Thời gian qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của không ít doanh nghiệp (DN), nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trên địa bàn Quảng Nam gặp nhiều khó khăn. Cùng với nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, thời gian qua Quảng Nam cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm giúp DN đổi mới công nghệ, tiếp cận thị trường và mở rộng sản xuất…
Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận với vốn tín dụng (ảnh minh họa). |
“Sức đề kháng” yếu
Theo báo cáo của UBND tỉnh về tình hình hỗ trợ DNVVN trên địa bàn, trong 5 năm (2011 - 2015), Quảng Nam có khoảng 3.186 DN thành lập mới, trong khi đó có 440 DN giải thể và 2.328 DN ngừng hoạt động sản xuất, chủ yếu là các DNVVN. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng sức mua kém, lượng hàng tồn kho tăng, vốn tín dụng ứ đọng. Theo nhận định của Sở Kế hoạch - đầu tư, tình trạng DN giải thể, ngừng hoạt động như hiện nay có nguyên nhân chủ quan là khi thành lập, DN chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện để tồn tại và phát triển bền vững. Vì vậy, khi khó khăn không giải quyết được lại ngừng hoạt động hay giải thể. Hầu hết sản phẩm của DNNVV ở Quảng Nam là các sản phẩm đơn lẻ, phục vụ gia công sửa chữa trong ngành công nghiệp và ngành chế biến phục vụ nông nghiệp, thủy sản... Chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao, hàm lượng công nghệ thấp, mẫu mã và giá thành chưa cạnh tranh với hàng hóa cùng loại ở các địa phương khác.
Sản xuất nhỏ, thiếu vốn, trình độ công nghệ lạc hậu… khiến nhiều DN trên địa bàn tỉnh khó cạnh tranh với các DN ngoại. Trong khi đó, quá trình đổi mới công nghệ trong các DNVVN diễn ra chậm. Thiết bị máy móc, dây chuyền sản xuất khá lạc hậu, chắp vá, không đồng bộ, khó đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, vì thế số DN tạo ra sản phẩm xuất khẩu trên địa bàn chiếm tỷ lệ thấp so với các địa phương khác. Cái khó nhất ở các DN là chưa huy động được nguồn vốn từ các kênh khác nhau để đầu tư cho dây chuyền sản xuất. Lý giải vấn đề này, ông Cao Xuân Dũng - chủ Doanh nghiệp cơ khí Cao Xuân Dũng cho rằng do ngành cơ khí đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn, trong khi vốn của DN có hạn, lãi vay ngân hàng quá cao mà sản xuất mang tính đơn lẻ, sản xuất, lắp ráp gia công là chính nên DN ngại đầu tư. Hơn nữa, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh còn yếu và thiếu, có nhiều linh kiện cần thiết DN phải đặt mua ở ngoài tỉnh, giá thành chi phí đội lên khá cao, khó cạnh tranh trên thị trường. Trong khi đó, nghịch lý đang tồn tại đối với DN sản xuất hiện nay là chi phí sản xuất tăng cao nhưng giá bán sản phẩm và sản lượng bán ra đều thấp hơn trước. Đây thực sự là một áp lực lớn đối với DNVVN hiện nay.
Tháo gỡ khó khăn
UBND tỉnh vừa ban hành quy định về việc hỗ trợ DN tham gia đề án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DNVVN trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2020”. Theo đó, đối với DN áp dụng các công cụ nâng cao chất lượng được hỗ trợ 40 triệu đồng/công cụ; DN sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng và hạn chế ô nhiễm môi trường được hỗ trợ không quá 250 triệu đồng/DN; DN ứng dụng công nghệ sản xuất phân vi sinh, hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ không quá 250 triệu đồng/DN… |
Thời gian qua, Quảng Nam đã tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị tiếp xúc DN; tạo điều kiện thuận lợi cho DN có điều kiện gặp gỡ, đối thoại, trao đổi thông tin với lãnh đạo UBND tỉnh cũng như các sở, ban, ngành được kịp thời. Thông qua đó, đã tạo niềm tin cho DN và từng bước tháo gỡ những khó khăn, ổn định sản xuất, mở rộng sản xuất kinh doanh. Các giải pháp trợ giúp phát triển DNVVN được triển khai một cách đồng bộ như: công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, nhất là trong các lĩnh vực đăng ký DN, đất đai, xây dựng; hướng dẫn và thực hiện tốt chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế thu nhập DN và hỗ trợ thuế; đào tạo trợ giúp nguồn nhân lực; hỗ trợ DNVVN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và đổi mới công nghệ; hỗ trợ thương mại điện tử, thông tin quảng bá DN… Một số thủ tục hành chính trong công tác lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã rút ngắn nhiều thủ tục hành chính khác, tạo điều kiện thuận lợi cho DN.
Trong bối cảnh khó khăn, Quảng Nam xác định phải đồng hành với DN, bắt đầu từ việc hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và đào tạo nguồn nhân lực. Hàng năm, Quảng Nam đã dành nguồn ngân sách để hỗ trợ DN tham gia các hội chợ quốc tế trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường, thêm kênh phân phối, xuất khẩu. Riêng dự án “Phát triển kinh tế xã hội có lồng ghép giới” (do Tổ chức Hòa bình và phát triển Tây Ban Nha Paz Y Desarrollo tài trợ) trong hơn 3 năm qua, đã hỗ trợ khoảng 150 DNVVN cùng hàng trăm hộ sản xuất kinh doanh cá thể mở rộng liên kết thị trường, quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, dự án còn mở các lớp khởi sự DN, quản trị DN cho gần 500 học viên là cán bộ quản lý DN, chủ cơ sở sản xuất... để nắm bắt về những vấn đề liên quan đến quản trị DN, nhất là quản trị tài chính; phương pháp tạo thương hiệu trên thị trường, đạo đức kinh doanh, lập kế hoạch kinh doanh, thiết kế sản phẩm mới...
Theo ông Nguyễn Quang Việt - Chủ tịch Hiệp hội DN Quảng Nam, để tồn tại, ngoài chính sách hỗ trợ từ nguồn vốn vay ưu đãi, các DN cần phải hạch toán đến mức tối đa các khoản chi phí không cần thiết. Các dây chuyền sản xuất đều được tính toán lại khả năng sinh lợi, công suất của máy móc thiết bị, định mức nguyên liệu… để có kế hoạch sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, các DNVVN cũng phải tăng cường công tác quản lý, từng bước đổi mới thiết bị, công nghệ và đàm phán với khách hàng để tăng giá đầu ra sản phẩm.
TRUNG LỘ