Tiếp tục thắt chặt đầu tư công

TRỊNH DŨNG 20/11/2013 11:45

Khả năng thu ngân sách năm 2013 đạt 100% dự toán là tín hiệu vui. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế của tỉnh và cả nước vẫn còn nhiều khó khăn, năm 2014, Quảng Nam vẫn tiếp tục phải thắt chặt đầu tư.

Ngân sách khó khăn

Theo báo cáo mới đây của UBND tỉnh, thu nội địa năm 2013 có khả năng vượt dự toán Trung ương giao và đạt 100% dự toán tỉnh giao (4.480 tỷ đồng). Tuy nhiên, thu sử dụng đất của ngân sách cấp tỉnh không đạt dự toán đầu năm. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn trong cân đối để đảm bảo các nhiệm vụ chi. Đặc biệt là chi trả nợ vay để phát triển giao thông nông và triển khai các công trình đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn thu sử dụng đất. Dự toán khoản này lên đến 89 tỷ đồng, phải sử dụng nguồn dự phòng ngân sách để trả nợ ngân hàng vào cuối năm nay.

Năng lực sản xuất của doanh nghiệp không phát triển sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: T.D
Năng lực sản xuất của doanh nghiệp không phát triển sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: T.D

Theo tính toán của Sở Tài chính, đến ngày 30.9.2013, nguồn thu sử dụng đất của cấp tỉnh năm 2013 bị âm khoản 57,41 tỷ đồng và cũng không có nguồn giải ngân vốn xây dựng cơ bản khoản 65 tỷ đồng. Ngoài ra, thu xuất nhập khẩu cũng chưa đạt dự toán. Chủ yếu là do thị trường ô tô chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Thị trường khó khăn, hàng tồn kho lớn nên doanh nghiệp (DN) chưa nhập khẩu linh kiện dẫn đến số thu sụt giảm và nợ đọng tại các DN khá lớn, dù các cơ quan hành thu đã tích cực tìm mọi biện pháp thu hồi nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra.

Giám đốc Sở Tài chính – ông Phan Văn Chín cho rằng, không kể các khoản chi từ nguồn thu sử dụng đất thì chi ngân sách địa phương năm 2013 cơ bản được điều hành theo dự toán. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều chương trình, dự án thiếu nguồn để chi. Cụ thể, năm 2013, Trung ương đã cấp 112,3/220 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công, số còn lại tỉnh chưa có nguồn đối ứng. Chi phí đầu tư đào tạo nghề nông thôn lớn nhưng hiệu quả chưa mong muốn; tạm ứng ngân sách chưa có nguồn bố trí hoàn ứng khá cao. Sự thiếu hụt kinh phí diễn ra luôn cả chương trình nông thôn mới. Chương trình này rất cần kinh phí để thực hiện, nhưng nguồn lực huy động còn quá thấp và Trung ương hỗ trợ còn quá ít ỏi so với nhu cầu. Ngay cả nhu cầu sửa chữa trường lớp, nhất là trường THCS, tiểu học và mầm non khá lớn, nhưng ngân sách chỉ cân đối được một phần. Đó là chưa kể đến sự khó khăn về ngân sách nên Quảng Nam cũng không thể nào cân đối được ngân sách cho các đề án mới.

Kiểm soát chi chặt chẽ

Trước nhu cầu bức xúc về việc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án trọng điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh khẳng định, sẽ tiếp tục tạm ứng, vay để đầu tư các dự án lớn, trọng điểm. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu “lập danh mục đầu tư cụ thể, kiểm soát dự án, vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Các dự án phải được thẩm định kỹ lưỡng và xác định được nguồn vốn trước khi trình phê duyệt”.

Ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam cho rằng, kinh tế năm 2014 vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Thủy điện tiềm năng nhưng thiếu ổn định, thị trường vật liệu chưa hồi phục. Ngay cả Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc, chỉ trừ nhà máy bia, còn khá nhiều DN lâm vào cảnh nợ nần, nộp thuế rất ít. Hiện số nợ thuế của DN đã lên 600 tỷ đồng. Dù ngành thuế đã tiến hành nhiều biện pháp, vẫn không thu được nợ và ngay cả chính sách cũng đi ngược với sự tăng thu khi nhiều DN được giảm, miễn nộp thuế, giảm 70% thuế thu nhập cá nhân… Ông Ngô Bốn nói, để giải cứu nguồn thu cần khuyến khích thành lập DN, hỗ trợ giải phóng hàng tồn kho và thúc đẩy DN tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất… Cái gốc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của DN mới là vấn đề quan trọng. Vì vậy, ngoài các biện pháp tăng thu, thu hồi nợ đọng, chống thất thu, gia tăng quản lý, điều hành ngân sách, kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách, hạn chế thấp nhất tình trạng bổ sung ngoài dự toán…, cần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải phóng hàng tồn kho của DN…

Hiện con số ngân sách tỉnh đang tạm ứng cho các chủ đầu tư và các địa phương hơn 652 tỷ đồng và vay tồn ngân kho bạc khoảng 200 tỷ đồng. Dự kiến nguồn tăng thu sẽ bổ sung vốn đầu tư 230 tỷ đồng trong khi nhu cầu tăng chi rất lớn. Trước sự thiếu hụt nguồn thu, dự kiến ngân sách cấp tỉnh năm 2014 sẽ chỉ dành ưu tiên bố trí kế hoạch vốn cho các dự án, công trình đã tạm ứng ngân sách, tạm ứng tồn ngân Kho bạc Nhà nước để kịp thời thu hồi cho ngân sách. Ngay cả đến kiên cố hóa giao thông nông thôn chỉ sẽ được giao dự toán cho các địa phương khi vay được vốn ưu đãi không lãi từ Ngân hàng Phát triển! Ngoài ra còn hàng loạt dự án, công trình khác cần vốn nhưng không đủ lực để gia tăng hay bố trí nguồn. Ông Phan Văn Chín cho rằng sự sụt giảm nguồn thu đã diễn ra 2 năm liền và chưa có dấu hiệu dừng lại. Vì vậy, ngành thuế nên mở những cuộc đối thoại với các DN khai thác vàng, thủy điện và ô tô để họ có thể nộp thuế kịp thời năm 2013, nhất là các khoản nợ đọng. Trong một góc nhìn khác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết địa phương hay các ngành đều thiếu vốn đầu tư, nhưng nguồn lực năm 2014 chủ yếu là dành cho trả nợ. Chỉ chọn những dự án, công trình trọng điểm, khả thi để đầu tư. Nếu không kiểm soát được dự án thì nợ khối lượng các công trình xây dựng cơ bản vẫn sẽ tiếp diễn.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếp tục thắt chặt đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO