Kế hoạch thu nội địa năm 2020 đã “phá sản”. Nguồn lực ngân sách cho địa phương luôn là điều nan giải khi khó có thể định lường từ nền kinh tế đang, sẽ gặp bất ổn.
Bất ngờ ngân sách
Kế hoạch thu 720 tỷ đồng từ doanh nghiệp nhà nước trung ương (chủ yếu thủy điện), khoảng 3.000 tỷ đồng từ doanh nghiệp FDI, dựa vào sản lượng bia của Công ty TNHH Nhà máy Bia Heneiken Việt Nam - Quảng Nam (sẽ được thị trường tiêu thụ 150 triệu lít, góp vào ngân sách 1.500 tỷ đồng), cùng 700 tỷ đồng từ Nam Hội An và cam kết nộp tăng 20% thuế nội địa của Trường Hải đã không thể thực hiện được.
Theo UBND tỉnh, năm 2020 ước thu của Nhà máy bia Heneiken chỉ 1.032 tỷ đồng (68,8%), Nam Hội An mới chỉ 40 tỷ (5,7%), Trường Hải chỉ khoảng 7.480 tỷ đồng, đạt 80,2% kế hoạch (7.480 tỷ/9.328 tỷ đồng).
Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính nói, lượng khách nước ngoài đến Nam Hội An rất ít; còn Trường Hải, ngoài sức ép cạnh tranh thị trường ô tô, xu hướng trở thành tập đoàn đa ngành, hướng vào xuất khẩu nên mảng sản xuất, lắp ráp ô tô nội địa thấp đã dẫn đến sản lượng tiêu thụ và số thu từ ô tô đạt thấp so với kế hoạch ban đầu.
Không chỉ các “ông lớn” bị suy giảm, dịch bệnh, thiên tai đã đẩy nền kinh tế địa phương suy sụp. Các khoản thu về thuế, phí liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu tiền sử dụng đất, thu bán tài sản đều giảm so năm trước, không đạt dự toán. Tác động chính vào sự sụt giảm này đến từ dịch bệnh, thiên tai, của các chính sách miễn - giảm thuế, phí, ưu đãi thuế suất sau dịch bệnh Covid-19 để hỗ trợ phát triển sản xuất. Quảng Nam ước thu nội địa năm 2020 là 15.670 tỷ đồng (bằng 82,5% thực hiện năm 2019, chỉ đạt 76,4% dự toán).
Kế hoạch thu ngân sách nội địa 20.524 tỷ đồng đã “phá sản”. Mọi dự báo đều đi ngược với dự tính. Khoảng 14/16 khoản thu không đạt dự toán. Ảnh hưởng của đại dịch, thiên tai năm 2020 là điều bất khả kháng, không thể dự lường.
Song, điều bất ngờ đã xảy ra. Thay vì dự báo dường như chắc chắn là sẽ hụt thu đến 6.000 - 7.000 tỷ đồng đã không trở thành sự thật. Những con số thống kê cho thấy, số hụt thu chỉ khoảng 25%.
Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh nói, có rất nhiều khoảng trống trong thu ngân sách địa phương. Nguồn thu từ khai thác khoáng sản, đất đai chưa được khai thác triệt để. Các cuộc thanh tra, kiểm tra cho thấy một số doanh nghiệp chưa kê khai nộp đầy đủ các khoản thuế tài nguyên và môi trường theo quy định. Không kê khai nộp tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa vẫn diễn ra. Việc cung cấp thông tin, đối chiếu số liệu sản lượng khai thác khoáng sản thực tế so với trữ lượng cấp phép, thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể chưa chặt chẽ, kịp thời. Một số doanh nghiệp chưa đăng ký thành lập pháp nhân tại tỉnh, nên không kê khai nộp thuế tại địa phương… Tất cả điều này đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách địa phương. Song, thẩm tra của Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh cũng thừa nhận, trong bối cảnh nền kinh tế bất ổn thì sự linh hoạt các giải pháp điều hành ngân sách, hiệu quả của đề án tăng cường cơ sở thu, chống thất thu, thu hồi nợ… dẫn đến số thu nội địa như trên đã là thành công!
Tìm nguồn lực ngân sách
“Phải tăng cường huy động, nuôi dưỡng nguồn thu và khai thác các nguồn thu mới, triển khai triệt để các doanh nghiệp đầu tư, thành lập pháp nhân tại Quảng Nam. Nâng cao hơn nữa công tác thẩm định giá đất, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt giá đất cụ thể, tăng cường phối hợp theo dõi, đôn đốc, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, kịp thời huy động vào ngân sách nhà nước”.
(Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh PHAN VIỆT CƯỜNG)
Tăng thu ngân sách luôn là mệnh lệnh được đặt lên hàng đầu. Không thể là những giải pháp kỹ thuật mà nguồn lực quan trọng của ngân sách phải bắt nguồn từ việc xúc tiến, thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế. Kế hoạch của Quảng Nam năm 2021 thì thu nội địa khoảng 16.000 tỷ đồng, tăng 10,2% so với Trung ương giao (gần 14.515 tỷ đồng), tăng 2,1% so với ước thực hiện năm 2020 và bằng 78% dự toán năm 2020.
Con số ước định này được cho là một “bước lùi” về thu ngân sách. Tuy nhiên, theo cơ quan quản lý thì Quảng Nam không thể trông chờ vào các khoản thu đột biến, nên chỉ có thể trông chờ vào khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Thu đủ, đúng, chống thất thu chỉ dựa vào sức khỏe của doanh nghiệp.
Theo ông Đặng Phong, sản xuất, kinh doanh sẽ vẫn còn chịu sức ép khi dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên toàn cầu. Dư địa chính sách ô tô bất ổn. Sẽ phải xác định khả năng phục hồi nền kinh tế mất thêm nhiều năm nữa. Nguồn thu chủ lực từ ô tô Trường Hải tiếp tục khó khăn, nguồn thu này dự kiến không có tăng trưởng… Nên dự toán thu nội địa cho năm 2020 chỉ có thể ấn định bằng con số ấy!
Sự dè dặt đặt ra con số thu ngân sách nội địa năm 2020 có lý do của nó. Nền kinh tế đang lâm vào suy kiệt thì chuyện thu ngân sách có thể không đạt kế hoạch cũng không phải là chuyện bất bình thường. Thẩm tra của Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh cho biết dự toán thu ngân sách là phù hợp với tác động thời tiết, thiên tai, dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường. Không dễ để đạt được con số này. Vấn đề đặt ra là thúc đẩy sản xuất, khai thác triệt để các nguồn thu, tăng cường giải pháp thu hồi nợ đọng thuế, tăng tần suất thanh tra kiểm tra chống chuyển giá, gian lận thuế, chống thất thu, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, khai thác khoáng sản, truy thu và xử lý kịp thời đối với các sai phạm trong công tác quản lý, kê khai nộp thuế được phát hiện qua thanh, kiểm tra.