Tin cô Lan, Việt kiều Mỹ con ông Thủ ở đầu làng, sắp về quê được tung ra nửa kín nửa hở. Người ta cẩn trọng cũng phải. Giữa cái buổi tranh tối tranh sáng của thời kỳ đầu mở cửa, còn lắm chuyện đáng hoài nghi. Để chắc ăn, Lan chọn một chiếc xích lô, buông kín mui, rời khách sạn vượt mươi cây số để về quê đúng vào lúc trời nhá nhem. Vậy mà hừng đông hôm sau, cả cái làng Diên Trường này đã hay hết mọi chuyện. Có người dè bỉu, mách xéo: “Hôm nay làng mình có Việt kiều “xích lô” mới về, oai chi lạ!”. Bà Năm Khả dưới bến đi lên, vừa nhả xong cái bã trầu đã oang oang: “Gớm thiệt, bộ con Mọi sợ bà con mình đến xin đô la nên ban đêm mới về làng”. Vừa dứt lời thì lão Ấm vừa ngang qua đã chen vào: “Đừng kêu cái tên tục xấu xí ấy ra làm người ta buồn”. Bà Năm trương cổ cãi lại: “Sợ gì nó vậy? Đó là cái tên mà cha mẹ nó đặt, cả cái làng này ai mà không biết. Ai sợ nó thì cữ, còn tôi thì còn lâu!”. Biết cãi cũng chẳng ích gì, lão ta bỏ đi một mạch.
Khoảng thời gian ấy, ít khi có mặt ở nhà, hình như o Mọi đang chạy vạy giấy tờ gì quan trọng lắm thì phải. Ở chừng mươi ngày thì o Mọi đã vội vã trở về Mỹ.
Hơn nửa kiếp người sống cơ cực, tưởng đâu ra đi lần này là đoạn tuyệt với quá khứ buồn đau. Nhưng cuộc sống đâu phải giản đơn, vật chất không thể giải quyết được tất cả. Nhớ lại cái đêm nghe lén cuộc chuyện trò, toan tính thiệt hơn của cha mẹ mà lòng uất nghẹn, nước mắt tuôn trào: “Con Mọi nay đã lớn. Tôi tính như thế này mẹ mày xem có được không? Trời sinh ra nó xấu xí, ở mãi trong cái làng này cho đến già cũng chẳng kiếm một tấm chồng. Chi bằng cho nó đi xa làm mướn cho người ta, trước hết nhà đỡ một miệng ăn, lại còn có tiền để lo cho em út nó học hành và biết đâu khi nó đã trắng da dài tóc lại có người mai mối”. Mẹ ái ngại bàn lui: “Ông tính vậy nghe ra cũng phải, nhưng theo tui thì nên ráng cho con nó học lấy một cái nghề, để sau này đỡ vất vả. Nó mê cái nghề may lắm, nhưng nó không dám nói ra”. Nghe xong, cha “hử” một tiếng rồi bắt đầu xẵng giọng: “Thôi thì mặc mẹ con bây, để mai tôi đi xin lỗi người ta. Hôm qua tôi đã lỡ hứa với chú Mạo cho nó vào Sài Gòn giúp chú bán quán cơm”. Tuy thương con, nhưng làm sao cản ngăn được người chồng vốn độc đoán, gia trưởng, mẹ chỉ biết buông tiếng thở dài, nghe nước mắt chảy vào trong…
Nhớ cái ngày mẹ con bồng bế nhau về quê chỉ 2 tháng sau ngày hòa bình lập lại, vốn liếng chỉ vỏn vẹn có cái xách tay đựng ba mớ đồ cũ. Thế là thổ lại hoàn thổ. Tay lại mang hai đứa con “ngoại lai” - một cái gai đối với những người đương quyền. Chính hai giọt máu oan cừu này đã gây không ít phiền toái cho cuộc đời nàng vốn đã đi vào ngõ cụt. Nó còn hụt hẫng hơn cả cuộc chia tay với người chồng hờ bất đồng ngôn ngữ, khi hắn phải quay về bến cũ bên kia bờ đại dương. Cứ nghĩ là đi khỏi Sài Gòn để tránh sự rắc rối, cứ tưởng trở về quê hương sẽ được sống trong sự bảo bọc của bà con và tình làng nghĩa xóm. Nhưng rồi, có ra gì cái thân phận của kẻ “Mang thân về ở vườn dâu cũ” (thơ Nguyễn Bính). Đã cực mà đâu có được yên thân. Cũng phải mấy bận lên xuống ủy ban phường để viết tường trình về lai lịch hai đứa con lai. Thế là chị không được cấp hộ khẩu, nghĩa là không có tất cả. Kiến bò miệng chén, cuối cùng thì cũng phải quay về nghề cũ. Thức trắng đêm, ngâm mình trong giá lạnh, gồng mình mà đẩy. Sáng ra thu được mấy ký tép rong, đổi được chừng vài ba ký gạo.
Đêm khuya, bốn bề vắng lặng buồn tênh, chị còn biết lấy câu hò điệu hát để làm bạn đồng hành. Tạo hóa cũng không đến nỗi bất công, trời đã phú cho chị giọng hò mái nhì hay đáo để. Trăng thanh cảnh vắng, khi những cơn gió nồm chỉ thoang thoảng quét nhẹ hơi sương, giọng chị cất lên nghe như nửa liêu trai nửa lẳng lơ mời gọi, thánh thót ngân nga trong cõi mênh mông trời nước: Con chim đại bàng nó bay qua hòn núi bạc/ Con cá ngư ông lui về giỡn mát ở ngoài khơi/ Gặp nhau đây sao chẳng phân tỏ một đôi lời/ Kẻo một mai tê con cá ngư ông nó lui về sông vịnh, con chim nó đổi dời non cao… Câu hò mẹ không dạy, mà chị thuộc được khi đêm về nghe cha hát khẽ bên bờ ruộng, nương khoai.
Thế mà nàng đã đành đoạn cắt đứt mối thâm tình, cho đến ngày người nhắm mắt mà vẫn không nhìn thấy mặt. Giận mãi cái chuyện cha không cho đi học nghề may mà lại bắt đi ở mướn. Giận đến nỗi thề sẽ không bao giờ trở lại quê hương. Chị có biết đâu chưa đầy 2 năm xa quê thì cha lâm trọng bệnh. Trước lúc mất, người đã trăng trối bằng mọi giá mẹ phải gọi con gái về. Bán đi một con trâu mà sắm một dàn máy may rồi cho con đi học nghề theo ý nguyện! Dần dà rồi cũng nối lại được nếp sống ngày xưa. An phận thủ thường bên mẹ già con dại. Bà cháu hẩm hút bên nhau, hai đứa nhỏ rồi cũng hòa nhập với môi trường mới. Chúng đã được đến trường như bao đứa trẻ khác, không còn bị phân biệt đối xử như những ngày đầu. Mẹ con chị đã được chính quyền cấp hộ khẩu. Cuộc sống cứ êm đềm trôi đi lặng lẽ sau lũy tre làng.
Mấy hôm nay, con đường quê nhỏ bé này thỉnh thoảng lại vang lên tiếng còi ô tô sang trọng của mẹ con Việt kiều Lan đi về. Giờ này thiên hạ ai cũng trố mắt xầm xì nhìn hai gã Mỹ đen cao lớn đi với một chàng trai Việt thanh lịch, nói nửa tiếng Anh lai tiếng Việt. Người hãnh diện nhất vẫn không ai ngoài bà ngoại của chúng. Ngày chị Mọi sinh đứa con rơi thứ 3, bà đã dám thẳng thừng tuyên bố: “Thằng Lầm là con cách mạng nòi đó. Nhưng con dại thì có cháu ngoại mà nuôi. Đừng hòng có ai đến đây mà nhìn dòng nhìn giống!”. Bà nói mạnh như thế để bịt mấy cái miệng nhàn công rỗi việc, ngồi lê đôi mách. Độ rày bọn cơ hội đã ngửi được cái mùi đổi thay của thời cuộc. Chúng ráo riết đi lùng sục khắp hang cùng ngõ hẹp để gạ gẫm người nhẹ dạ, mua bán con lai. Nhưng chị Mọi đã biết cảnh giác. Hồ sơ xuất cảnh của chị và các con đã hoàn thành mà chẳng một ai hay biết. Đến lúc đãi tiệc chia tay, thiên hạ mới vỡ lẽ. Về nước lần này, việc trước tiên là xây lăng mộ để gọi là báo hiếu cho cha, để chuộc lỗi với người. Rồi đưa mẹ già sang Mỹ để phụng dưỡng. Nhưng mẹ chị từ chối, mẹ bảo không muốn gửi xác nơi quê người, hơn nữa bà cũng không nỡ nào để cho nắm xương tàn của chồng cô quạnh. Nan giải nhất là chuyện thằng Lầm muốn ra mắt họ hàng bên nội, để được làng nước biết nó là người có gốc gác đàng hoàng…
Trong căn phòng nhỏ, mấy mẹ con đang ngồi bàn tính việc trọng đại này. Chị Mọi bồi hồi nhắc lại chuyện xưa: Hồi ấy tuy mẹ xấu xí, nhưng cha mê giọng hò của mẹ. Những đêm trăng sáng, mẹ đi nhủi tép dưới bàu, cha cắm câu trên bờ ruộng. Hẹn hò nhau chỉ được mấy lần, rồi bén duyên nhau. Chưa tính được chuyện trăm năm thì quê hương đã ngập tràn khói lửa. Cha theo kháng chiến, mẹ thì lưu lạc phương xa. Ngày hòa bình, gặp lại nhau trong nghịch cảnh. Cha giận mẹ lắm. Nhưng khi thấu hiểu hoàn cảnh nghiệt ngã của mẹ, người cũng cảm thông. Tình cũ không rủ cũng đến. Và con đã ra đời giữa hoàn cảnh đầy khó khăn trắc trở đó…
Nghe xong, Lầm lạnh lùng hỏi mẹ: “Đã đốn được, sao lại không dám vác hở mẹ? Ở xứ người, con lai và cả cha mẹ nuôi mà còn được bảo lãnh. Còn ở xứ ta, con mình đẻ ra mà không dám nhận nó là lý do gì?”. Mẹ nói, như để phân bua: “Con nên biết bây giờ cha con là người có quyền lực nhất ở cái huyện này. Mà sinh mạng chính trị của cán bộ là vô cùng hệ trọng. Không khéo là toi công mấy chục năm trời phấn đấu”. “Thật tình con không dám trách mẹ. Nhưng mẹ cho con được phép hỏi: Giữa đạo lý làm người và chức vị, người ấy chọn cái nào?”. Nghe con nói cứng, chị bèn dịu giọng: “Thật ra trong thời gian qua, bất chấp mọi hiểm nguy cha con cũng đã kín đáo thể hiện cái đạo lý ấy nhiều rồi. Chính nhờ sự giúp đỡ tận tình của ông mà mẹ con mình mới có được ngày hôm nay”.
Giọng trầm buồn nhưng nghiêm nghị, Bill nhìn về phía Lầm rồi chậm rãi: “Em nên nghĩ lại đi. Hồi đó cha anh và cha em đã ghìm mạng sống của nhau trên tay súng. Thế mà giờ này mẹ lại nuôi dưỡng bảo bọc chúng mình trong cùng một tổ ấm tình thương. Bâu áo mẹ đã bạc màu mấy mùa mưa nắng. Bâu áo ấy cũng đã bao lần ướt đẫm nước mắt trong những đêm dài cô đơn mong đợi. Em không nên làm khổ mẹ nữa. Xem ra em còn may mắn hơn hai anh nhiều. Em còn có cha để gặp. Hai anh đến giờ này vẫn còn mang tiếng là những đứa con hoang!”. Đưa tay lên gạt nước mắt, mẹ nghẹn ngào: “Nghe anh Hai con nói mà lòng mẹ đau như cắt. Con ráng đi, chỉ còn 2 năm nữa cha con về hưu. Ông đã hứa với mẹ là khi đó mọi chuyện đâu sẽ vào đấy”. Nãy giờ ngồi lặng thinh, bỗng thằng Bo nhanh nhảu chen vào: “Con mong rằng ngày ấy con cũng tìm lại được người cha thân yêu đã mười mấy năm thất lạc. Con cũng có giống nòi nữa chứ mẹ”.
Thấy nét mặt mẹ thoáng buồn, nó sà vào lòng mẹ như thuở còn thơ, vừa nũng nịu vừa bông đùa. Chị Lan đưa tay véo nhẹ vào tai con mà nở một nụ cười tươi như thời con gái…
HẢI TRÌNH