Tìm cách để lắng nghe… - Bài 2: Đi, để nghe dân nói

LÊ QUÂN - NGUYÊN ĐOAN 06/11/2017 09:37

Câu chuyện về đời sống nhân dân, chưa bao giờ thôi toan lo trong họ - những cán bộ dù đã nghỉ hưu hay đương chức. Năm tháng trên hành trình của những trải nghiệm cùng đời sống từ cơ sở, đã có những mối dây gắn kết “nhân dân - cán bộ” giúp vượt nghèo khó, để cùng bước vào cuộc đi mới…

Lãnh đạo huyện Tiên Phước kiểm tra tình trạng khai thác vàng trái phép tại Vực Bộng, thôn 3, xã Tiên Lập.
Lãnh đạo huyện Tiên Phước kiểm tra tình trạng khai thác vàng trái phép tại Vực Bộng, thôn 3, xã Tiên Lập.

1. Nguyên Bí thư Huyện ủy Tiên Phước - ông Vũ Xuân Sơn, tuổi bây giờ đã đủ để cho mình được nghỉ ngơi. Nhưng hình như, cái khí chất của một cán bộ từ cơ sở, gần như cả cuộc đời chưa bao giờ thôi để tâm tới lòng dân. Chúng tôi chia sẻ với ông rằng, cuộc gặp hôm nay không nằm ngoài việc tìm hiểu chuyện “gần dân” của cán bộ đảng viên Tiên Phước. Ông bảo: “Người cán bộ đảng viên trước hết là phải chịu đi cơ sở. Đi để nghe, để thấy, để biết câu chuyện gì đang xảy ra mà kịp tìm cách xử lý. Mà những chuyện đó từ đâu ra? Từ đối thoại với dân, chia sẻ với dân, đặt mình trong đời sống nhân dân…, đơn giản là gần dân. Chỉ cần buông lơi cơ sở là có thể sinh chuyện ngay”.

Ông Sơn nói mình đã từng đau đáu như vậy, ngay từ những ngày ông là chuyên viên văn phòng, rồi cán bộ các phòng ban khác của huyện Tiên Phước. Cho đến lúc ông làm Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, từ những năm 2005, vùng đất này bắt đầu có những chuyện… khác người. Khác người bởi có ông Chủ tịch UBND huyện cứ nhất quyết phải “kéo” cho bằng được những cán bộ đầu ngành dành thời gian đi cơ sở ngang bằng thời gian ngồi cơ quan, rồi quan sát, ghi chép. Nhưng thời đó, điều làm nhân dân tin cậy người lãnh đạo này, chính là việc ông “nói được làm được”. Người dân xã Tiên Sơn bây giờ còn nhắc đến sự quyết liệt của ông Bí thư Huyện ủy thuở ấy để nhất mực tin rằng nếu không có chuyện về với dân vùng núi này, nghe chuyện mất trộm gà vịt và lâm sản của bà con, nghe người dân chia sẻ phải lo nơm nớp hàng đêm, để từ đó dành sự quan tâm cho lực lượng dân quân, dân phòng thì vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn không biết bao giờ mới yên. Ngày đó, thay vì phê bình, kiểm điểm, ông Bí thư Huyện ủy trực tiếp đi tìm hiểu và biết rằng cuộc sống của những người tham gia lực lượng dân quân, dân phòng còn quá khó khăn nên nhiệm vụ tuần tra đêm không được tổ chức thường xuyên. Vậy là ông tìm mọi cách để hỗ trợ và kiên trì thực hiện cho đến khi có quyết định từ huyện về việc hỗ trợ 15 - 30 triệu đồng hằng năm đảm bảo cho lực lượng dân quân, dân phòng, công an xã làm nhiệm vụ tuần tra đêm giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Nam Trà My đang triển khai hiệu quả mô hình “3 cán bộ giúp một hộ dân thoát nghèo bền vững”.
Nam Trà My đang triển khai hiệu quả mô hình “3 cán bộ giúp một hộ dân thoát nghèo bền vững”.

Duy trì đi cơ sở thường xuyên là giữ kênh thông tin quan trọng, giúp lãnh đạo huyện phát hiện, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh trong lòng dân, là phương châm để ông Vũ Xuân Sơn khi còn giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy thuyết phục hầu hết cán bộ huyện Tiên Phước cùng thực hiện ý tưởng “đi cơ sở để lắng nghe dân vào mỗi thứ Tư tuần cuối tháng”. “Đi để nghe bà con chia sẻ cách làm hay, mô hình hiệu quả để có thể nhân rộng phát triển đời sống kinh tế; hay ghi nhận những khó khăn, trăn trở của người dân để có hướng tháo gỡ phù hợp. Lo cho cơ sở chính là lo cho dân; làm cho dân hiểu, dân mến, dân tin mới phát huy được sức mạnh toàn dân, đưa nghị quyết của Đảng đi được vào cuộc sống” - ông Sơn nói.

2. Ngày thứ Tư tuần cuối tháng 10.2017, một số thành viên Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước đi cơ sở họp với Đảng ủy xã, hay chi bộ thôn để nghe chuyện của dân. Ông Phạm Văn Đốc - Bí thư Huyện ủy Tiên Phước nói hoạt động này giờ đã nằm trong nghị quyết và là chương trình thực hiện hàng năm của Huyện ủy. Trên địa bàn Tiên Phước hiện có 15 xã, thị trấn thì Huyện ủy thành lập 15 tổ phụ trách, mỗi tổ gồm 1 Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, 2 Huyện ủy viên và một số cán bộ của các phòng ban. Yêu cầu của Huyện ủy đối với các tổ khi đi cơ sở là phải nắm rõ tình hình của địa phương phụ trách, kiểm tra giám sát việc cải cách thủ tục hành chính, không để việc ở cơ sở bị tồn đọng. Cũng từ cách làm này, công tác giám sát các cơ sở đảng trở nên nhẹ nhàng hơn, tránh được tư tưởng chủ quan hay hình thức ở cấp xã. Chưa kể, trong một vài trường hợp, vụ việc được người dân kiến nghị trực tiếp với tổ công tác, qua đó có thể phối hợp giải quyết ngay, giúp cho địa phương tránh được những vụ việc dây dưa kéo dài, vượt cấp. “Như mới đây, vụ làm vàng trái phép ở Tiên Lộc, người dân cấp báo cho tổ công tác phụ trách xã Tiên Lộc. Thường vụ Huyện ủy lập tức vào cuộc khảo sát hiện trường và nhanh chóng giải quyết” - ông Đốc cho hay.

Làm “bạn của dân”
Tại Nam Trà My, một vùng núi cao, với những vốn văn hóa đa dạng của nhiều sắc tộc, việc dung hòa để nghe được tiếng nói của dân không phải điều dễ dàng. Hơn 97% số dân của Nam Trà My là đồng bào dân tộc thiểu số. Dân cư sống phân tán, điều kiện kinh tế - xã hội tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, sản xuất quy mô nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo hơn 64,4%. “Phải thoát nghèo” là điều đóng đinh trong tâm tưởng của những cán bộ Nam Trà My. Bằng câu chuyện “3 cán bộ giúp một hộ dân thoát nghèo bền vững” từ nhiều năm nay, không cần phải hô hào những khẩu hiệu để làm nên một chính quyền gần dân, tự bản thân người cán bộ ở vùng cao này đang từng ngày tiệm cận với đời sống của đồng bào. Nhạc sĩ Dương Trinh - người con của núi rừng Trà My nói rằng, với đồng bào vùng cao, ân tình bao giờ cũng đặt lên hàng đầu. Chân thành đối đãi, chân thành quan tâm, để một ngày, trong đời sống người dân, họ nhìn mỗi cán bộ đảng viên đang tìm đến với mình là những người bạn…

Người dân Tiên Phước bây giờ đã quen và gần như là chờ đợi mỗi thứ Tư tuần cuối tháng, đôi khi chỉ để chia sẻ niềm vui với tổ công tác của huyện rằng mô hình nuôi trồng vừa được địa phương bổ sung nguồn vốn vay từ nhiều chương trình tín dụng ưu đãi mà huyện yêu cầu hỗ trợ. Hay đôi lúc, những khó khăn của người dân sống dựa vào lâm nghiệp có chỗ để sẻ chia, như chuyện giống cây con độ này khó tiêu thụ, hay giá cao su giảm sâu như vậy huyện có hỗ trợ gì không… Ông Đoàn Ngọc Thi, người dân xã Tiên Sơn nói nhân dân địa phương không đòi hỏi chi nhiều, mỗi tháng một lần như vậy đủ rồi, chỉ cần cán bộ lắng nghe, biết người dân đang gặp khó chỗ nào mà giúp. Ông Phan Văn Thạnh - Bí thư Chi bộ thôn Phú Vinh (xã Tiên Hà) chia sẻ rằng, anh có nói bao nhiêu điều hay cũng không bằng làm một việc tốt. Người cán bộ đảng viên phải luôn biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân để giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn phát sinh từ thực tiễn cuộc sống. Và điều đó đang được Tiên Phước thực hiện không chỉ ở cấp huyện mà còn ở cả cấp xã, thôn. Như lời ông Đặng Tấn Minh - Bí thư Đảng ủy xã Tiên Sơn, phần thưởng lớn nhất là sự tín nhiệm của nhân dân vào vai trò chỉ đạo, điều hành của đội ngũ lãnh đạo, là niềm tin giữa dân với Đảng luôn bền chặt.

Nhưng không phải lúc nào mọi thứ đều suôn sẻ, cũng có khi xảy đến chuyện khiến người dân sụt giảm lòng tin ở cán bộ đảng viên. Ông Phạm Văn Đốc nói, như vụ phá rừng ở Tiên Lãnh vừa rồi, bây giờ Huyện ủy đang tìm cách để vực dậy lòng tin cậy từ người dân với một chính quyền, tổ chức Đảng ở cơ sở biết chịu trách nhiệm trước cái sai của mình. Không kịp thời nắm bắt thông tin khiến xảy ra sự việc trên địa bàn cũng là bài học lớn cho chính những người đang muốn xây dựng lòng tin cậy từ nhân dân. Điều cốt yếu đọng lại không phải là cái sai ấy tới đâu, mà chính là tâm ý nguyện vọng của người dân sau này, sẽ phải có những ứng xử hợp lý từ phía Đảng, chính quyền…

LÊ QUÂN - NGUYÊN ĐOAN

Bài cuối: Cách làm của người trẻ
Chọn cách làm việc bằng sự cầu thị, chân thành và thực tế, những cán bộ trẻ đã xây dựng lòng tin từ nhân dân…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm cách để lắng nghe… - Bài 2: Đi, để nghe dân nói
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO