Tìm giải pháp "cứu" Cù Lao Chàm

VĨNH LỘC 15/10/2018 02:46

Một hội thảo về “Bảo tồn và phát triển bền vững Cù Lao Chàm” vừa được UBND TP.Hội An tổ chức với sự tham gia của các nhà khoa học, quản lý, đại diện doanh nghiệp du lịch nhằm tìm cách “cứu” Cù Lao Chàm trước khi quá muộn.

Cần có quy hoạch du lịch trên đảo để Cù Lao Chàm phát triển bền vững.Ảnh: V.LỘC
Cần có quy hoạch du lịch trên đảo để Cù Lao Chàm phát triển bền vững.Ảnh: V.LỘC

Thách thức

Theo bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, có 6 thách thức chính mà Cù Lao Chàm đang đối diện, gồm: khai thác thủy hải sản trái phép; hoạt động trái luồng, tuyến của các phương tiện; công trình xây dựng trên đảo gây tác động đến môi trường; ô nhiễm từ đất liền; chưa mở rộng được vùng bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển; chồng chéo chức năng trong quản lý rừng đặc dụng. Đặc biệt, việc phát triển du lịch tự phát, thiếu chuyên nghiệp hay lượng khách tập trung quá đông vào một thời điểm đã gây nhiều áp lực lên đảo như suy giảm nguồn lợi tự nhiên; suy giảm diện tích và chất lượng các hệ sinh thái; ô nhiễm môi trường; thay đổi văn hóa truyền thống miền biển đảo. Các sở, ngành liên quan cần triển khai, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như điều chỉnh hoạt động du lịch tại Cù Lao Chàm. Trong đó, phát triển Cù Lao Chàm phải trên cơ sở cân bằng cả 2 mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững. “Cần xác định, khoanh vùng không gian bảo tồn nghiêm ngặt đảo từ hòn Dài về phía tây bắc hòn Lao, không nên quy hoạch xây dựng nhà nghỉ, khách sạn tại các bãi biển; người dân phải tham gia trong chuỗi giá trị du lịch Cù Lao Chàm; có chính sách bảo tồn các điều kiện hoang dã nguyên sơ của đảo để phát triển du lịch sinh thái đúng nghĩa” - bà Thúy đề xuất.

Ông Trần Lê Trà – chuyên gia thuộc tổ chức Hợp tác quốc tế Du lịch sinh thái Đức (GIZ) tại Việt Nam cho rằng, Cù Lao Chàm là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên, văn hóa với hệ sinh thái phong phú, đa dạng sinh học cao, do đó phát triển Cù Lao Chàm sẽ không thể tách rời việc quản lý và phát triển bền vững của Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An. “Hiện nay chúng ta vẫn chưa có một bộ quy chuẩn hay là các quy định pháp luật rõ ràng về quản lý khu dự trữ sinh quyển nên gây rất nhiều khó khăn cho ban quản lý khu dự trữ sinh quyển trong việc thực thi pháp luật tại khu vực, trong đó có Cù Lao Chàm” - ông Trà nhìn nhận.

Linh hoạt các  giải pháp

Từ năm 2009 đến nay, du lịch Cù Lao Chàm phát triển rất “nóng” với gần nửa triệu khách mỗi năm. Áp lực du lịch đã tác động mạnh mẽ lên tài nguyên biển, đảo và môi trường. Theo ông Trần Lê Trà, nếu không xử lý rốt ráo vấn đề này thì chỉ trong vòng 5 năm hoặc 10 năm nữa Cù Lao Chàm chắc chắn sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề hơn. Vì vậy, câu chuyện phát triển của Cù Lao Chàm phải đi đôi với các vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn lợi tài nguyên và cảnh quan thiên nhiên nơi đây. Đặc biệt, không thể tách rời cộng đồng ra khỏi sự phát triển, người dân phải cùng tham gia quá trình gìn giữ, bảo tồn Cù Lao Chàm. “Phải quy hoạch lại du lịch Cù Lao Chàm, lựa chọn khách có khả năng chi trả cao và có trách nhiệm với thiên nhiên, thực sự mong muốn có nhu cầu đi du lịch sinh thái, chứ không phải là khách đại trà như hiện nay” - ông Trà đề xuất.

Du lịch cũng khiến nguồn lợi thủy sản cạn kiệt.
Du lịch cũng khiến nguồn lợi thủy sản cạn kiệt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, sự phát triển của Cù Lao Chàm không thể tách rời sự phát triển của TP.Hội An, của tỉnh Quảng Nam cũng như của các địa phương lân cận, nhất là trong bối cảnh phát triển du lịch mạnh mẽ như hiện nay. Thời gian qua dù đạt nhiều kết quả, nhưng nhìn chung công tác bảo tồn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu dung hòa với du lịch. Hội thảo nhằm tìm ra giải pháp, nhưng không phải mang tính khiên cưỡng hay đóng khung trong suốt quá trình phát triển của Cù Lao Chàm mà nó phải thay đổi trong từng giai đoạn phù hợp. Đồng thời dự báo được sự phát triển trong tương lai không chỉ của Cù Lao Chàm mà còn trong mối quan hệ của hệ sinh thái biển từ Sơn Trà đến Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ngoài ra, cũng cần tính toán đến tốc độ xây dựng, đô thị hóa, tốc độ tăng dân cư, kể cả tính toán đến sự suy giảm tài nguyên trên đảo... “Giải pháp đưa ra bên cạnh tính chất chế định, Nhà nước quy định và các tổ chức, cá nhân phải thực hiện, thì cũng phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển của Cù Lao Chàm. Trong đó, sự cam kết tự nguyện của cộng đồng Cù Lao Chàm và những người làm du lịch là quan trọng nhằm khai thác hợp lý quần đảo này để cùng nhau hưởng lợi. Còn đi vào chi tiết, trước tiên phải có quy hoạch du lịch Cù Lao Chàm để làm cơ sở quản lý trong việc bảo tồn và khai thác phát triển đảo” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm giải pháp "cứu" Cù Lao Chàm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO