Khơi thông dòng tiền vào nền kinh tế là mục tiêu của hệ thống ngân hàng Quảng Nam năm 2017. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ không dễ như dự định trước việc công bố kìm chế lạm phát và thắt chặt tín dụng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Các cuộc kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thực sự là kênh hữu hiệu để doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng.Ảnh: N.PHONG |
Tín dụng tăng mạnh
Ngày 12.1.2017, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam công bố đến ngày 31.12.2016, tổng vốn huy động đạt 35.596 tỷ đồng (tăng 38,44%) và tổng dư nợ cho vay đạt 43.556 tỷ đồng (tăng 28,39%). Con số thống kê này cao hơn nhiều so với mức tăng tương ứng 24,39% và 26,82% của năm 2015 và vượt khá xa tốc độ tăng của cả nước (18,38% và 18,71%). Cơ cấu huy động vốn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng nguồn vốn dài hạn. Chiếm đa số trên tổng nguồn huy động là khối ngân hàng thương mại nhà nước với 59,91%, khối ngân hàng thương mại cổ phần chiếm 37,72%, ngân hàng chính sách xã hội chiếm 0,59%, ngân hàng nước ngoài 0,79%, ngân hàng liên doanh 0,31% và quỹ tín dụng nhân dân chiếm 0,68%. Tiền gửi tiết kiệm từ dân cư chiếm tỷ trọng 74,03%/tổng huy động, tăng 31,46% và tiền gửi của tổ chức kinh tế tăng 45,51% so với đầu năm. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay.
Khối ngân hàng thương mại nhà nước vẫn giữ vai trò chủ lực trong đầu tư tín dụng trên địa bàn với thị phần 61,59%. Khối ngân hàng thương mại cổ phần chiếm 24,7% và thấp nhất là các quỹ tín dụng nhân dân chỉ chiếm 0,31%. Tín dụng đã đổ vào nền kinh tế theo các lĩnh vực ưu tiên, chiếm tỷ trọng cao trên tổng dư nợ. Trừ dư nợ cho vay xuất khẩu chỉ chiếm 0,7% (giảm 9,23%), dư nợ nông nghiệp nông thôn chiếm 16,89% (tăng 1,59%), doanh nghiệp vừa và nhỏ 16,5% (tăng 23,24%). Bất ngờ nhất là dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ đã tăng đến 927,35% với tỷ trọng 2,76%. Chiếm thị phần cao nhất trong tổng dư nợ cho vay thuộc về công nghiệp chế biến, chế tạo (21,41%), bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô (16,26%), nông, lâm nghiệp, thủy sản (không bao gồm dư nợ doanh nghiệp trên địa bàn nông thôn) chiếm 12,08%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt (10,66%).
Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho hay, không như những năm trước, mặc dù vẫn có không ít ngân hàng không thể đạt chỉ tiêu, nhưng tín dụng năm 2016 của cả hệ thống ngân hàng tăng trưởng mạnh ngay từ những tháng đầu năm, đã tạo đà cho tăng trưởng tín dụng cao, đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng (38,44% so với kế hoạch đăng ký 26,41% của các tổ chức tín dụng). Dư nợ ngắn hạn hay dài hạn đều tăng trưởng, nhưng dư nợ trung, dài hạn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều do với ngắn hạn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu dư nợ. Nợ xấu cũng đã được kéo về ngưỡng an toàn khi chỉ còn khoảng 386,4 tỷ đồng, chiếm 0,89%/tổng dư nợ. Bức tranh tín dụng đầy màu sắc này được cho là kết quả nỗ lực của việc triển khai 44 gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp (phổ biến từ 4,3% - 7%/năm), cơ cấu lại nợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng, nhất là việc kết nối ngân hàng – doanh nghiệp với khoảng 400 doanh nghiệp tham gia.
Dè dặt tăng trưởng
Không đưa ra con số kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2017 của hệ thống ngân hàng Quảng Nam là bao nhiêu nhưng ông Nguyễn Văn Diện – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho hay tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào chính bản thân doanh nghiệp, sức khỏe của nền kinh tế hơn là những điều kiện ràng buộc từ phía ngân hàng. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam sẽ tiếp tục triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý, giảm bớt khó khăn về vốn và chi phí lãi vay cho doanh nghiệp, đồng thời giúp ngân hàng đẩy nhanh và đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tín dụng hiệu quả. Quan trọng và mới mẻ hơn, năm 2017, doanh nghiệp khởi nghiệp, vốn vay theo các chương trình, chính sách tín dụng theo ngành, lĩnh vực trọng điểm... sẽ được ưu tiên đầu tư. Các cuộc đối thoại trực tiếp giữa ngành ngân hàng với doanh nghiệp sẽ được mở rộng tín dụng hiệu quả và nâng cao chất lượng hơn. Hệ thống ngân hàng sẽ thường xuyên công bố những gói sản phẩm hỗ trợ doanh nghiệp (vốn, lãi suất, thời hạn cho vay…), nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hai mươi sáu tổ chức tín dụng trên địa bàn Quảng Nam đều đã cam kết mở rộng tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và tiếp tục tăng trưởng dư nợ ở các lĩnh vực ưu tiên. Các ngân hàng sẽ áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của các khoản vay. Tiết kiệm chi phí, giảm thiểu tối đa các chi phí khác để có điều kiện giảm lãi suất vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng, nhưng vẫn bảo đảm an toàn tài chính trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Hệ thống ngân hàng Quảng Nam cũng cho rằng sẽ khó đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cao như năm 2016. Ông Nguyễn Quang Việt – Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Quảng Nam cho hay vốn huy động, dư nợ năm 2016 tăng rất cao. Kết quả tăng trưởng kinh tế địa phương, tăng thu ngân sách cao nhất từ 20 năm qua cho thấy tín dụng đã đổ vào nền kinh tế, đầu tư cho những chương trình lớn của Quảng Nam ngày càng thực chất hơn. Tuy nhiên, ông Việt cũng băn khoăn không biết toan tính thế nào khi kế hoạch ngành ngân hàng là ưu tiên vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Bởi phần lớn doanh nghiệp khởi nghiệp đều là những doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, thiếu vốn, hoạt động chủ yếu là vốn vay thì hỗ trợ như thế nào để khỏi gặp rủi ro tín dụng. Nợ xấu tạm yên tâm, nhưng việc kết nối doanh nghiệp cũng nằm trong tình trạng khống chế lạm phát, thắt chặt tín dụng.
Tín dụng mở đã khó, mà đóng lại thì sẽ càng khó thêm. Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho hay, chương trình cho vay theo Nghị định 67 (sau này là 89) đã kết thúc ngày 31.12.2016 để chờ tổng kết rút kinh nghiệm. Thêm nữa, chính sách hỗ trợ lãi suất chưa được công bố, hay chủ trương cho vay nhà ở xã hội không có nguồn, chưa được trung ương cân đối vốn và cho vay phát triển rừng hiện nay vốn đang rất hạn chế… nên sẽ khó đẩy tín dụng ra ngoài.
NHẬT PHONG