Tiếp tục giải mã tấm bia bùa ở Hội An

NGUYỄN DỊ CỔ 16/01/2016 14:07

Hội An có một tấm bia rất đặc biệt làm hao tâm tổn trí giới nghiên cứu và mất biết bao bút mực. Cho đến nay, mọi người vẫn chưa thể giải mã hoàn toàn thông điệp của nó, có tác giả cũng chỉ khiêm tốn đặt chữ giải mã trong ngoặc kép. Đó là tấm bia bùa yểm thủy đặt tại đường Phan Châu Trinh.

Thác bản của E.F.E.O.
Thác bản của E.F.E.O.

Bùa được xem như vật  tàng ẩn một sức mạnh thần diệu: nó thực hiện cái mà nó biểu trưng, một quan hệ đặc biệt giữa người mang nó với những sức mạnh mà nó biểu thị. Nó cố định và tập trung mọi sức mạnh, hoạt động ở mọi phương diện vũ trụ. nó đặt con người vào trung tâm các sức mạnh ấy, làm tăng sinh lực của nó, làm cho nó trở nên hữu thực hơn, bảo đảm cho nó một số phận tốt nhất sau khi chết. Ở Ai Cập, những xác ướp được phủ đầy những bùa bằng vàng, đồng, đá, sành sứ để canh giữ sự bất tử của người quá cố. Bùa cũng được dùng để bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc và cuộc sống trần thế. Tùy theo hình thức và hình ảnh mà chúng thể hiện, người ta cho bùa có năng lực truyền cho con người sức khỏe, trí khôn, sự tươi vui trong cuộc sống, những lạc thú thân xác v.v. (Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới). Cho nên trên thế giới cũng như ở Việt Nam mọi người đã sử dụng bùa một cách phổ biến trong đời sống hàng ngày. “Cư dân” trước kia trên vùng đất Hội An đã lập một đạo bùa trấn yểm bằng đá và lưu lại đến ngày nay. Ở đình làng Thủ Lệ (thị trấn Sịa, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) cũng có một tấm bia bùa dạng như thế.

Lịch sử  tấm bia

Đây là tấm bia do người Nhật lập ra. Chúng ta có thể dựa vào những văn tự ở góc trái bên dưới và dòng chữ “Thái Nhạc sơn” ở cuối tấm bia để luận ra thông tin này. Về niên đại của tấm bia, muộn nhất từ năm 2007, giới nghiên cứu Trung Quốc đã cho rằng tấm bia này có niên đại 1593 - cùng năm xây dựng cầu Nhật Bản. Chúng ta cần tiếp tục khảo cứu, chứng minh đối với thông tin ấy, vì “tác phẩm” bùa thường không ghi thời gian. Và, nếu kết quả đúng như vậy, thì đây là một trong vài tấm bia có niên đại sớm nhất ở Quảng Nam - Đà Nẵng.

Sau đó, vào đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (E.F.E.O) đã in rập văn bia này, lập phiếu thư mục (ký hiệu N0 8912). Thác bản được ảnh ấn trong tập 9 của bộ Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm kèm theo tập 1 của bộ Thư mục thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam. Phiếu thư mục cung cấp một thông tin cũng khá quan trọng là thác bản được sưu tầm ở miếu Ông Bùa (xã Cẩm Phô huyện Điện Bàn - địa danh hành chính đương thời). Như vậy từ nửa đầu thế kỷ XX, tấm bia này vẫn chưa hề bị rễ cây đa phủ kín, khác với thực trạng như những bài viết về nó trên một số báo trước đây.

Nội dung tấm bia

Trán bia có 3 vòng tròn tượng trưng tam tài (Thiên - Địa - Nhân), tam giới (Thiên giới - Nhân giới - Địa giới) hoặc tam quang (Nhật - Nguyệt - Tinh). Hai vòng tròn có đường nối với nhau ở góc trái phía trên biểu hiện cho Âm Dương. Tổng 5 vòng tròn này có thể hiểu là Ngũ hành. Ở giữa là dòng chữ “Bắc đế sắc lệnh lập cực ngự phong yểm thủy đạo”.

Dưới dòng chữ này là một ấn bùa với các đồ án Cửu diệu tinh quân, Âm đẩu thất tinh (Bắc đẩu thất tinh), Dương đẩu thất tinh (Nam đẩu thất tinh), văn tự “lũy thủy” (chắn nước). Hai bên cũng là đồ án bùa theo dạng Cửu long thiết trí biểu trưng trị thủy với ký tự “Hỏa, Thổ” vốn là “khắc tinh/xung khắc” với “Thủy” trong Ngũ hành và “Mộc” là được sinh ra từ “Thủy” mang tính phủ định “Thủy” hay “sơn sơn xuất” (núi xuất hiện trùng trùng sẽ ngăn được nước). Những nội dung này chưa được các bài nghiên cứu trước đây “giải mã”.

Bên phải là đồ hình Âm đẩu thất tinh “Đẩu, Thược, Quyền, Hành, Tất, Phủ, Phiêu” được viết với bộ “quỷ” lược bớt nét. Bên trái là câu chú “Án ma ni bát mê hồng”. Dưới cùng của tấm bia là 3 chữ “Thái Nhạc sơn”.

Giải mã ẩn ngữ

Điều đầu tiên dễ nhận thấy tấm bia bùa này có công năng trấn gió và nước thể hiện ở các chữ “Bắc đế” “ngự phong” và “yểm thủy” cùng với những chữ khắc tinh, phủ định đối với “thủy” hoặc thể hiện ngăn chắn nước. “Thái Nhạc sơn” tự thân mang biểu trưng ngăn dòng chảy rất rõ.

Bão lũ cũng chỉ là một hiện tượng, một thiên tai trong vô vàn bất trắc vô thường của cuộc sống. Cho nên tấm bia bùa này còn mang những thông điệp về sự cầu mong bình an, phát triển của con người.

“Âm đẩu thất tinh” dùng trong tang lễ tống táng. Tên của thất tinh được viết với bộ “quỷ” (ma) lược bớt nét có ý nghĩa dùng trong cõi âm cho người đã chết. Trong khi đó, người xưa quan niệm rằng chòm sao Bắc đẩu định yên ở phương bắc, giúp cho người đi trong đêm, trên biển, sa mạc… xác định được phương vị cho nên nó cũng giúp linh hồn xác định đúng hướng trong đêm. Chính vì vậy người ta phải thắp 7 ngọn đèn trên nắp quan tài tượng trưng cho Bắc đẩu để dẫn lối cho người chết.

“Dương đẩu thất tinh” tức bảy chòm sao Bắc đẩu, gồm: Tham Lang, Cự Môn, Lộc Tồn, Văn Khúc, Liêm Trinh, Vũ Khúc, Phá Quân. Từ điển Phật học Hán Việt cho biết ngài Phép Tôn Tinh Vương đã cầu niệm bảy sao này để “trừ tai diên mệnh”, trấn trị “thiên biến địa yêu”. Sau này mọi người học theo.

Mật ngữ “Án ma ni bát mê hồng” (Om mani padme hum), theo Từ điển Phật học Hán Việt, là lời chú mà tín đồ Lạt - ma giáo thường hay niệm để đến thời vị lai sẽ được vãng sinh tới cõi cực lạc. Người Tây Tạng thường hay viết đề mục sáu chữ này lên mảnh vải dài để vào ống đựng kinh, gọi đó là Pháp luân, tìm cách làm cho quay ống này, gọi đó là chuyển pháp luân. Họ tin rằng nhờ công đức chuyển pháp luân như vậy sẽ thoát được nỗi khổ của vòng luân hồi sinh tử. Thêm nữa, cờ vải ở cửa nhà người Tây Tạng hoặc bia đá hai bên đường ở Tây Tạng cũng đều viết đề mục sáu chữ này.

“Thái Nhạc sơn” thuộc về phương đông theo định vị của Ngũ nhạc, được gắn liền với mặt trời mọc, là biểu tượng cho sự ra đời và sự hồi sinh. Tất cả mang ý nghĩa tốt đẹp, là điều hằng mong của con người.

Tấm bia bùa ở Hội An sẽ còn là chủ đề tiếp tục tranh luận trong nay mai.

NGUYỄN DỊ CỔ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếp tục giải mã tấm bia bùa ở Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO