Sau một năm lọ mọ trong khu vườn nhỏ, đến nay anh Trần Kim Đào (sinh năm 1981, giảng viên Trường Đại học Quảng Nam) đã chính thức khởi nghiệp với hoa hồng.
Khách dạo vườn hồng Thúy Dương. |
Vườn hồng “Thúy Dương” của anh Đào ở số 14 đường Lê Đình Thám, phường Hòa Thuận (TP.Tam Kỳ) rộng hơn 1.000m2, có hơn 2.000 chậu lớn nhỏ, bao gồm thân bụi, thân leo và thân gỗ (tree rose) với gần 100 loài. Lúc đầu anh Đào chỉ trồng khoảng vài trăm chậu hồng trong khu vườn nhỏ của mình để thỏa niềm đam mê với hoa. Khi nhận thấy đã có kinh nghiệm và đam mê không dứt ra được, vợ chồng anh quyết định đầu tư 500 triệu đồng để mở rộng quy mô, cung ứng giống hoa hồng cho thị trường.
Đưa tôi đi dạo quanh vườn, anh giới thiệu từng loại hồng, từ cách chăm sóc đến đặc điểm, mà người “ngoại đạo” như tôi thấy… rối mù. Với những loại hồng giống nội như cổ Hải Phòng, Sapa, Bạch xếp, Vân khôi, hồng đào… thì tôi có thể nhớ tên, còn những loại hồng ngoại mà anh trìu mến gọi là “nàng” hoặc “chàng”, thì không dễ gì nhớ nổi. Này là “nàng” Jubilee Celebration - một loại hồng nhập từ nước Anh, hoa đẹp, bông to, sai hoa và thơm nồng nàn. Hoa hồng Masora (Nhật Bản) mà những ai sành hoa hồng đều phải sở hữu ít nhất một chậu mới chịu. Còn nữa, hồng Maurice Utrillo (Pháp) có màu sắc độc đáo, mùi hương dịu nhẹ; hồng Catalina (New Zealand) mạnh mẽ, lâu tàn; hay mùi thơm và màu sắc quyến rũ của “hoàng tử” The Prince…
Anh Trần Kim Đào chăm hoa chuẩn bị cho vụ tết. Ảnh C.N |
Hỏi, làm sao anh có thể nhớ và biết cách phân biệt loại này với loại khác, kể cả cách chăm sóc, anh Đào thổ lộ, do có kinh nghiệm trồng hồng nên anh nhớ được tên, với những cây đã ra hoa, nhìn hoa để phân biệt loại này với loại khác, hoặc chỉ cần nghe mùi hương là đã đoán được loài gì... Với những cây mới giâm, chưa có hoa, chỉ cần nhìn lá, cành, anh Đào có thể “gọi tên”. Theo anh Đào, hoa hồng cơ bản dễ chăm, chỉ cần bón phân, tỉa cành và đủ nắng là có thể ra hoa quanh năm. Cây hồng có thể ra hoa sau khi cắt tỉa cành từ 28 đến 40 ngày, tùy điều kiện thời tiết và tùy từng loại. Giống hồng ngoại khó chăm hơn hồng nội, do khác biệt về thời tiết, khí hậu, tuy nhiên nhờ được nhà vườn “thuần dưỡng” nên cũng không quá đỏng đảnh.
Thứ Bảy, Chủ nhật, khách đến vườn hồng “Thúy Dương” khá đông, có người đến mua hoa, có người đến nhờ chỉ dẫn cách chăm sóc, có người đến chỉ để ngắm, hoặc… ngửi, hay chụp ảnh đăng facebook. Với bất cứ ai, vợ chồng anh Đào đều vui vẻ, nhiệt tình giới thiệu từng loại, giá cả, và hướng dẫn cách chăm sóc. Tùy khách hàng mà anh tư vấn trồng loại nào phù hợp. Nhờ sự nhiệt tình như vậy mà khách hàng của anh Đào khá đông, mở rộng ra ngoại tỉnh. Ông Bùi Ngọc Nhiên (xã Bình An, Thăng Bình) là khách quen của anh Đào, nhận xét, “Thúy Dương” là một trong số rất ít vườn hồng ở Quảng Nam có nhiều chủng loại, màu sắc và đẹp. Cuối tuần rồi vào Tam Kỳ, ông Nhiên tìm mua hồng leo về trồng để trang trí tường rào và nói sắp tới, ông sẽ mua thêm các loại hồng khác để trồng trong vườn.
Những ngày này, anh Đào đang bận rộn cắt tỉa cành, chăm bón để kịp cung ứng cho thị trường hoa hồng tết. Bên cạnh cây hoa hồng, anh cũng cung cấp chậu, phân bón sinh học thân thiện với môi trường. Lâu dài hơn, anh cho biết sẽ tiếp tục học cách chiết, ghép cành để nhân rộng chủng loại, nhất là đối với những loại hoa hồng ngoại ít thích nghi với khí hậu Việt Nam. “Tôi tin vào quyết định dám nghĩ và dám khởi nghiệp với hoa hồng của mình. Bởi lẽ, nhu cầu trồng và chơi hoa hồng trong cộng đồng thì khá lớn, mà vườn hồng ở các tỉnh miền Trung chưa nhiều” - anh Đào nói.
CHÂU NỮ