Tìm hiểu pháp luật về bầu cử

(Theo tài liệu do Hội đồng Bầu cử quốc gia biên soạn) 09/03/2016 08:49

- HỎI: Thế nào là người được giới thiệu ứng cử và thế nào là người tự ứng cử?

- TRẢ LỜI: Người được giới thiệu ứng cử là người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, các cơ quan nhà nước ở trung ương hoặc địa phương giới thiệu để được xem xét đưa vào danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND.

Người tự ứng cử là người có đủ điều kiện ứng cử đại biểu Quốc hội, hay đủ điều kiện ứng cử đại biểu HĐND theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và xét thấy mình có đủ tiêu chuẩn, trình độ, năng lực, có nguyện vọng ứng cử thì nộp hồ sơ ứng cử tại Ủy ban Bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nếu tự ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND cấp tỉnh); tại Ủy ban Bầu cử cấp huyện (nếu tự ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện); tại Ủy ban Bầu cử ở cấp xã (nếu tự ứng cử đại biểu HĐND cấp xã).

- HỎI: Việc tiếp nhận hồ sơ ứng cử được thực hiện như thế nào?

- TRẢ LỜI:
1. Đối với hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội: Hội đồng Bầu cử quốc gia có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ ứng cử của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội (mỗi người nộp 2 bộ hồ sơ).

Ủy ban Bầu cử ở tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ ứng cử của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế ở địa phương giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử đại biểu Quốc hội.

Sau khi nhận và xem xét hồ sơ của những người ứng cử, nếu thấy hợp lệ theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thì Hội đồng Bầu cử quốc gia chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đến Ban Thường trực Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam. Ủy ban Bầu cử ở tỉnh chuyển hồ sơ ứng cử của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại địa phương đến Hội đồng Bầu cử quốc gia; chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử tại địa phương đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh để đưa vào danh sách hiệp thương.

2. Đối với hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND: Người ứng cử đại biểu HĐND nộp một bộ hồ sơ ứng cử tại Ủy ban Bầu cử ở đơn vị hành chính mà mình ứng cử. Người tự ứng cử, người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND của địa phương nào thì phải là người đang cư trú hoặc công tác thường xuyên ở địa phương đó.

Sau khi nhận và xem xét hồ sơ của những người tự ứng cử, người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND, nếu thấy hợp lệ theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thì Ủy ban Bầu cử chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của những người ứng cử đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp để đưa vào danh sách hiệp thương.

(Theo tài liệu do Hội đồng Bầu cử quốc gia biên soạn)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm hiểu pháp luật về bầu cử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO