Tìm nguồn lực cho tuyến đường huyện

CÔNG TÚ 23/09/2014 09:12

Nhiều tuyến đường huyện (ĐH) trên địa bàn tỉnh hiện nay xuống cấp trầm trọng nhưng thiếu kinh phí đầu tư…

Kiên cố hóa mặt đường đến trung tâm xã, cụm xã là rất cần thiết.Ảnh: CÔNG TÚ
Kiên cố hóa mặt đường đến trung tâm xã, cụm xã là rất cần thiết.Ảnh: CÔNG TÚ

Nắng bụi, mưa lầy

Ở khu vực nông thôn, đề án Phát triển giao thông nông thôn (GTNT) giai đoạn 2010 - 2015 đã và đang được triển khai rất hiệu quả. Đến năm 2015, Quảng Nam chắc chắn có trên 60% đường GTNT được bê tông hóa, giải quyết cơ bản hệ thống đường tiếp cận từ hộ gia đình đến trung tâm xã, tạo nên bộ mặt làng quê khang trang, sạch đẹp. Cũng trong giai đoạn 2010 - 2015, UBND tỉnh đã mở rộng, sửa chữa nâng cấp mặt đường nhiều tuyến đường tỉnh (ĐT) quan trọng, đảm bảo giao thông thuận lợi đến trung tâm các huyện, thành phố và các khu vực trọng điểm kinh tế, quốc phòng. Ngược lại, nhiều tuyến ĐH do huyện quản lý luôn ở trạng thái “nắng bụi, mưa lầy” do mặt đường hư hỏng, có nơi còn đường đất.

Theo Luật Giao thông đường bộ, ĐH là đường nối trung tâm hành chính huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc nối các trung tâm hành chính các huyện lân cận với nhau. Nó có chức năng kết nối mạng lưới đường GTNT với quốc lộ (QL) và ĐT nên đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dẫu biết như vậy, nhưng việc đầu tư mới chủ yếu dành cho các tuyến ĐH ở miền núi (nguồn của trung ương và tỉnh). Khu vực trung du và đồng bằng, các địa phương gặp khó về tài chính nên khâu nâng cấp, xây mới chỉ triển khai theo kiểu “liệu cơm gắp mắm”. Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình - ông Nguyễn Văn Ngữ cho hay, địa phương được tỉnh quan tâm trợ lực để kiên cố hóa mặt đường một số tuyến ĐH. Vậy nhưng, trên địa bàn còn tới gần 18km mặt đường cấp phối và 2,5km là đường đất (chưa kể số liệu địa phương đề nghị bổ sung thêm). Mùa nắng, xe cộ qua lại làm bụi bay mù mịt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và sức khỏe người dân. Còn mùa mưa, giao thông gần như tê liệt bởi mặt đường bị lầy lội trơn trượt và đầy rẫy vũng bùn nước như “bẫy ngầm” tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.

Trên địa bàn Quảng Nam hiện có 1.270,4km ĐH đã được UBND tỉnh phân loại. Ngoài ra, các địa phương đề nghị bổ sung thêm 692,8km đưa tổng số chiều dài tuyến ĐH thành 1963,2km. Về kết cấu, trong tổng số 1.963,2km có 831,0km đường nhựa (42,3%); 488,05km bê tông xi măng (24,8%); 83,4km cấp phối (4,3%) và 560,7km mặt đường đất (28,6%).

Tương tự như Thăng Bình, vấn đề đi lại học hành, lưu thông hàng hóa, vận chuyển người đi cấp cứu từ xã này qua xã khác, hoặc đến khu vực trung tâm huyện trở nên nan giải ở không ít địa phương. Trong đó, mặt đường ĐH là đường đất tại Núi Thành còn hơn 17km, Duy Xuyên 24,5km, Hiệp Đức 26,5km, Nam Giang 30,5km và 20,5km mặt đường cấp phối.

Tìm nguồn lực

Hơn bao giờ hết, kiên cố hóa mặt đường các tuyến ĐH trở thành nhu cầu bức thiết cần giải quyết để tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ, liên hoàn. Giúp nhân dân khu vực nông thôn có thể tiếp cận với mạng lưới ĐT, QL. Qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, an toàn giao thông và phục vụ cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, thời gian qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã chỉ đạo ngành chức năng nghiên cứu, xây dựng đề án Kiên cố hóa mặt đường các tuyến ĐH trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2015 - 2020. Hiện tại, đề án này được Sở GTVT “thai nghén” và đã gửi bản thảo cho các địa phương, ngành liên quan góp ý.


Phó Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính Sở GTVT, ông Võ Công Phúc cho hay, từ năm 2012 UBND tỉnh có chủ trương giao cho UBND huyện Thăng Bình tổ chức bê tông hóa một số tuyến ĐH với cơ chế tự xây dựng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, ngân sách huyện bố trí 50%. Qua 3 năm triển khai cho thấy, hệ thống giao thông của huyện được cải thiện rõ rệt, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Trên cơ sở hiện trạng, nhu cầu và kết quả thí điểm tại Thăng Bình, UBND tỉnh giao cho Sở GTVT lập đề án Kiên cố hóa mặt đường các tuyến ĐH trên địa bàn tỉnh, trình HĐND tỉnh thông qua để thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2020. “Nhằm có các giải pháp đồng bộ, phát triển hài hòa giữa các địa phương theo kế hoạch, tiết kiệm chi phí đầu tư; nhất là đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân thì việc xây dựng và triển khai đề án kiên cố hóa mặt đường ĐH là cần thiết” - ông Võ Công Phúc đánh giá.

Được biết, nguồn vốn thực hiện mà đề án ban đầu đề cập chủ yếu là ngân sách nhà nước. Đối với các huyện đồng bằng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, ngân sách huyện, xã 50%. Ở các huyện miền núi, ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%, ngân sách huyện, xã 30%. Cơ chế quản lý đầu tư được áp dụng hình thức tự thực hiện kết hợp với đấu thầu giao cho doanh nghiệp thi công, sử dụng thiết kế mẫu, giám sát của cộng đồng và các cơ quan quản lý nhà nước. Vận động nhân dân, các đơn vị đóng góp chi phí liên quan đến giải phóng mặt bằng (hiến đất, cây cối, vật kiến trúc). Đề án này nếu được thông qua sẽ tiếp tục là bước ngoặt mới cho mục tiêu cải thiện hạ tầng giao thông khu vực nông thôn. Tạo điều kiện để tiếp cận trung tâm xã, cụm xã một cách thuận lợi; huy động được sự tham gia của cộng đồng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nói chung.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm nguồn lực cho tuyến đường huyện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO