Tín dụng năm 2018: Đảm bảo đủ vốn cho nền kinh tế

TRỊNH DŨNG 19/01/2018 09:09

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho hay, kế hoạch tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng năm 2018 sẽ khoảng 17 - 18% và được điều chỉnh phù hợp với “sức khỏe” của nền kinh tế. Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng sẽ đưa ra nhiều giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với lãi suất hợp lý.

Các ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và hạ lãi suất cho vay.
Các ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và hạ lãi suất cho vay.

Tăng trưởng tín dụng vượt kế hoạch

Năm 2016, thị trường tài chính Quảng Nam đã chứng kiến một sự tăng trưởng tín dụng “ngất ngưởng” khi tăng đến 28,39%. Con số này vượt xa chỉ tiêu đề ra và được đánh giá là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm gần đây, đưa kinh tế Quảng Nam tăng trưởng với số thu ngân sách cao nhất trong vòng 2 thập kỷ qua. Năm 2017, dù hệ thống ngân hàng đã nỗ lực khơi thông vốn nhưng Quảng Nam chỉ có thể đạt tăng trưởng tín dụng 19,27%, thấp hơn nhiều so với mức tăng của năm 2016. Cụ thể, lãi suất không còn là rào cản và ngân hàng đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi, mở nhiều chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, sẵn sàng trực tiếp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng. Các ngân hàng thương mại đồng loạt hạ lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên được xem là bất ngờ lớn nhất từ trước đến nay trong hoạt động tín dụng của ngân hàng với doanh nghiệp. Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6 - 6,5%/năm (ngắn hạn), 9 - 10%/năm (trung và dài hạn). Lãi suất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm (ngắn hạn) và 9,3 - 11%/năm (trung và dài hạn). Thậm chí, doanh nghiệp hay khách hàng tốt, tài chính lành mạnh, minh bạch, ngân hàng đã sẵn sàng cung cấp vốn giá rẻ ngắn hạn chỉ 4 -5%/năm.

Ông Nguyễn Văn Diện - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam lý giải tín dụng chỉ tăng trưởng đột biến vào quý I.2017, sau đó giảm dần vào những tháng cuối năm. Tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào độ mở của nền kinh tế. Tín dụng năm 2017 tăng trưởng chậm, thấp hơn nhiều so với năm trước do tác động từ khó khăn chung của nền kinh tế Quảng Nam. Không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, nhiều nhất là ngành công nghiệp chế biến hay thu hẹp quy mô sản xuất, dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm. “Dư nợ doanh nghiệp tăng trưởng thấp thì làm sao có thể tăng trưởng tín dụng nhiều được?” - ông Diện nói. Tuy nhiên, ông Diện cũng cho rằng, ngoại trừ tín dụng công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 Chính phủ giảm (29,30% và 8,72%), ứng dụng công nghệ không có dự án nào được tài trợ thì tất cả lĩnh vực khác đều gia tăng tín dụng. Xét chung trên địa bàn, các tổ chức tín dụng đã đạt và vượt kế hoạch tăng trưởng đề ra từ đầu năm. Hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

Chú trọng chất lượng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng tuyên bố tại hội nghị tổng kết ngành ngân hàng năm 2017 là sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất cho vay. Ba “ông lớn” là Agribank, VietinBank và Vietcombank cam kết sẽ tiếp tục triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng cao và 5 lĩnh vực ưu tiên 0,5 - 1 điểm %. Trong cuộc chạy đua giành thị phần, các ngân hàng thương mại khác cũng không thể đứng ngoài cuộc nên điều dễ hiểu là sẽ có một cuộc đồng loạt giảm lãi suất nữa sẽ xuất hiện trên thị trường tài chính. Điều đó có nghĩa là lượng vốn lớn sẽ được bơm ra thị trường và doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp nhận. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, mức tăng trưởng tín dụng đặt ra của Ngân hàng Nhà nước khoảng 17 - 18% không phải là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế có hạn, nhưng với độ phát triển hiện tại, các doanh nghiệp chỉ cần tín dụng tăng ở mức ấy là vừa phải, không gây quá nhiều về rủi ro nợ xấu tiềm tàng.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho hay sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với lãi suất hợp lý. Sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình cho vay kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Tuy nhiên, chưa thể dự lường được độ phát triển và hấp thụ vốn của nền kinh tế nên cũng chỉ đặt mức tăng trưởng tín dụng từ 17 - 18% như kế hoạch ấn định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Có thể hiểu trước áp lực doanh thu, lợi nhuận, các ngân hàng thương mại sẵn sàng mở rộng tín dụng bằng nhiều giải pháp cụ thể. Hầu hết ngân hàng đều cho rằng kế hoạch tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch ấn định không phải là chuyện khó của hệ thống ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Diện cho hay, hệ thống ngân hàng Quảng Nam có đủ vốn, sẵn sàng đáp ứng bất kỳ lượng vốn nào từ nhu cầu thị trường. Nhưng tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào chính bản thân doanh nghiệp và sức khỏe của nền kinh tế. Một khi nền kinh tế yếu, doanh nghiệp không có dự án, không đủ khả năng mở rộng sản xuất, kinh doanh, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường thì dù có muốn cũng không thể đẩy tín dụng ra ngoài được. Các “van” tín dụng đều có khóa nên ngân hàng thương mại không phải muốn tăng là được. “Tín dụng tăng bao nhiêu, không có ý nghĩa nhiều. Nếu chỉ tăng 8 hay 10% nhưng rơi đúng chỗ, thực chất còn hơn tăng trưởng ngất ngưởng nhưng phải chạy theo “dọn dẹp” thì khổ. Nếu cứ bắt tín dụng tăng trưởng bằng mọi giá thì sẽ quay sang câu chuyện “tín dụng biểu diễn” hay “tín dụng thực chất”. Suy cho cùng, điều quan trọng hơn là chất lượng tín dụng, dòng tiền chảy đến nơi cần chảy, đúng nơi cần của nền kinh tế hấp thụ, chứ không phải là dựa vào con số tăng trưởng nhiều hay ít. Điều cần nhất là tạo ra cơ chế tốt hơn để cho cả kinh doanh và tăng trưởng tín dụng đều đạt được thực chất” - ông Diện nói.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tín dụng năm 2018: Đảm bảo đủ vốn cho nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO