Tìm người làm... văn hóa

LÊ QUÂN 10/12/2017 09:17

Nguồn nhân lực cho các lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật biểu diễn... ngày mỗi khó tìm, trong khi đó, các dự án du lịch, giải trí ngày càng được đầu tư mạnh mẽ tại Quảng Nam tiếp tục đòi hỏi một lượng lớn nhân lực cho lĩnh vực này.

Đội biểu diễn nghệ thuật lưu động Hội An – đặc trưng biểu diễn nghệ thuật bài chòi luôn có đất sống, vì vậy luôn thu hút nhiều thế hệ tham gia.
Đội biểu diễn nghệ thuật lưu động Hội An – đặc trưng biểu diễn nghệ thuật bài chòi luôn có đất sống, vì vậy luôn thu hút nhiều thế hệ tham gia.

Từ những cơ quan đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu như Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An... đến đoàn ca kịch, các đội nhóm biểu diễn nghệ thuật truyền thống hay thậm chí việc hình thành những nhóm múa chuyên nghiệp cũng gặp khó trong chuyện tìm người...

Thiếu đội ngũ kế cận

Ông Nguyễn Chí Trung – Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An vẫn thường trầm tư với câu chuyện về nghiên cứu văn hóa Hội An sau này sẽ rất khó tìm một lớp người trẻ thay thế. Hiện tại, tìm người làm việc tại trung tâm cũng là một vấn đề, chưa nói đến nói chuyện họ sẽ tâm huyết đến đâu để đi tìm những tầng vỉa của đô thị cổ. “Rất khó cho anh em, khi thu nhập không thể đủ cho họ trang trải. Nhiều anh em trẻ rất có năng lực về nghiên cứu Hán Nôm, tiếp cận tư liệu, thư tịch cổ hay có kỹ năng về nghiên cứu di tích... đã nghỉ việc sau vài năm nhận lương của trung tâm” - ông Trung nói. Trong khi đó, việc nghiên cứu văn hóa về tiến trình phát triển của Hội An tạo nền tảng để bảo tồn và xây dựng rất nhiều chiến lược phát triển kinh tế xã hội của vùng đất này. Tuy nhiên, theo ông Trung, việc quan tâm đào tạo, đãi ngộ cho đội ngũ chuyên môn nghiên cứu văn hóa vẫn còn thờ ơ, chưa thật sự tạo hứng khởi để đội ngũ này tiếp tục gắn bó với những chuyến điền dã, nghiên cứu. “Các em học văn hóa hay các ngành khoa học xã hội, học thêm ngoại ngữ nữa, thì dư khả năng để đi làm du lịch. Thu nhập cao hơn, cơ hội nghề nghiệp nhiều hơn. Còn làm việc cho các cơ quan nghiên cứu văn hóa như trung tâm chẳng hạn, thì chỉ thật sự đam mê mới gắn bó nổi” - ông Trung chia sẻ thêm.

Cũng như vậy, hầu hết nhân lực ở các nhóm ngành như bảo tồn, bảo tàng… đều gặp phải tình trạng khan hiếm. Ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nói thêm, nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo tồn di tích hầu như địa phương nào cũng thiếu. Theo ông, đa số địa phương đều đang tận dụng nhân lực kiêm nhiệm, hẳn nhiên, phần việc họ làm vẫn chủ yếu nghiêng về văn hóa cơ sở, còn các kiến thức nền tảng về bảo tồn bảo tàng vẫn chưa đủ để đáp ứng công việc. Gần như Quảng Nam gặp phải tình trạng “nóng đâu phủi đó”, đặc biệt với ngành văn hóa, du lịch. Cùng câu chuyện này, ở các địa phương miền núi, người làm văn hóa gần như đều có xuất phát điểm từ những ngành nghề khác, được giao nhiệm vụ làm công tác quản lý văn hóa. “Buồn nhất, rất nhiều em không có ham muốn về ngành văn hóa xã hội này, nhưng bí đường thì chọn. Tôi rất lo cho ngành của mình. Tìm người hiểu về kiến trúc, bảo tồn, di sản rồi nền tảng nghiên cứu về văn hóa lịch sử, hầu như không có” -  ông Nguyễn Chí Trung nói.

Ở các nhóm văn hóa phi vật thể, tìm đội ngũ kế cận còn khó hơn… tìm “đất diễn”. Chỉ trừ Hội An với lợi thế du lịch, nghệ nhân sống được với đam mê của mình, thì hầu như các địa phương khác, chuyện bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể chỉ phụ thuộc vào một số nghệ nhân. Nghệ nhân Trương Văn Tám (Duy Châu, Duy Xuyên) nói, ông không thể tìm được người để truyền dạy về nghệ thuật trình diễn dân gian hát sắc bùa ở địa phương. Ngoại trừ năng khiếu thì phải có kiến thức để hiểu; cộng thêm niềm yêu thích mới có thể giúp họ bền bỉ với các loại hình nghệ thuật dân gian. Từng than thở rất nhiều lần về câu chuyện tìm lớp diễn viên mới cho Đoàn Ca kịch Quảng Nam, NSND Từ Minh Hiệp chia sẻ, chủ yếu tìm nguồn từ các trường đào tạo chuyên ngành, Đoàn Ca kịch Quảng Nam đã thay đổi cách thức tìm kiếm học viên, bằng cách tuyển lựa đại trà tại các vùng quê giàu truyền thống dân ca kịch ở Quảng Nam. Với niềm tin khấp khởi sẽ tìm được học trò, họ mỗi năm vài lần tỏa về các vùng quê tìm kiếm những người yêu thích và có năng khiếu hát dân ca. “Tìm được người đã khó, thuyết phục họ chịu về với mình càng khó hơn. Khó hơn nữa là ở bước kế tiếp, bởi cần phải có thời gian để thử giọng trong nhiều tình huống, sàng lọc khả năng biểu diễn, kỹ năng sân khấu rồi mới tính đến việc đào tạo. Mà việc truyền nghề cho những người chưa từng qua trường lớp kịch nghệ nào là không đơn giản và không phải lúc nào cũng thành công. Nhiều em vào đoàn được vài bữa, cảm thấy mình không chịu nổi áp lực, đành từ bỏ” - NSND Từ Minh Hiệp nói thêm.

“Nóng đâu phủi đó”

Trong khi thực trạng thiếu nhân lực cho ngành văn hóa đã thấy từ vài năm gần đây, thì ngược lại, nhân lực cho ngành du lịch lại gần như được đào tạo tràn lan. Tuy nhiên, nghịch lý của nhóm ngành du lịch là “thừa vẫn thừa thiếu vẫn thiếu”, bởi nhân lực phổ thông thì thừa mà nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu thì lại thiếu. Ở một góc độ khác, GS-TS. Trương Quốc Bình cho rằng, hoạt động du lịch phụ thuộc rất lớn vào việc bảo tồn các di sản văn hóa, hẳn nhiên mối quan hệ này bao gồm cả con người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. “Sự phát triển của du lịch tác động trực tiếp và gián tiếp đến việc chấn hưng và bảo tồn các di sản văn hóa. Các yếu tố cơ bản tạo điều kiện để xây dựng du lịch bền vững là môi trường, di sản, lối sống, văn hóa, các dịch vụ du lịch như ăn ở, đi lại. Tuy nhiên, trong sự phát triển bền vững của du lịch, điều cốt lõi nhất là sự cân bằng, giới hạn và kiểm soát; tâm điểm của du lịch vẫn là con người và di sản văn hóa” - GS-TS. Trương Quốc Bình nói.

Đã có một thời gian dài Quảng Nam loay hoay với việc tìm kiếm nguồn nhân lực du lịch, và hiện tại, gần như các trường trung cấp, cao đẳng nghề, đại học đều dành nhiều ưu ái cho việc đào tạo nguồn nhân lực này. Chưa kể các trung tâm, nhóm, doanh nghiệp trực tiếp đào tạo lao động cho nhóm dịch vụ du lịch. Trong khi đó, một mảng gần như bị bỏ trống trong chính các phần đào tạo để hướng đến mục đích phát triển du lịch là những ngành nghề liên quan đến văn hóa, nghệ thuật. Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL từng phàn nàn về việc mỗi lễ hội lại phải mời diễn viên, đoàn múa từ các thành phố lớn. “Mới đây một doanh nghiệp đầu tư du lịch khá lớn tại vùng đông Quảng Nam có nhu cầu về hơn 200 diễn viên múa, nhưng thực sự ngành văn hóa Quảng Nam đào đâu ra” - ông Hài nói.

Chính phủ đã thông qua đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” – một đề án khá dài hơi ở lĩnh vực đào tạo tài năng “chất lượng cao” cho ngành văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, theo ông Hài, việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ vẫn còn nhiều hạn chế và chưa rõ nét, nhất là ở cấp địa phương. Các chương trình đào tạo vẫn mang tính đại trà; chưa có phương thức tích cực và chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, biện pháp, chính sách, cơ chế quản lý thích hợp và đồng bộ cho đào tạo, bồi dưỡng tài năng. “Trong khi đặc thù nghề làm nghệ thuật là quá trình đào tạo dài nhưng tuổi nghề ngắn. Có những ngành học hết trung cấp như diễn viên múa, xiếc, diễn viên kịch hát dân tộc, nhạc công… là đã có thể ra làm nghề rất tốt, nhưng đến 40 tuổi khi thanh sắc phai nhạt, cơ thể không còn dẻo dai là không còn mấy ai lên sân khấu biểu diễn nữa. Khó tuyển sinh các nhóm ngành này ở trường Trung cấp Văn hóa, nghệ thuật và du lịch cũng là điều dễ hiểu” - ông Hài nói thêm.

Mới đây, tại buổi làm việc của UBND tỉnh và trường Trung cấp Văn hóa, nghệ thuật và du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh đã quyết định đồng ý giao lại quyền sử dụng Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện Duy Xuyên (xã Duy Phước) cho trường này. Đây sẽ là cơ sở đào tạo nghề du lịch đáp ứng cho các nhu cầu của doanh nghiệp du lịch. Trong đề án phát triển của trường tại đây có thêm phần việc đào tạo các nhóm ngành văn hóa nghệ thuật bên cạnh đào tạo chuyên môn về ngành du lịch, không tuyển sinh đào tạo các ngành sư phạm. Các nhóm ngành này sẽ được đào tạo dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam. Hy vọng đây sẽ là một con đường mới mở ra triển vọng về sự đa dạng của nguồn nhân lực trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật giải trí và du lịch của Quảng Nam…

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm người làm... văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO