Loay hoay xử lý xe quá tải

CÔNG TÚ 03/08/2021 06:11

Việc kiểm soát, xử lý xe chở hàng quá tải trọng cho phép, để vật liệu rơi vãi trên đường tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT) và khiến hạ tầng đường bộ nhanh xuống cấp thời gian qua chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.   

Lách trạm cân tải trọng trên quốc lộ 14B, đoàn xe chở quá tải chạy vào tuyến ĐH1.ĐL (Đại Lộc) gây hư hỏng đường sá. Ảnh: C.T
Lách trạm cân tải trọng trên quốc lộ 14B, đoàn xe chở quá tải chạy vào tuyến ĐH1.ĐL (Đại Lộc) gây hư hỏng đường sá. Ảnh: C.T

Hệ lụy từ xe quá tải

Phía bên trái các tuyến giao thông hiện hữu, như quốc lộ 14B (Đại Lộc - Nam Giang), quốc lộ 14H (Hội An - Duy Xuyên - Nông Sơn) hay tỉnh lộ (ĐT) 617 (Núi Thành), ĐT609 (Điện Bàn - Đại Lộc), ĐT609B (Đại Lộc) thường xuyên bị sụt lún, hư hỏng nặng hơn so với phần bên phải của tuyến đường.

Hiện tượng vừa nêu là do lưu lượng xe tải lưu thông gia tăng, đặc biệt thời điểm phương tiện “no hàng” rồi quay ngược chạy về đầu tuyến, theo hướng tây xuống đông (trục ngang) hoặc nam ra bắc (trục dọc).

Xe chở hàng hóa quá tải trọng thiết kế, vượt khung cho phép của cầu, đường khiến cho hạ tầng xuống cấp nhanh. Nhiều cung đường chỉ đảm bảo cho tổng tải trọng xe và hàng hóa nặng 20 - 30 tấn lưu thông, nhưng mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe chở 40 - 50 tấn đi qua nên nhanh chóng hư hỏng.              

Quan sát trên các tuyến giao thông gần mỏ cát, sạn, đất, đá; nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng; vùng trồng keo đều dễ dàng nhận thấy xe quá tải lưu thông nhộn nhịp. Xe vận chuyển vật liệu xây dựng quá tải khi chạy còn làm rơi vãi cát, đá làm ô nhiễm môi trường sống.

Đáng lo hơn, nền, mặt đường bị băm nát, xuất hiện nhiều “ổ gà”, “ổ voi”, “sống trâu” rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Nhiều xe quá tải đang lưu hành bị nổ lốp, phanh không ăn, phóng nhanh mất lái dẫn đến TNGT chết người. Trong khi đó, Nhà nước phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo đường.

Theo ông Trương Khuê - nguyên Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, doanh nghiệp tìm mọi cách giảm chi phí đầu tư ban đầu nên hạn chế số lượng xe mua vào, cố tình chở quá tải, tăng ca, tăng chuyến để cạnh tranh.

Mặt khác, ý thức tuân thủ pháp luật về trật tự ATGT của không ít chủ xe, lái xe còn hạn chế. Trong khi đó, công tác tuyên truyền chưa được thường xuyên, liên tục. Việc thực hiện kiểm tra, xử lý xe quá tải có thời điểm chỉ diễn ra trên một số địa bàn, một số tuyến đường, nơi làm quyết liệt, nơi không làm hoặc làm qua loa khiến tài xế “nhờn luật”.

Cần vào cuộc đồng bộ

“Xe vi phạm chở quá tải trọng cho phép đang diễn ra khá phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình thuộc hệ thống đường bộ và chất lượng cuộc sống của người dân dọc hai bên các tuyến đường có phương tiện chạy qua. Đó cũng là nguyên nhân của nhiều vụ TNGT nghiêm trọng.

Có thể nói, việc ngăn chặn tình trạng xe chở quá tải rất cấp bách hiện nay” - Phó Chánh Thanh tra phụ trách ATGT (Thanh tra Sở GTVT) Lê Ngọc Sơn bày tỏ. Những năm qua, Ban ATGT tỉnh luôn quán triệt lực lượng chức năng cấp tỉnh, đề nghị ban ATGT cấp huyện chú trọng tuần tra kiểm soát, xử lý hành vi chở quá tải trọng. Ban ATGT tỉnh từng thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành vào cuộc.   

Năm 2021, Tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm cơi nới thành, thùng xe, chở hàng hóa, vật liệu quá tải trọng cho phép được UBND tỉnh thành lập đã ra quân làm nhiều đợt, nhưng gặp không ít khó khăn.

Con số phát hiện 49 trường hợp vi phạm, xử phạt hơn 287 triệu đồng chưa phản ánh đúng thực tế. Chẳng hạn như chuẩn bị ngày làm việc mới, nhiều chủ xe cho “quân chuyên dụng” nghe ngóng để nắm thông tin, bám sát theo tổ liên ngành để thông báo cho tài xế xe tải biết hướng di chuyển mà đối phó.

Đều đặn mỗi ngày, hàng chục ô tô con “túc trực” gần nơi tổ thực thi công vụ. Cho nên, lực lượng chức năng đi đến đâu đều thấy hầu như phương tiện không hoạt động. Đến khi tổ liên ngành chuyển địa bàn, xe tải lại chạy bình thường và thậm chí rầm rộ hơn để bù thời gian tạm nghỉ trước đó.

Công tác kiểm soát tải trọng xe muốn đạt được hiệu quả cần có sự vào cuộc thực sự của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, ngành, tổ chức chính trị xã hội; cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông xử lý quyết liệt, công khai, minh bạch, công bằng; kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân làm tốt, phê phán trường hợp vi phạm.

Ông Lê Ngọc Sơn cho biết đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp về xử lý hành vi vi phạm cơi nới thành, thùng xe, chở hàng hóa, vật liệu quá tải trọng cho phép và vi phạm các quy định khác của pháp luật về vận tải.  

Cùng với đó, UBND tỉnh cần tổ chức hội nghị quán triệt và yêu cầu doanh nghiệp, chủ xe và chủ các bến, mỏ khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng ký cam kết thực hiện xếp hàng, chở hàng đúng tải trọng cho phép, không tự ý cơi nới, thay đổi kích thước thành thùng xe và tự giác cắt thành thùng xe.

Giám sát chặt chẽ chủ đầu tư, nhà thầu về sử dụng phương tiện vận tải phục vụ thi công; nếu đơn vị nào sử dụng xe quá tải, tiếp nhận vật liệu từ xe quá tải sẽ xử lý thu hồi, chấm dứt hợp đồng. Đặc biệt, phải đôn đốc, theo dõi UBND cấp huyện xây dựng và thực hiện kế hoạch xử lý xe quá tải, tránh tình trạng tổ liên ngành cấp tỉnh di chuyển qua nơi khác thì xe quá tải tại địa bàn đó lại lộng hành.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Loay hoay xử lý xe quá tải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO