Tìm đường phát triển

TÂM CA (ghi) 20/02/2015 12:56

LTS: 40 năm trong cuộc hành trình xây dựng quê hương từ sau ngày giải phóng, các thế hệ người Quảng đã kiên trì, nỗ lực vượt qua  khó khăn, thách thức, liên tục tìm kiếm, khai mở những con đường tiến lên phía trước. Đã có nhiều thành công quan trọng, những bứt phá táo bạo, nhưng khát vọng tiếp tục đổi mới, tạo bước chuyển căn bản,  mạnh mẽ cho quê hương vẫn luôn cháy bỏng. Áp lực từ một tỉnh nghèo và cả niềm tự hào về vùng đất đã sớm mở cửa, thoáng mở về tư duy, càng thúc giục Quảng Nam phải nhanh chóng tìm đường bứt phá... Dĩ nhiên, yêu cầu sẽ cao hơn, bức thiết hơn khi  xác định chiến lược phát triển và cơ cấu kinh tế một cách đúng đắn  trong bối cảnh cả nước đẩy nhanh công nghiệp hóa  và hội nhập kinh tế toàn cầu.

Phát triển nhanh và bền vững  là mục tiêu, khát vọng chung của cả quốc gia và của mỗi địa phương. Tuy nhiên, không thể có một con đường, một hình mẫu chung cho mọi  vùng, địa phương trên cả nước. Vậy, đâu sẽ là lối đi nhanh và hiệu quả nhất cho Quảng Nam? Những ý kiến sau đây của các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia kinh tế là những gợi mở thú vị nhân dịp khởi đầu năm mới, và cũng khởi  đầu một chặng đường mới...

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam  Lê Phước Thanh: “Chất lượng tăng trưởng là tiêu chí hàng đầu”

Quảng Nam đặt mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm phát triển ổn định và bền vững. Để đạt mục tiêu này, Quảng Nam sẽ trở lại với yêu cầu của mọi nền kinh tế là nỗ lực tăng năng suất lao động, chứ không phát triển chủ yếu theo cách bóc lột, khai thác tài nguyên đến mức cạn kiệt.

Chiến lược phát triển Quảng Nam sẽ dựa trên kế hoạch phát triển đa ngành, hỗ trợ các sáng kiến đầu tư chiến lược, thực hiện thành công các mô hình tăng trưởng xanh. Chính quyền sẽ gia tăng nỗ lực giải quyết ba khâu đột phá (hạ tầng, nhân lực và môi trường đầu tư), nhằm  thu hút đầu tư và tạo thuận lợi cho tất cả loại hình doanh nghiệp phát triển. Nhưng Quảng Nam không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà kiên quyết từ chối những dự án gây ô nhiễm, tránh hậu quả cho mai sau. Chiến lược chính là phát triển cụm ngành và cụm đô thị động lực, phát triển du lịch bền vững, quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên, liên kết đô thị - nông thôn và hợp tác cấp vùng.
  Ưu tiên đặt ra trong kế hoạch ngắn hạn và kể cả trong dài hạn là chọn lựa nhà đầu tư công nghệ cao, có tiềm năng phát triển để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Hiệu quả kinh tế - xã hội là thước đo, tiêu chí hàng đầu để phê duyệt hay bác bỏ một dự án đầu tư. Quảng Nam sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển, phù hợp yêu cầu thị trường, khai thác lợi thế tự nhiên, kinh tế từng vùng. Tất cả thể hiện sự lựa chọn dứt khoát cho tương lai Quảng Nam: Chất lượng tăng trưởng là tiêu chí hàng đầu!

PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Phát triển dựa trên sự gắn kết”

Mô hình kinh tế Việt Nam lâu nay dựa vào khai thác tài nguyên, hướng tới sản lượng, chưa chú trọng năng suất, hiệu quả nên năng suất tổng hợp yếu, định hướng công nghệ không mạnh. Quảng Nam không là ngoại lệ. Sự thay đổi mô hình tăng trưởng chính là nhằm giải quyết một phần cơ bản năng suất lao động. Dư địa để tăng năng suất lao động Quảng Nam còn rất cao. Tận dụng được điều này, sẽ có khả năng bứt phá. Phát triển đô thị phía bắc là một lựa chọn. “Mỏ vàng” của miền Trung chính là bờ biển.

Khai thác tiềm năng biển đảo, di sản được xem là loại hình du lịch chủ đạo của Quảng Nam và miền Trung. Nhưng tiềm năng và ưu tiên phát triển du lịch của khu vực này khá tương đồng đã khiến sản phẩm du lịch bị trùng lặp, đơn điệu, thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí bổ trợ, dẫn tới xung đột lợi ích giữa các khu du lịch trong cùng địa phương và trong vùng. Muốn phát triển, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các công ty lữ hành, lưu trú để tạo nên hình ảnh thống nhất của vùng; trọng tâm là liên kết để cùng phát triển chuỗi sản phẩm du lịch, từ khâu thiết kế sản phẩm, khai thác thị trường khách, phát triển dịch vụ gia tăng đến quảng bá, xúc tiến du lịch.

Nếu không có giải pháp khắc phục những hạn chế hiện nay, sẽ dễ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, thiếu tính thống nhất giữa các địa phương. Vì vậy, việc  xúc tiến hoàn thiện cơ chế chính sách, phát triển giao thông (mở đường bay nội vùng, đường bộ cao tốc…), xây dựng chiến lược doanh nghiệp, vận dụng phương pháp phân tích năng lực cạnh tranh, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp trong đào tạo lao động và chuyên nghiệp hóa quảng bá, xúc tiến… là những giải pháp cần thực hiện trên chiều sâu của tư duy ngắn và dài hạn.

TS. Trần Du Lịch  - Trưởng nhóm tư vấn, hợp tác phát triển Vùng duyên hải miền Trung:“Xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ cơ khí tại Chu Lai là lựa chọn hợp lý”

Khu kinh tế mở (KKTM) Chu Lai đang phát triển theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, lấy công nghiệp cơ khí làm trung tâm, kết hợp với phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, điện tử, công nghiệp kỹ thuật cao. Chu Lai cũng đã hình thành được  hệ thống giao thông kết nối quan trọng bao gồm cảng biển, đường bộ, sân bay…, đủ điều kiện phục vụ hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) với 21 nhà máy tại Chu Lai và sự gắn kết, hợp tác giữa Thaco với các tập đoàn hàng đầu thế giới như Hyundai, Kia… là cơ sở để tham gia chuỗi giá trị sản xuất ô tô toàn cầu. Đây là những tiền đề quan trọng cho việc hình thành Trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia tại KKTM Chu Lai.

Thành lập khu công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí tại KKMT Chu Lai là sự đầu tư hợp lý. Vì nó không chỉ tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ của riêng Quảng Nam mà còn cho cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Hiện nay, những dự án xây dựng các trung tâm công nghiệp hỗ trợ trong nước tiến triển rất chậm chạp có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là thiếu doanh nghiệp chiến lược làm đầu tàu. Do vậy, với Chu Lai, cần lựa chọn doanh nghiệp có đủ năng lực là Ô tô Trường Hải. Nhưng nếu để doanh nghiệp “đơn thương độc mã” thì không thể thành công được. Chính quyền và doanh nghiệp cần đưa ra những dự án cụ thể. Bên cạnh đó, chính sách vĩ mô phải đủ điều kiện và ưu đãi đặc biệt để hỗ trợ doanh nghiệp hình thành khu công nghiệp thí điểm. Tiến trình hình thành khu công nghiệp hỗ trợ như mong muốn, nhanh hay chậm tùy thuộc vào lực đẩy của thị trường, chứ không phải ý chí chủ quan của Nhà nước.

Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn Lê Trí Thanh: “Cải thiện chất lượng điều hành chính sách”

Đánh giá lại tính hợp lý trong các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển không gian, các ngành, vùng lãnh thổ từ đô thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi để kịp thời điều chỉnh phù hợp với xu thế quốc tế, tình hình trong nước và thực tiễn phát sinh tại Quảng Nam đang là điều hết sức cần thiết. Từ đó xây dựng các dự án có tầm chiến lược, tạo cú hích đột phá phát triển công nghiệp - du lịch - đô thị. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng các dự án có tính truyền thống, giải quyết lao động giản đơn tại các địa phương, phát triển nông nghiệp - nông thôn. Thời gian tới, tỉnh nên rà soát cơ chế chính sách đã ban hành và xây dựng mới để khuyến khích đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ tại chỗ và xuất khẩu.

Hội nghị, diễn đàn gặp gỡ với các nhà đầu tư để quảng bá tiềm năng lợi thế, cơ chế chính sách và nhu cầu phát triển dự án của một địa phương…, chỉ là bề nổi của một sự kiện và xảy ra trong một vài thời điểm nhất định. Thiếu một quỹ đất sạch, thiếu chiến lược thu hút dài hạn đã làm chậm tốc độ đầu tư vào Quảng Nam. Cải cách để xây dựng hệ thống chính quyền thân thiện, bảo đảm vận hành thông suốt, khoa học là rất cần thiết. Nhưng quan trọng hơn là cần đưa ra chỉ tiêu cụ thể về cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính. Cải thiện môi trường đầu tư cần đi vào chất lượng các cuộc tiếp dân, mở thêm nhiều cuộc đối thoại, thay vì chỉ mỗi  tháng một lần như hiện nay và hình thành cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc cải thiện điều hành chính sách sẽ phải mất nhiều thời gian, công sức. Kết quả chỉ có thể đến trong vài năm, thậm chí cả mười năm sau từ những nỗ lực hôm nay.

TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “Tạo việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh”

Kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế. Nhà nước chỉ tạo ra môi trường, hỗ trợ thúc đẩy kinh tế. Trong các chỉ tiêu kinh tế địa phương, chỉ tiêu tạo công ăn việc làm phải  được xem là số 1. Chỗ nào tạo được nhiều công ăn việc làm, tạo nhiều phúc lợi cho người dân, tăng thu ngân sách… đều phải được coi trọng. Doanh nhân vẫn còn niềm tin kinh doanh, nhưng cần môi trường kinh doanh bình đẳng và pháp luật minh bạch.

Chính quyền cần tăng cường tham vấn doanh nghiệp, công khai phản hồi những đề xuất, góp ý của doanh nghiệp, tổ chức nhiều hơn những cuộc đối thoại công - tư thiết thực, thúc đẩy cải cách và tạo ra sự thay đổi. Quảng Nam đã có nhiều chính sách cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, thường xuyên mở những cuộc đối thoại, trao đổi giữa chính quyền và doanh nghiệp hay sắp vận hành cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp… là minh chứng rõ nhất cho việc chính quyền luôn sát cánh, đồng hành với doanh nghiệp. Sự chuyển tải một cách thông suốt tư tưởng cải thiện PCI từ lãnh đạo tỉnh đến các cấp là bước chuyển quan trọng của Quảng Nam.

Chính phủ đã tìm ra chìa khóa để tạo đột phá thông qua việc đặt chỉ tiêu phải ngang bằng với ASEAN tính bằng ngày, giờ, chi phí. Chính quyền địa phương phải đạt được sự hài lòng của người dân và tín nhiệm của doanh nghiệp. Nếu chậm trễ, thiếu cơ chế phối hợp… sẽ làm suy giảm chỉ số PCI. Điều này không chỉ làm mất đi cơ hội thu hút nguồn lực tài chính, con người, mà còn vuột mất luôn cơ hội đầu tư trong tương lai. Song, cái chính vẫn là những con người thừa hành có đủ năng lực trước một chủ trương đúng. Không có năng lực nội sinh này, mọi thúc ép đều trở nên vô nghĩa.

TÂM CA (ghi)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm đường phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO