Tin không tin

C.B.L 11/07/2018 08:57

Hôm qua 10.7, khi đọc các bản tin mới nhất về vở diễn Ký ức Hội An được gọi là phiên bản 2, tôi đã không nén nổi tiếng thở dài với câu chữ hết sức thênh thang kiểu như “mở một cánh cửa để khám phá thêm về một vùng đất, đó là cánh cửa nghệ thuật”. Vở diễn được cho là có 30% nội dung kịch bản được sửa chữa, thay mới so với bản trình diễn hồi cuối tháng 3 - mà những lùm xùm quanh nó đến nay vẫn còn âm ỉ. Một chút bực, vì ngoài những dòng bay bổng tựa như thông cáo của đơn vị tổ chức về chương trình nghệ thuật thực cảnh, tôi không tìm được thêm thông tin nào khác.

Mỗi ngày lướt báo, bạn đọc ít nhất cũng đôi lần bực dọc như tôi, khi tít bài thì dẫn dụ nhiều quá, mà nội dung lại mơ hồ. Tôi gọi đó là những bản tin đánh cắp thời gian.

Lại nhớ đến thông tin gây chú ý mà các báo điểm nhiều trong tuần qua, là phát ngôn của ông Tô Quang Phán - Tổng Giám đốc Đài PTTH Hà Nội tại hội nghị lần thứ 14 BCH Đảng bộ TP.Hà Nội. Theo ông Phán, trong tổng số hơn 700 người đang làm việc tại Đài PTTH Hà Nội, chỉ khoảng 60% là đủ năng lực làm việc tốt. Còn lại 40% năng lực hạn chế cũng không bỏ được, không loại được vì nhiều người là con ông này, cháu bà kia từ trung ương trở xuống thành phố. Số cán bộ nhân viên này, theo tổng giám đốc đài, “làm việc làng nhàng, đi ra đi vào. Tuy nhiên họ không vi phạm kỷ luật, không cãi ai, không chửi ai nên rất khó đuổi” (theo báo Tuổi Trẻ).

Nếu làm một cuộc thống kê bằng cách điều tra cụ thể, tôi cho rằng không chỉ riêng đài PTTH Hà Nội mà rất nhiều cơ quan, bộ ngành trên cả nước có chung thực trạng này. Vấn đề ở chỗ nó là con số bao nhiêu, và người đứng đầu nào dám nói hoặc được “bật đèn xanh” để nói; nó ảnh hưởng như thế nào đến hiệu suất công việc của đơn vị, đến độ “không còn khả năng chịu đựng”, và buộc phải nói để cải thiện tình hình.

Và, khi thực trạng được chỉ mặt đặt tên ở đây rơi vào những người làm việc trong một cơ quan báo chí, hẳn sẽ có nhiều hơn nụ cười khẩy từ bên ngoài công luận. Con số 40% kia có khi không hẳn là nhà báo, nhưng cũng có thể là nhà báo. Rồi những bản tin của họ được sản xuất ra, phát đi, nếu chiếu theo con số ấy, chắc chắn sẽ có những bản tin tồi.

Nhà báo Lê Ngọc Sơn từng đưa ra một hình ảnh ví von vô cùng sâu cay về nghề báo: ngoài kiểu nhà báo như những chiếc máy photocopy thì có hai kiểu đặc trưng là thân tằm và những con chim nhại. Nghề báo, thường phơi mình giữa thanh thiên bạch nhật bằng sản phẩm, nên dễ thấy ngay bút nào bén hoặc bút nào cùn. Trên con đường này, vinh hay nhục đôi khi chỉ trong gang tấc mà phần quyết định đều phụ thuộc vào lựa chọn của mỗi người, năng lực của mỗi người, rằng anh làm thân tằm hay làm con chim nhại…

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tin không tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO