Phát triển bền vững là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới và việc áp dụng bộ tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14001:2015 được xem là chìa khóa hội nhập cho các doanh nghiệp (DN).
Ngày càng nhiều nhà sản xuất sẽ đầu tư vào Quảng Nam, kéo theo nhu cầu lớn về các loại nguyên liệu đầu vào đạt tiêu chuẩn quốc tế. |
“Vé thông hành” thời hội nhập
Theo bà Nguyễn Thị Anh Thư - Phó Giám đốc Công ty Trí tuệ Việt, phát triển bền vững là yêu cầu bắt buộc trong hội nhập và sử dụng các công cụ hệ tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14001:2015 là xu thế tất yếu đối với các DN Việt Nam. Bởi, ISO 14001:2015 là một trong những tiêu chuẩn về quản lý môi trường phổ biến nhất trên thế giới và là phiên bản mới nhất về các yêu cầu tiêu chuẩn quản lý môi trường. ISO 14001:2015 sẽ giúp DN đảm bảo hiệu suất môi trường thông qua sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và giảm chất thải. Ngược lại, để đạt được ISO 14001:2015, DN phải đáp ứng được những tiêu chuẩn như lãnh đạo DN cam kết về đảm bảo thực hiện được hệ thống quản lý môi trường, việc gắn kết môi trường với quá trình sản xuất, kinh doanh, các sáng kiến chủ đạo bảo vệ môi trường… Tiêu chuẩn này được công nhận ở nhiều quốc gia và trở thành điều kiện bắt buộc ở một số DN, tập đoàn lớn trên thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản và EU.
Đối với Việt Nam hiện nay, chứng chỉ ISO 14001:2015 cũng đã được cấp cho khá nhiều tổ chức với các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ đa dạng, trong đó các ngành nghề như chế biến thực phẩm (mía đường, thủy sản, rượu bia, giải khát…), điện tử, hóa chất (dầu khí, sơn, bảo vệ thực vật), vật liệu xây dựng, du lịch khách sạn… đang chiếm tỷ lệ lớn. Theo khảo sát mới đây của tổ chức ISO, hiện nay đã có hơn 4.200 tổ chức/DN tại Việt Nam được cấp chứng chỉ ISO 14001:2015. Bà Thư cho biết thêm, việc cấp chứng chỉ ISO 14001:2015 cho các tổ chức, DN Việt Nam chứng minh thực tế đã đáp ứng được các yêu cầu luật pháp về môi trường, mang đến uy tín cho tổ chức, DN. Nó như tấm vé thông hành khi hội nhập kinh tế quốc tế. Điều này sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh cho tổ chức, DN và tăng thị phần hiện tại trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, số lượng DN áp dụng hệ thống tiêu chuẩn ISO 14001:2015 ở Việt Nam chưa tương xứng với số lượng DN có tiềm năng áp dụng. Điều này là do nhận thức của lãnh đạo DN về bảo vệ môi trường còn hạn chế và còn mang tính hình thức, đối phó.
Cần áp dụng rộng rãi
Hiện nay, trên địa bàn Quảng Nam có hơn 2.000 DN, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ, công nghệ, thiết bị sản xuất lạc hậu, không đồng bộ, gây ô nhiễm và lãng phí tài nguyên rất lớn. Do đó, việc áp dụng quản lý môi trường ISO 14001:2015 sẽ mang lại ý nghĩa lớn không chỉ cho bản thân DN mà cho cả cộng đồng. Việc áp dụng quản lý môi trường ISO 14001:2015 đã được triển khai từ nhiều năm nay, nhưng nhiều DN ở Quảng Nam vẫn chưa mặn mà triển khai, áp dụng. Do thiếu thông tin, DN chưa nhìn thấy tầm quan trọng và sự sống còn của việc ứng dụng ISO 14001:2015 trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Ông Nguyễn Quang Thuận - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng & sản xuất sạch hơn Quảng Nam cho biết: “Công bằng mà nói, việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn ISO 14001:2015, DN trên địa bàn tỉnh có quan tâm, có nhận biết. Nhưng do nguồn lực không đủ, vốn yếu, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất, khoa học công nghệ còn thiếu nên việc đầu tư cho sản xuất, nhất là các sản phẩm về nông sản đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao của các quốc gia là một vấn đề khó”.
Khóa đào tạo hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001:2015 cho DN tại Quảng Nam. |
Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do. Điều này đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều nhà sản xuất sẽ đầu tư vào Việt Nam, kéo theo nhu cầu lớn về các loại nguyên liệu đầu vào đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì vậy, dù muốn hay không, DN trong nước phải vào sân chơi chung này. Theo ông Võ Tấn Thành - Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI), đối với DN, yêu cầu về tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14001:2015 là một trong những tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới và là một công cụ kinh doanh quan trọng để hội nhập kinh tế khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do. Để chủ động bước vào thời kỳ hội nhập, những năm qua, VCCI đã vận động nguồn tài trợ của nhiều DN, tập đoàn, các tổ chức trong và ngoài nước mở các khóa đào tạo, truyền đạt về những kiến thức cơ bản, công cụ hỗ trợ cho các DN nhận thức và quản lý mọi tác động về môi trường để ngăn ngừa ô nhiễm, cải thiện môi trường. Đáng chú ý, mới đây dự án “Đào tạo sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải cho các DN tại Việt Nam” do Tập đoàn Dow Chemical tài trợ đã được triển khai. Theo đó, VCCI đã mở 31 khóa đào tạo cho các DN vừa và nhỏ tại 30 tỉnh, thành phố trong nước. VCCI cũng vừa phối hợp với Sở Công Thương Quảng Nam tổ chức khóa đào tạo “Hướng dẫn áp dụng ISO 14001:2015” cho gần 100 DN trên địa bàn tỉnh. Thông qua khóa đào tạo, các DN vừa và nhỏ được Tập đoàn Dow Chemical chia sẻ, nâng cao nhận thức về những lợi ích của sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải như: cải thiện được sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp; giảm các rủi ro mà DN có thể phải hứng chịu, đặc biệt về mặt pháp lý; nâng cao hình ảnh của DN; tăng cường các điều kiện để đảm bảo sức khỏe và an toàn của người lao động…
TRUNG LỘ