Tìm vốn dự trữ hàng cuối năm: Ngân hàng đã "mở rộng cửa"

CHIÊU THỤC ANH 24/12/2015 09:01

Cuối năm, để gom hàng dự trữ bán tết, các tiểu thương ở các chợ thường tìm đến nguồn vốn vay “tín dụng đen”. Năm nay, nhiều ngân hàng đã vào cuộc để hỗ trợ, tiếp sức cho tiểu thương, người kinh doanh nhỏ có nguồn vốn vay lành mạnh.

Ngân hàng “mở rộng cửa” vào cuối năm sẽ hạn chế sự phát triển của tín dụng đen ở các chợ (ảnh chỉ có tính minh họa)
Ngân hàng “mở rộng cửa” vào cuối năm sẽ hạn chế sự phát triển của tín dụng đen ở các chợ (ảnh chỉ có tính minh họa)

Thấp thoáng “tín dụng đen”

Chị Nguyễn Thị Thu (tiểu thương chuyên bán đồ sơ sinh, trẻ nhỏ ở chợ Tam Kỳ) cho biết: “Các hộ tiểu thương ở chợ Tam Kỳ đang phân vân trong việc tìm các nguồn vốn vay để dự trữ hàng bán tết. Nhiều người đã lâm vào “tín dụng đen”, vay nóng. Họ làm vậy để có tiền đặt cọc, mua mặt bằng khi chợ Tam Kỳ dời về địa điểm mới. Chợ mới nhưng buôn bán lâu nay ế ẩm, không đủ trả tiền lãi, nhiều người bị hụt vốn, áp lực trả nợ quá cao, đang tính đường cùng bỏ xứ đi nơi khác”.

Sự thật, lâu nay các tiểu thương coi việc vay nóng, “tín dụng đen” là bình thường trong đời sống kinh doanh ở chợ. Ở những nơi này, người ta cho vay từ một vài triệu đến vài trăm triệu đồng khi chủ các sạp hàng có nhu cầu. Thường lãi suất được tính đơn giản theo mức 1 - 2 nghìn đồng/ngày trên 1 triệu đồng vốn vay. Tại mỗi khu chợ đều có những người đứng ra thầu việc cho vay, khi cần có thể vay trực tiếp hoặc thông qua người giới thiệu. Mọi “thủ tục” được giải quyết nhanh gọn trong vòng vài phút. Với lãi suất như thế, nếu kinh doanh thuận buồm xuôi gió thì người vay có thể nhanh chóng trả được lãi lẫn gốc. Nhưng trong buôn bán, không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Thế nên, nhiều người buôn bán đã phá sản, thụt vốn cũng vì vậy. “Tết là thời điểm mà gần như ngành hàng nào cũng đẩy mạnh kinh doanh, gom hàng vì nhu cầu tiêu dùng cao hơn ngày bình thường. Mặt hàng bánh kẹo, mứt, nước ngọt của tui bữa nay bắt đầu lấy hàng về bán dần là vừa. Tôi cũng đang tìm hiểu các nguồn vay thế nào cho rẻ, nhanh gọn để có vốn phục vụ bán tết” - chị Trần Thị Lựu (tiểu thương mặt hàng bánh kẹo ở chợ Tam Kỳ) nói.

Lâu nay tại các chợ, trung tâm thương mại, nhiều tiểu thương cũng có sử dụng nguồn vốn vay của ngân hàng. Cuối ngày, các nhân viên ngân hàng đến tận sạp để thu hồi vốn và lãi theo như cam kết của hai bên. Theo ông Nguyễn Ngọc Duy  - Trưởng ban Quản lý chợ Trung tâm thương mại Tam Kỳ, những hộ kinh doanh có hợp đồng tại chợ Trung tâm thương mại, buôn bán ổn định đều được ban quản lý bảo lãnh để được ngân hàng hỗ trợ vay vốn kinh doanh. Đến tết nếu cần thêm vốn vay thì căn cứ trên hợp đồng vay sẵn có, đề nghị ngân hàng cấp thêm vốn để kinh doanh dịp tết, không phải tìm đến nguồn vốn “tín dụng đen” như mỗi dịp Tết Nguyên đán trước đây.

Ngân hàng vào cuộc

Nắm bắt được nhu cầu cần nhiều vốn cuối năm, một số ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã triển khai các gói vay đặc biệt, như một sự hỗ trợ cho các tiểu thương - đối tượng không và chưa thể tiếp cận nguồn hỗ trợ lãi suất vốn vay của UBND tỉnh mỗi năm. Ông Kiều Phương Trung - Giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank), cho biết: “Nắm bắt được nhu cầu có thực và cần thiết của rất nhiều hộ tiểu thương và kinh doanh nhỏ lẻ, VP Bank triển khai chương trình ưu đãi lãi suất dành cho các cá thể với nhiều chính sách ưu đãi, nhiều sự lựa chọn như: lãi suất 6,99% cho 3 tháng đầu tiên, 7,99% cho 12 tháng đầu tiên, 24 tháng đầu tiên là 8,99%”. Điều đáng nói là chính sách vay khá thông thoáng khi VP Bank miễn việc phải có giấy chứng nộp thuế và đăng ký kinh doanh khi làm hồ sơ với khoản vay dưới 1 tỷ đồng. Ngoài ra, thời gian vay có thể kéo dài đến 24 tháng và trả lãi hàng tháng, trả gốc vào cuối kỳ vay. Chị Nguyễn Thị Ngọc H. (chợ Trung tâm thương mại Tam Kỳ) nói: “Ban đầu mình cũng rất ngại vay tiền tại các ngân hàng do phải qua nhiều thủ tục và có ban quản lý chợ xác nhận. Tuy nhiên, khi được cán bộ tín dụng của ngân hàng tư vấn và được vay, từ tết năm ngoái đến nay, khi cần vốn dịp cuối năm mình đều chọn gói vay ngắn hạn của ngân hàng dành cho tiểu thương”.

Ghi nhận của chúng tôi tại nhiều ngân hàng có gói cho vay tiểu thương như Sacombank, Eximbank, Đông Á... cho thấy, điều kiện và thủ tục để vay vốn ngân hàng không quá khó. Anh Trương Anh Toàn – cán bộ tín dụng Eximbank cho rằng: “Lãi suất của các ngân hàng cũng khá cạnh tranh, thủ tục cũng không quá khó như trước đây để tránh trường hợp tiểu thương thấy rườm rà mà chuyển sang nguồn vốn vay “tín dụng đen”. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng cũng có yêu cầu và cách thức thực hiện cho tiểu thương vay khác nhau”. Như tại Ngân hàng TMCP Đông Á, mức cho vay tối đa 300 triệu đồng đối với chợ loại 1, 150 triệu đồng với chợ loại 2, chợ loại 3 là 50 triệu đồng, phương thức cho vay theo từng lần, tài sản đảm bảo là quyền sử dụng sạp. Sacombank thì yêu cầu cần phải có sự bảo lãnh của ban quản lý chợ... Với sự mở rộng cửa của ngân hàng như hiện nay, tiểu thương tại các chợ có thể chủ động tìm nguồn vốn với lãi suất hợp lý để kinh doanh có lãi, đặc biệt là thời điểm cuối năm. Vấn đề còn lại là việc tiếp nhận thông tin vay vốn ngân hàng của tiểu thương để tránh những tác hại khôn lường từ nguồn vốn vay “tín dụng đen”.

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm vốn dự trữ hàng cuối năm: Ngân hàng đã "mở rộng cửa"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO