Tìm cách đưa nông sản vào siêu thị

CHIÊU THỤC ANH 14/12/2016 09:18

Tiềm năng sản xuất và khai thác các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là rất lớn nhưng lâu nay vẫn ở dạng manh mún, khó đưa vào siêu thị. Làm thế nào để giải bài toán này là điều mà “4 nhà” ở Quảng Nam đang trăn trở…

Không chỉ người sản xuất mà cả người mua, doanh nghiệp đều mong muốn được tiêu dùng, kinh doanh sản phẩm địa phương. Ảnh: C.T.A
Không chỉ người sản xuất mà cả người mua, doanh nghiệp đều mong muốn được tiêu dùng, kinh doanh sản phẩm địa phương. Ảnh: C.T.A

Tạo chuỗi thực phẩm an toàn

Tiêu thụ nông sản đang là vấn đề bức thiết không chỉ đối với nông dân mà còn với các nhà quản lý, hoạch định chính sách. Và một trong những kênh tiêu thụ hàng hóa ổn định, có thể gia tăng giá trị cho nông dân chính là hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Trong tương lai, hai loại hình này sẽ chiếm lĩnh và được người tiêu dùng lựa chọn vì sự tiện ích của nó. Thế nên, các cơ sở sản xuất, hộ nông dân rất thiết tha được đưa sản phẩm vào siêu thị, cửa hàng tiện ích… Tuy nhiên, việc đưa hàng hóa, nông sản vào siêu thị đang gặp nhiều khó khăn bởi chủ yếu nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong khi quy định đầu tiên của siêu thị là phải kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hồ sơ, chứng từ cũng như các thủ tục pháp nhân để giao dịch, mua bán… “Trên địa bàn tỉnh, số cơ sở sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu này của siêu thị chưa nhiều do quy mô nhỏ lẻ, điều kiện đi lại khó khăn. Hơn nữa, tập quán tiêu dùng của người dân địa phương chủ yếu mua hàng tại chợ truyền thống, chỉ có số ít người có thói quen lựa chọn sản phẩm tại siêu thị nên sức mua chưa lớn, khiến siêu thị chưa thể đáp ứng được vấn đề tiêu thụ nông sản địa phương” - bà Trần Thị Như Lai, Giám đốc siêu thị Co.opMart Tam Kỳ nói.

Để tìm ra các giải pháp có tính khả thi nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp có sản lượng tốt, đầu ra ổn định, đảm bảo an toàn thực phẩm là đòi hỏi hết sức bức thiết của nhà quản lý, nhà nông và cơ sở kinh doanh. Được biết năm 2015, diện tích sản xuất rau toàn tỉnh là 13.000ha, sản lượng 255.840 tấn. Có 136 hộ nông dân tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác, trại phát triển giống. Sở NN&PTNT đã yêu cầu Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tăng cường quản lý vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…), kiểm soát chất lượng về an toàn thực phẩm, tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm góp phần tích cực vào quá trình sản xuất sản phẩm an toàn. Song song với đó, các tổ hợp tác, hợp tác xã tự kiểm tra vật tư đầu vào cho việc sản xuất nông nghiệp an toàn. Trong ngành chăn nuôi, tính đến tháng 3.2016, toàn tỉnh có 22 cơ sở thu mua thủy sản, 3 cơ sở trồng trọt (rau/nấm), 1 cơ sở chăn nuôi gà đẻ trứng, 6 cơ sở giết mổ được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. “Một số chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cũng đã được xây dựng thí điểm và bước đầu có hiệu ứng tốt, là tiền đề cho các chuỗi cung ứng thực phẩm sạch tiếp tục được hiện thực hóa trong tương lai, tạo niềm tin và định hướng để đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại kênh phân phối được xem là lớn hiện nay - siêu thị” - ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói.

Liên kết 4 nhà

Từ thực tế cung - cầu không gặp nhau tại siêu thị, các kênh phân phối lớn, mới đây Sở Công Thương đã triển khai thực hiện đề án “Thúc đẩy tiêu thụ hàng nông sản địa phương vào siêu thị trong và ngoài tỉnh” nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm. Ông Lê Thành Lưu - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Trong đề án này, cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể là Sở Công Thương sẽ là đơn vị hỗ trợ thông tin về thị trường, giá cả, định hướng sản xuất cơ bản cho từng vùng sản xuất nông nghiệp. Đây được xem là khâu mấu chốt để giải quyết tình trạng “được mùa mất giá” như lâu nay, gây bức xúc cho hàng triệu hộ nông dân trên cả nước chứ không riêng gì Quảng Nam”. Ngoài ra, định kỳ hàng năm, những cuộc gặp gỡ, hội nghị giao lưu nhằm kết nối cung - cầu để các siêu thị, doanh nghiệp phân phối trong và ngoài tỉnh có cơ hội gặp gỡ, hợp tác kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển hàng nông sản. “Do nông sản là mặt hàng có tính thời vụ cao, dễ hư hỏng, khó bảo quản, dễ bị tư thương ép giá, gây ra ách tắc trong tiêu thụ. Để giảm bớt những bất lợi cho nông dân, đề nghị cơ quan quản lý phải chủ động can thiệp bằng cách kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất chế biến, bao tiêu sản phẩm an toàn cho người sản xuất thông qua nhóm hộ, tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”. Thật quá tốt nếu có cơ chế hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp này như hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi, thời gian trả nợ kéo dài, số tiền cho vay lớn, ưu đãi về thuế …” - ông Trần Thanh Phong, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã rau sạch Hưng Mỹ nói.

Rõ ràng, việc liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có vai trò rất quan trọng, quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, khép kín từ vùng sản xuất đến nơi tiêu thụ với sự bắt tay của “4 nhà” (nhà nông, nhà quản lý, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp). Ở điều kiện như hiện nay, nhà nông Quảng Nam phải là người đầu tiên nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết ghi trong hợp đồng để nâng cao uy tín và xác lập mối quan hệ lâu dài với doanh nghiệp. Đồng thời tích cực học tập kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nâng cao nhận thức về sản xuất hàng hóa và kinh tế thị trường, các kỹ năng khai thác thông tin, quảng bá sản phẩm; thực hiện sản xuất theo đúng quy hoạch định hướng và khuyến cáo của cơ quan chức năng về nhu cầu hàng hóa của thị trường. “Khi đáp ứng được tất cả yêu cầu của thị trường hàng hóa tất sẽ có tiếng nói, chỗ đứng thương hiệu và có thể tiến vào bất cứ siêu thị, doanh nghiệp nào trong và ngoại tỉnh chứ không riêng Co.opMart Tam Kỳ” - bà Trần Thị Như Lai nói thêm.

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm cách đưa nông sản vào siêu thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO