Tín hiệu vui từ nông nghiệp Phú Ninh

VINH ANH 27/11/2017 13:57

Không chỉ tiếp tục tăng trưởng ổn định, những kết quả về sản xuất nông nghiệp (NN) của huyện Phú Ninh trong năm 2017 còn cho thấy những tín hiệu tích cực từ chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành NN.

Người dân xã Tam An (Phú Ninh) ra đồng sản xuất sau đợi mưa lũ. Ảnh: VINH ANH
Người dân xã Tam An (Phú Ninh) ra đồng sản xuất sau đợi mưa lũ. Ảnh: VINH ANH

Tăng trưởng khá

So với năm 2016, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của huyện Phú Ninh trong năm 2017 ước đạt hơn 702,4 tỷ đồng, tăng 3,55%. Theo giá hiện hành, giá trị sản xuất NN đạt hơn 100% kế hoạch năm, tương ứng khoảng 999 tỷ đồng. Đây là con số được huyện Phú Ninh đưa ra tại hội nghị tổng kết ngành NN được tổ chức vào cuối tuần qua. Xét trong điều kiện đầy khó khăn của năm 2017 như tình hình thời tiết mưa lớn kéo dài đầu vụ sản xuất đông xuân, vấn đề giá cả thị trường biến động giảm ở một số nông sản như thịt heo, hồ tiêu… thì kết quả sản xuất NN năm 2017 tiếp tục cho thấy được sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành NN, đồng thời thể hiện hướng đi đúng đắn trong vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi của huyện.

Theo ông Võ Thanh Anh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, xét trên tổng giá trị sản xuất NN năm 2017 thì giá trị ngành chăn nuôi chiếm hơn một nửa (50,9%), ước đạt hơn 509 tỷ tổng, tiếp theo là giá trị ngành trồng trọt (37,4%), lâm nghiệp (10,1%) và thủy sản (1,47%). Trong đó, điểm nổi bật, mang lại giá trị cao cho ngành NN là kết quả sản xuất lúa giống hàng hóa và xây dựng cánh đồng cho thu nhập cao. Trong năm, huyện đã thực hiện hơn 833ha diện tích sản xuất lúa giống hàng hóa, cung ứng ra thị trường hơn 5.000 tấn lúa giống các loại, góp phần tăng hiệu quả sản xuất lên hơn 25% so với sản xuất thóc thịt và nâng cao trình độ thâm canh cho bà con nông dân. Các địa phương còn tổ chức sản xuất hơn 1.800ha lúa chất lượng cao (giống lúa HT1, PC6…) tăng thu nhập đáng kể cho nông dân. Trong năm, huyện cũng đã thực hiện được 1.220ha diện tích cánh đồng thu nhập cao (đạt 100 triệu đồng/ha/năm). Việc luân canh ổn định và bền vững theo các hình thức như luân canh dưa hấu - lúa giống, đậu phụng - dưa - bắp, môn cari - bắp thu đông…, hay những cánh đồng rau chuyên canh đã tạo ra giá trị lớn trên diện tích quy hoạch cánh đồng thu nhập cao. Hiệu quả của sản xuất lúa giống hàng hóa và cánh đồng thu nhập cao đã góp phần làm tăng giá trị bình quân trên diện tích canh tác lên 64,5 triệu đồng/ha/năm.

Bên cạnh đó, các mô hình chăn nuôi heo siêu nạc, gà thịt từng bước được nhân rộng, đến nay toàn huyện có 19 trang trại chăn nuôi đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, các mô hình chăn nuôi heo nái ngoại, gà thịt, gà lấy trứng có doanh thu từ 100 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng được nuôi phổ biến ở hầu hết các địa phương, góp phần tăng số lượng tổ đàn gia súc, gia cầm và nâng cao giá trị ngành chăn nuôi.

Đẩy mạnh tái cơ cấu

Ông Võ Thanh Anh cho biết, định hướng chính của sản xuất NN năm 2018 là phát triển NN toàn diện theo hướng an toàn, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng; đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành NN gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư, liên kết sản xuất, tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao; phát triển gia trại, trang trại theo hướng tạo ra sản phẩm sạch, an toàn… Huyện đặt chỉ tiêu, giá trị sản xuất NN trong năm 2018 phấn đấu đạt trên một ngàn tỷ đồng và theo giá cố định tăng 3,66% so với năm 2017.

Để tập trung thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành NN, huyện đã tổ chức quy hoạch phát triển sản xuất NN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và triển khai Nghị quyết số 18 của HĐND huyện. Đến nay, trên địa bàn huyện bước đầu đã hình thành một số mô hình sản xuất tập trung, có hiệu quả kinh tế cao, như mô hình sản xuất hoa chuyên canh tại xã Tam Dân với diện tích 1,4ha; triển khai thực hiện tích tụ ruộng đất để xây dựng 3 mô hình sản xuất rau hữu cơ, an toàn tại các xã Tam Đàn, Tam Phước, thị trấn Phú Thịnh với tổng diện tích hơn 10ha, đến nay 2 mô hình đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP; hình thành 3 trang trại trồng trọt, sản xuất sản phẩm NN hữu cơ với doanh thu dự kiến hơn 1 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, tại xã Tam Phước đang xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu với diện tịch 30ha; các xã Tam Đại, Tam Lộc, Tam Thành, Tam Thành… đang phát triển một số mô hình trồng dược liệu với diện tích khoảng 23ha. Đặc biệt, huyện đã và đang thu hút đầu tư, xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung công nghệ cao tại xã Tam Thành, Tam Vinh với 3 dự án, trong đó 2 mô hình chăn nuôi heo nái ngoại với quy mô 2.500 con, nuôi bò sinh sản quy mô 250 con. Cùng với đó, huyện sẽ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích lúa không chủ động nước sang phát triển cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao như cây dược liệu, rau chuyên canh, hoa, dưa hấu với diện tích hơn 200ha.

Hiện nay, do mưa lũ kéo dài, bà con nông dân chờ nước rút để bắt tay vào sản xuất vụ đông xuân. Ông Võ Thanh Anh cho biết: “Huyện sẽ chuẩn bị thật tốt các điều kiện để triển khai sản xuất đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống do Sở NN&PTNT ban hành. Thời tiết vụ đông xuân luôn tiềm ẩn các hiện tượng cực đoan gây bất lợi cho sản xuất, lượng mưa có thể lớn hơn với cùng kỳ nhiều năm nên sẽ xảy ra ngập úng ở những vùng trũng. Do đó, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương có biện pháp nhằm ứng phó với ngập úng, vệ sinh đồng ruộng, cày dầm đất sớm, giữ nước vừa phải ở chân ruộng. Đồng thời triển khai đến các hộ dân thực hiện cánh đồng chuyển đổi sản xuất cây trồng khác có hiệu quả hơn trên đất lúa”.

VINH ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tín hiệu vui từ nông nghiệp Phú Ninh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO