Phóng sự của: ĐĂNG NGUYÊN 14/07/2018 07:23

Hè nắng cháy. Từ trên những mái nhà được dựng tạm cao chừng 2m, hơi nóng phả xuống hầm hập. Cũng từ trong những căn nhà ấy, giữa trời trưa nắng, khói bếp tỏa ra nghi ngút, khiến chúng tôi một phen sặc sụa.

Những ngôi nhà mới được dựng lên tại điểm dân cư mới Arui để kịp theo tiến độ... giải ngân nguồn vốn. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Những ngôi nhà mới được dựng lên tại điểm dân cư mới Arui để kịp theo tiến độ... giải ngân nguồn vốn. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Hơn nửa năm trôi dài, những con người sống trên lưng chừng núi cao này vẫn chịu đựng cảnh chật vật, sau cuộc chạy đi tránh “họa núi đè” từ phía ngọn đồi Arui cách nơi hiện tại chừng 5km. Câu chuyện ùa về khi người đàn bà trạc 50 mùa rẫy ví thời khắc chạy trận lở đất vào cuối năm ngoái hệt như một cơn ác mộng, đến nỗi chẳng kịp giữ chặt chiếc váy mà họ đang mặc trên người...

Câu chuyện làng mới

Những người ở làng Arui (xã Dang, huyện Tây Giang) nhìn chúng tôi với vẻ mặt khá rụt rè. Song, những lạ lẫm ban đầu nhanh chóng tan biến, khi lời Cơ Tu được nói ra, trở thành ngôn ngữ duy nhất được giao tiếp cho đến khi bước chân chúng tôi rời khỏi làng. Một cụm dân cư Arui mới đang hình thành trên mặt bằng được tận dụng phía sau một trường mẫu giáo. Hơn 14 hộ dân được bố trí ở trên diện tích khá chật hẹp - chưa đầy hai nghìn mét vuông. Nắng như người ta đổ mật xuống mặt đất tái định cư, ngổn ngang những khúc gỗ - vật liệu để người làng chuẩn bị dựng những căn nhà mới.

Nguồn ngước tự chảy duy nhất phục vụ cho 14 hộ dân ở Arui.
Nguồn ngước tự chảy duy nhất phục vụ cho 14 hộ dân ở Arui.

Có khách, Trưởng thôn Arui - Abing Bhông bước vội lên sàn bếp phía sau căn nhà mới đang trong quá trình hoàn thiện, dọn dẹp bớt những đồ dùng sinh hoạt gia đình để có không gian đón khách. Ông Bhông vừa trở về từ ủy ban xã, sau cuộc họp thường kỳ, xong lại vội vã phóng chiếc xe máy xuống một cụm dân cư khác của Arui, để họp bàn với kiểm lâm về chuyện giữ rừng. Cụm dân cư Arui mới chỉ lác đác những người già và trẻ nhỏ. Tiếng máy nổ chát chúa vọng giữa rừng, những nhóm thợ vẫn miệt mài với công việc. Họ là những người thợ trẻ Cơ Tu trong xã, nhận dựng nhà cho người dân ở Arui từ gần nửa tháng nay, khi người làng nhận chủ trương phải hoàn tất nhà cửa trước 27.7 - thời hạn cuối cùng để địa phương giải ngân nguồn ngân sách từ Ban Cứu trợ tỉnh phân bổ cho các đối tượng bị thiên tai năm trước. Mỗi căn nhà được hỗ trợ 40 triệu đồng. Nhưng cũng chỉ có 5 ngôi nhà được dựng lên tại làng mới Arui này, còn lại vẫn phải chờ mặt bằng mới - hiện trong quá trình san ủi, khiến nỗi lắng lo của người dân lại càng nặng trĩu. “Nhiều hộ chừ đã có vật liệu để dựng nhà hết rồi, nhưng do thiếu thợ làm nên cũng để không. Hơn nữa, mặt bằng phía dưới bố trí 20 hộ dân khác cũng chưa được hoàn thành, nên phải chờ thôi” - ông Bhông nói.

Gấp rút hoàn thiện mặt bằng tái định cư Arui

Làng Arui có 63 hộ với 250 hộ dân đồng bào Cơ Tu, trước đây được bố trí tại 2 mặt bằng dân cư tập trung. Tháng 11.2017, một trong 2 mặt bằng dân cư bị sạt lở nghiêm trọng do ảnh hưởng của cơn bão số 12, khiến 19 ngôi nhà bị nứt và sụt lún, cùng hàng chục căn nhà khác bị sạt lở từ phía ta luy dương đe dọa. Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng di dời khẩn cấp 44 hộ dân ở Arui về vị trí an toàn, trước khi có phương án hỗ trợ mặt bằng dân cư mới.

Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, ngoài 14 hộ dân được bố trí tại mặt bằng phía sau điểm Trường Mầm non Arui, hiện địa phương chỉ đạo gấp rút hoàn thiện mặt dân cư mới, nhằm đảm bảo sớm có chỗ ở ổn định cho hơn 20 hộ dân Arui chuyển về từ làng cũ. Công tác san ủi mặt bằng, đưa người dân về định cư sẽ được thực hiện hoàn tất trước mùa mưa bão năm nay. “Hiện đã có nhiều hộ dân đã dựng xong nhà, đảm bảo cuộc sống tại mặt bằng tái định cư mới” - ông Linh nói.

Khấp khởi cho những dự án của làng, khi trực tiếp chứng kiến từng ngôi nhà mới dần được hoàn thiện, già làng Bh’nướch Bhúh nói mọi thứ như một giấc mơ. Hơn nửa năm ở căn nhà tạm chật chội dọc theo tuyến đường về trung tâm xã, nhà mới - dù không khang trang như nhiều nơi khác, nhưng với họ đã là một may mắn tột cùng. Rồi ông cười. Nụ cười ẩn giấu nhiều nỗi lòng của người già làng vùng cao đã qua bao mùa rẫy hạn. Trời vẫn đứng gió, nắng nóng hầm hập trên từng mái tôn. Ông nhìn về khu mặt bằng phía sau căn nhà tạm của mình, rồi thở dài. Bao giờ xong? Câu hỏi đó, người làng ngày nào cũng nghĩ, nên cũng chẳng buồn trả lời.

Nỗi khắc khoải ngày dài

Quá trưa, những người phụ nữ từ rẫy trở về làng, mồ hôi như tắm. Ngồi thẫn thờ dưới bậc thềm căn nhà bếp được dựng tạm cách đây ít tháng, chị Avô Thị Lư thở dài, với tay rót chén nước đầy từ trên gác bếp, uống ực hơi cạn, rồi dùng nắp xoong làm quạt, giọng hổn hển: “Chuyển về đây, nhưng khu rẫy, khu ruộng cũng đều phía bên kia hết. Ngày nào cũng đi bộ đường rừng gần 5 cây số. Mệt lắm!”. Phía bên kia dãy núi, nơi chị Lư vừa trở về là khu đất sản xuất của người làng Arui, từ ngày còn ở mặt bằng cũ. Đường xa, lại cách trở. Nhưng chị Lư nói, cũng đành phải chấp nhận vậy thôi. Là bởi, ở khu mới này, ngoài đất để dựng nhà, cũng chẳng có miếng nào để sản xuất trồng trọt và chăn nuôi. Thế nên mới nhớ, lúc ngồi trò chuyện cùng Trưởng thôn Abing Bhông, ông nói một tràng, đại ý ngoài điện thắp sáng và mặt bằng dân cư chưa đảm bảo, người dân trong làng còn thiếu cả đất và nước. Nghĩa là, thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt, khi chuyển về mặt bằng dân cư mới này. “Người dân mong muốn Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ mở đường vào khu sản xuất, chứ ở vị trí này mà đi làm quá xa, cũng rất khó khăn. Rồi hệ thống nước sinh hoạt nữa, cả làng mấy chục người nhưng chỉ có một nguồn nước được kéo bằng ống về. Mùa nắng hạn như chừ, nước cũng không đủ dùng để uống, chớ đừng nói chi đến tắm giặt” - Trưởng thôn Bhông phân trần.

Người dân địa phương chất gỗ ven đường, chờ mặt bằng mới được hoàn thiện.  Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Người dân địa phương chất gỗ ven đường, chờ mặt bằng mới được hoàn thiện. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Mong mỏi của ông, cũng là mong mỏi chung của người làng ở Arui này, sau nhiều tháng sống trong cảnh “lều tạm, nước thiếu”. Rồi ông kể thêm, cứ mỗi buổi sáng, khu vực vòi nước phía đầu đường đi vào mặt bằng tái định cư luôn trong tình trạng “quá tải”. Mọi người xếp hàng để súc miệng, rửa mặt và hứng từng can nước về dùng. Chị Lư, cũng như nhiều hộ dân khác ở Arui này, kể từ hồi mới chuyển về tránh trận núi lở cho đến bây giờ, cũng đến 4 - 5 lần di chuyển vị trí dựng căn nhà tạm. Lúc đầu là cạnh đường đi về xã, sau chuyển dần sang vị trí mặt bằng hiện tại, nhưng cũng khá chật chội. Chị Lư nói, ước gì cuộc sống vẫn như trước đây, nơi làng cũ. Dù nghèo khó, nhưng lại khá ổn định. Niềm vui cứ thế lớn lên theo từng ngày, cùng ruộng nương, cùng dân làng trong những ngày hội lúa mới. Lẫn trong câu chuyện của chị, phảng phất hoài niệm về quá khứ, bay theo cơn gió ngày hè bỏng rát, xa xăm.

*
*             *

Gian khó vẫn còn. Dù nỗi ám ảnh ngày dài quá khứ đã dần nguôi ngoai khi mặt bằng dân cư mới sắp sửa hoàn thành, nhưng người làng Arui vẫn khắc khoải bao nỗi lo cho ngày dài phía trước. Vài phút trước lúc chúng tôi ra về, dù đã quá trưa, nhưng tiếng máy nổ, máy cưa vẫn vang dài vọng ra từ phía làng. Alăng Tơn, một người thợ cho hay, họ cũng “căng mình” theo tiến độ của đợt giải ngân nguồn ngân sách hỗ trợ sắp sửa đến hạn cuối cùng. Dọc theo con đường bê tông, những đống gỗ được che tạm bằng tôn, chờ đến ngày mặt bằng mới hoàn thành, để dựng lên những ngôi-nhà-mơ-ước, kịp trước mùa mưa lũ đang đến gần.

Phóng sự của: ĐĂNG NGUYÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếng thở dài trên non...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO