Tiếp sức cho nhà nông

HOÀI NHI 05/01/2015 08:58

Cùng với cả tỉnh, nông dân trên địa bàn huyện Duy Xuyên đang xuống giống vụ lúa đông xuân 2014 - 2015. Để chia sẻ gánh nặng đối với nhà nông, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã trích một nguồn kinh phí không nhỏ trợ giá một số loại giống lúa…

Công cụ sạ hàng giúp nhà nông giảm lượng giống nên tiết kiệm được chi phí sản xuất.Ảnh: HOÀI NHI
Công cụ sạ hàng giúp nhà nông giảm lượng giống nên tiết kiệm được chi phí sản xuất.Ảnh: HOÀI NHI

Trợ giá giống

Ông Lê Trung Ba - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Phước cho biết, trước khi bước vào vụ sản xuất đông xuân, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân ra quân thực hiện công tác dồn điền đổi thửa với tổng diện tích 11,5ha ở các thôn Lang Châu Bắc, Mỹ Phước, Triều Châu. Toàn bộ diện tích nêu trên được bố trí gieo sạ bằng giống lúa Thiên ưu 8. Đặc biệt, UBND xã đã trích nguồn kinh phí 9,2 triệu đồng trợ giá cho nông dân. Ông Lê Trung Thanh trú thôn Lang Châu Bắc (xã Duy Phước) cho biết, vụ này ông xuống giống 5 sào lúa, trong đó có 40% diện tích sạ bằng giống Thiên ưu 8 trên cánh đồng Ông Bộ rộng 4ha. Theo ông Thanh, bình quân 1 sào cần 4kg giống lúa Thiên ưu 8, hiện nay trên thị trường giá bán 1 ký là 20 nghìn đồng. Với sự hỗ trợ từ phía chính quyền, mỗi sào nông dân tiết kiệm được 40 nghìn đồng tiền mua giống. “Hễ vào đầu vụ sản xuất, nông dân phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để phục vụ việc canh tác. Nay được cấp trên trợ giá giống lúa, chúng tôi đã trút bớt một phần gánh lo” - ông Thanh nói. Tính đến chiều ngày 4.1, nông dân xã Duy Trinh đã xuống giống được 80% diện tích trong tổng số 198ha đất lúa. Riêng tại cánh đồng mẫu thôn Phú Bông rộng 14ha, bố trí gieo sạ bằng giống lúa B-TE 1 và nhà nông được UBND xã này hỗ trợ 20 nghìn đồng/kg.

Ông Phạm Đình Xuân - Phó phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết, vụ đông xuân 2014 – 2015 nông dân trên địa bàn huyện tiếp tục mua sắm 40 công cụ sạ hàng với số tiền 32 triệu đồng, trong đó UBND huyện hỗ trợ 40%. Như vậy, đến nay toàn huyện đã có tổng cộng 300 công cụ sạ hàng, qua đó giúp nông dân giảm đáng kể lượng giống, tăng hiệu quả kinh tế và tiết kiệm được công lao động.

Tại cánh đồng mẫu Đồng Cả của xã Duy Sơn, ngoài các loại giống phổ biến trong những vụ trước như Xuyên Hương 178, Nhị ưu 838 thì vụ này lần đầu tiên nông dân gieo sạ giống lúa Thảo dược VH1 và AC5. Ông Trần Văn Nam ở thôn Trà Kiệu Tây chia sẻ: “Trước khi bắt tay vào gieo sạ, tôi cùng một số nông dân được cán bộ ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn bài bản quy trình kỹ thuật, rồi khi mua loại giống lúa đó còn được hỗ trợ 30 nghìn đồng/kg”. Theo ông Phạm Đình Xuân - Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên, đông xuân 2014 - 2015, ngoài việc triển khai xuống giống hơn 1.000ha rau màu các loại thì nông dân trên địa bàn huyện còn canh tác gần 3.800ha lúa, cơ cấu bằng các loại giống chủ lực như OM 4900, BC15, B-TE 1, TBR 1… Để sạ hết toàn bộ diện tích vừa nêu, cần ít nhất 300 tấn hạt giống. Ông Xuân nói: “Thời gian qua, chúng tôi phân công cán bộ xuống tận cơ sở tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân, từ khâu làm đất, ngâm ủ giống, đến cách phòng trừ sâu bệnh… Mặt khác, UBND huyện Duy Xuyên cũng quyết định hỗ trợ nhà nông 50% chi phí mua hạt giống AC5 và Thảo dược VH1. Đây là 2 loại giống cơ cấu gieo sạ ở các xã Duy Hòa, Duy Sơn, Duy Phước với tổng diện tích 55ha”. Được biết, trên thị trường hiện nay, giá giống AC5 là 60 nghìn đồng/kg, Thảo dược VH1 là 50 nghìn đồng/kg.

Bao tiêu toàn bộ sản phẩm

Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, thời gian qua ngành nông nghiệp huyện chủ động liên kết với nhiều doanh nghiệp sản xuất lúa giống hàng hóa nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Theo ông Năm, bình quân mỗi vụ, huyện Duy Xuyên sản xuất hơn 100ha lúa giống, cung ứng ra thị trường 600.000 tấn hạt giống các loại, thu lãi nhiều tỷ đồng. Riêng vụ đông xuân 2014 - 2015, toàn huyện sản xuất 55ha lúa giống hàng hóa AC5, Thảo dược VH1, cùng hàng chục héc ta nếp và một số loại giống khác. Toàn bộ sản phẩm nông dân làm ra sẽ được các doanh nghiệp thu mua theo hướng bao tiêu sản phẩm với giá trị cao hơn 25 - 35% so với canh tác lúa thương phẩm. Ông Năm nói: “Thành công lớn nhất đối với Duy Xuyên chính là thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản. Thời gian đến, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh việc liên doanh liên kết nhằm tăng diện tích sản xuất lúa giống hàng hóa và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định”. Nông dân Trần Văn Toàn ở thôn Vĩnh Trinh, xã Duy Hòa chia sẻ: “Điều khiến nhà nông yên tâm nhất là doanh nghiệp cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm và đảm bảo năng suất, chất lượng hạt gạo”.

HOÀI NHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếp sức cho nhà nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO